Điểm mới của dự thảo Luật Giáo dục đại học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố để xin ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, đội ngũ thầy cô là quy định để đại diện sinh viên tham gia vào Hội đồng trường:
"Hội đồng trường phải có ít nhất 17 người và là số lẻ. Thành viên trong đó ngoài hiệu trưởng, một hiệu phó, chủ tịch công đoàn, đại diện hội sinh viên... phải có ít nhất 25% là giảng viên khoa/bộ môn, tối thiểu 30% thành viên bên ngoài trường…
Những quy định này nhằm bảo đảm Hội đồng trường có thẩm quyền cao nhất trong trường đại học".
Tuy nhiên, đại diện nhiều cơ sở giáo dục đại học cho rằng quy định thành viên bên ngoài trường chiếm tỷ lệ tối thiểu 30% tổng số thành viên hội đồng trường là hơi cao.
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, ở các nước tiên tiến, trong hội đồng trường thường có thành phần đại diện sinh viên. Nhưng khi học tập mô hình nước ngoài, chúng ta cũng cần xem xét cụ thể điều kiện Việt Nam, xem có thực sự phù hợp để áp dụng hay không (Ảnh minh họa: Báo Tuổi trẻ) |
Theo ông Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội: “Các đại diện từ bên ngoài vào họ có thể nắm chuyên môn của họ nhưng nếu nói về quy trình, tổ chức đào tạo thì không chắc.
Chúng ta cần họ để hiểu nhu cầu thực tế của xã hội trong lĩnh vực đó nhằm đưa ra kế hoạch đào tạo, nhưng để tốt hơn cho việc đưa ra những quyết định chiến lược phát triển cơ sở thì tôi nghĩ nên chỉ quy định ở mức tối thiếu 20%.
Trong trường hợp cơ sở muốn bổ sung thêm thì vẫn có “độ mở”".
Về