LTS: Sau khi đọc bài viết “Những Bá Kiến trong ngành giáo dục” của thầy Thanh An đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 18/8, tác giả Kim Anh đã có bài viết trao đổi, phản biện lại.
Trên tinh thần khách quan, đa chiều, Tòa soạn xin mời quý bạn đọc theo dõi bài viết này.
Văn phong, nội dung bài viết thể hiện suy nghĩ, góc nhìn, quan điểm cá nhân của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.
Sau khi đọc bài viết “Những Bá Kiến trong ngành giáo dục” của tác giả Thanh An, nói về việc các giáo viên hợp đồng bị các hiệu trưởng (được tác giả ví như Bá Kiến trong ngành giáo dục) biến thành Chí Phèo, tôi cảm thấy rất hoang mang.
Có phải thầy giáo ấy nghĩ rằng giáo viên hợp đồng chỉ do một mình hiệu trưởng quyết định ký hợp đồng, dọa cắt hợp đồng… để rồi phải mang ơn, chịu ơn, hay dồn vào bước đường cùng?
Sự so sánh đó có quá ư là khập khiễng?
Giáo viên hợp đồng nên xem lại mình trước
Tôi không phải là hiệu trưởng, cũng không phải là một giáo viên dạy văn hay một người giỏi văn để phân tích sâu sắc nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao.
Hình minh họa, nguồn: VTV. |
Nhưng ở xã hội ngày nay, một xã hội độc lập, dân chủ, tự do không thể nào các giáo viên có điều kiện học hành, có trình độ lại bị biến thành Chí Phèo.
Dù ở chế độ nào, đất nước nào thì bên cạnh những mặt trái luôn có những mặt tích cực. Và các giáo viên, tôi cảm nhận (chỉ là cảm nhận thôi) có khi nào phải băn khoăn: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta…?”.
Trên các trang mạng, các diễn đàn, các nhóm… các giáo viên thi nhau phản đối, chê bai, chỉ trích, lên án… “ông” này, “ông” kia, chính sách này vô lý, chính sách kia bất cập.
Thế nhưng khi có cuộc khảo sát, hay đề nghị đóng góp ý kiến xây dựng… thì họ lại im lặng, hoặc viết qua loa cho xong chuyện.
Thiết nghĩ các giáo viên, những người trực tiếp tác động vào thế hệ trẻ, vào tương lai của đất nước lại luôn “kêu to” mặt trái xã hội, kêu gọi quyền lợi cá nhân mà lơ đãng đi tâm huyết, nhiệt tình, đóng góp thì các em học sinh sẽ thấm đẫm sự cống hiến, trách nhiệm với cộng đồng, thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, niềm tin với Đảng… từ đâu?
Những Bá Kiến trong ngành giáo dục |
Trở lại vấn đề trả lương cho giáo viên hợp đồng, theo tôi biết thì từ khoảng năm 2008, hiệu trưởng được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí chi hoạt động thường xuyên ngân sách cấp cho đơn vị.
Về công tác dạy học phòng giáo dục và đào tạo huyện là đơn vị chủ quản;
Phòng tài chính - kế hoạch huyện là đơn vị cấp và quyết toán kinh phí theo biên chế từ phòng nội vụ huyện duyệt theo từng năm học dựa trên cơ sở số học sinh, số lớp, số trường, điểm trường… từ phòng giáo dục chuyển qua.
Như ở huyện tôi, phòng tài chính sẽ cấp kinh phí theo hai phần: Phần lương và các khoản trích theo lương cho các biên chế và hợp đồng theo Nghị định 68 (Nghị định của Chính phủ số 68/200/NĐ-CP ngày 17/11/2000).
Phần kinh phí khác cấp theo đặc thù bình quân của toàn huyện và đặc thù của từng trường để chi tất cả các khoản phục vụ vận hành, quản lý, phúc lợi trong nhà trường như:
Tiền nước, tiền vệ sinh, tiền điện, tiền mạng, công tác phí, vật tư, văn phòng phẩm, hồ sơ, sách, tài liệu, bàn ghế, đồ dùng, máy móc, thiết bị dạy học, sửa chữa công trình cơ sở hạ tầng…
Chưa kể cuối năm tài chính (hết tháng 12 hàng năm) các giáo viên có biên chế còn so sánh với ngành điện lực hay các ngành khác để mong mỏi, yêu cầu thu nhập lương tháng thứ 13.
Nhiều thày cô tâm tư: “ít thì cũng phải năm bảy trăm, hay nhiều thì được vài triệu gọi là mua quà tết” để động viên các giáo viên sau một năm công tác vất vả.
Và phần kinh phí trả lương cho các giáo viên hợp đồng với mức 1.300.000đ/ tháng hay 50.000đ/ tiết cộng thêm kinh phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho các giáo viên 22% lương là phần kinh phí tiết kiệm từ các khoản chi vận hành, quản lý, phúc lợi nói trên.
Phần kinh phí này hàng năm mỗi trường được cấp dao động vào khoảng 160 triệu đồng đến 300 triệu đồng tùy theo trường quy mô lớn hay nhỏ.
“Đời giáo viên hợp đồng cực lắm ai ơi” |
Phòng tài chính huyện không cấp kinh phí để chi lương cho các hợp đồng cũng như sở tài chính tỉnh khi cấp kinh phí lương cho huyện chỉ cấp cho biên chế và hợp đồng theo Nghị định 68 (hợp đồng bảo vệ, tạp vụ, nấu ăn…).
Vậy nếu muốn trả lương cao cho các giáo viên hợp đồng, chủ tài khoản lấy kinh phí ở đâu?
Mỗi trường không phải chỉ có một giáo viên hợp đồng mà năm bảy hợp đồng, thậm chí có khi lên đến cả chục người.
Cũng từng đó kinh phí nhưng phải gánh thêm khoản chi lương cho các hợp đồng thì làm gì có chuyện “Một số địa phương, Hiệu trưởng họ thích hợp đồng với giáo viên theo tiết hơn giáo viên biên chế và giáo viên hợp đồng không thời hạn”?
Giáo viên hợp đồng không sống được thì chọn nghề khác, đừng tự biến mình thành Chí Phèo
Với những giáo viên hợp đồng tôi nhìn ra xung quanh, bằng cấp như nhau, trình độ năng lực cũng ngang ngang nhau.
Trong khi các trường đào tạo sư phạm cứ đều đều tuyển sinh hàng năm, không phụ thuộc vào nhu cầu biên chế của các tỉnh nên có quá nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm so với lượng giáo viên về hưu.
Vậy đương nhiên những sinh viên ra trường không có biên chế. Và nếu nhiều người bằng cấp, trình độ… ngang ngang nhau thì theo “cơ chế thị trường” chọn anh quen, hay anh nhã ý hơn cũng là lẽ thường tình.
Mà đã biết là lương thấp thế, bấp bênh thế nhưng các giáo viên vẫn cố chen bằng mọi giá để có cái chân hợp đồng chờ cơ hội biên chế nhà nước ổn định, gần nhà chứ chẳng chịu đi làm công nhân, học thêm nghề khác… lương cao hơn.
Ai cũng trách móc ông nọ chức kia nhận tiền mà không hiểu nhiều lúc người ta cũng khốn khổ. Nói thật như đùa, thực tế có chuyện người nhờ vả xin cho con gái với đủ lý do:
“Giờ mà cháu nó chưa xin được đi dạy là nhà trai họ chưa chịu cưới, bác giúp cho cháu nó chứ cháu nó hai mấy rồi, để nó cưới quách đi cho xong chứ yêu đương lâu thế như chứa bom nổ chậm trong nhà”.
Rồi tất cả cũng là con em trong ngành giờ muốn nối gót. Rồi thì quen, quen bắc qua mấy cái cầu, nhờ anh giúp cho cháu;
Rồi thì lương thấp cũng được chứ ở nhà biết làm gì; rồi thì đã lỡ học hành tốn kém cố cho cháu nó hợp đồng chờ cơ hội biên chế…
Chính các bạn hợp đồng, gia đình các bạn cũng đã làm mọi cách để được hợp đồng kia mà.
Hay giờ chúng ta quay ngược lại trách cái chính sách đặc cách, ưu tiên hợp đồng lao động đã công tác trên 36, 42, 48 tháng đóng bảo hiểm xã hội khi thi tuyển biên chế đối với ngành giáo dục?
Để các bạn dù lương chỉ đủ tiền xăng xe, dù có thể làm việc khác lương cao hơn cũng phải nhòm hiệu trưởng có bóng gió xa xôi gì chưa mà biết đường lo trước kẻo người ta cắt hợp đồng?
Thầy Thanh An viết:
“Bởi có một điều mà bản thân mãi sau này mới nhận ra là không ít Hiệu trưởng họ vẽ ra cho mình một tương lai sáng lắm, họ hứa hay lắm.
Chính vì những chiếc “bánh vẽ” đó mà nhiều giáo viên lỡ dở cả tuổi trẻ để đi theo những lời hứa hão huyền của nhiều lãnh đạo nhà trường”.
Các giáo viên hợp đồng có thực sự bị Hiệu trưởng hạch sách, đòi hỏi. (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn) |
Hiệu trưởng là cán bộ quản lý một đơn vị.
Việc hợp đồng với giáo viên để giảng dạy công khai trước hội đồng sư phạm nhà trường dưới sự đồng ý, quản lý, giám sát, chỉ đạo từ phòng giáo dục, phòng nội vụ, ủy ban nhân dân huyện dựa trên cơ sở số học sinh, số lớp, số điểm trường.
Nhu cầu việc làm của sinh viên tốt nghiệp sư phạm quá nhiều nên nhiều khi các cấp cũng phải “lách luật” để tạo điều kiện cho các bạn sư phạm tập sự, rèn luyện, bồi dưỡng trong khi chờ biên chế chính thức.
Mặt khác, hiệu trưởng không là người trong hội đồng thi tuyển biên chế, các giáo viên hợp đồng lấy cơ sở đâu để nhìn vào “tương lai sáng lắm” do lãnh đạo nhà trường vẽ ra (nếu có).
Trong khi đó, hàng ngày, báo chí đưa tin nhan nhản về tình trạng thừa giáo viên, sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm rất nhiều, hàng năm thi tuyển biên chế đều lấy rất ít chỉ tiêu?
Không có Bá Kiến và Chí Phèo nào ở đây cả, cuộc sống muôn màu, thay đổi từng giây, từng phút.
Không có gì là hoàn hảo và tuyệt đối. Nếu bạn là người thật sự có năng lực, đồng nghiệp và học sinh không thể nào không nhận ra.
Đất chật người đông, thôi thì chấp nhận quy luật cạnh tranh, cung cầu một cách thoải mái.
Như mãi trên thế gian này yêu - ghét, cao - thấp, đẹp - xấu, mạnh - yếu, giỏi - kém, giàu - nghèo, nhanh - chậm, may - rủi luôn song hành cùng nhau.
Nếu cuộc sống bây giờ còn khó khăn, mức sống còn thấp, đất nước chưa mạnh giàu thì tất cả chúng ta phải luôn nỗ lực, cố gắng hết sức tạo điều kiện cho con em học tập tốt, có kỹ năng sống cao mai này lớn lên thành người có tài có đức chung tay xây dựng đất nước phát triển.
Có như thế mới mong thực hiện được lời Bác Hồ đã viết trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên:
“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Năm học mới sắp bắt đầu, chuyện lạm thu trong các trường học ngày càng trở nên tinh vi là nỗi ám ảnh, bức xúc của phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo chân chính. Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời quý độc giả gửi thông tin phản ánh tình trạng lạm thu và tiêu cực ở các trường, các hội phụ huynh để chung tay góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục nước nhà. Chúng tôi cũng rất mong muốn nhận được các câu chuyện tấm gương người tốt việc tốt, những bài viết phản ánh hơi thở cuộc sống học đường từ các thày cô, các nhà quản lý giáo dục và các bạn học sinh sinh viên trên cả nước. Các thông tin và bài viết, quý bạn đọc vui lòng gửi về hòm thư điện tử toasoan@giaoduc.net.vn, cùng thông tin cá nhân (số chứng minh thư nhân dân, số tài khoản ATM, địa chỉ liên hệ / nơi công tác) để Tòa soạn tiện liên hệ xác minh và chi trả nhuận bút, nếu bài được đăng. Các thông tin cá nhân của người cung cấp nguồn tin được chúng tôi cam kết bảo mật theo pháp luật nhà nước. Trân trọng! |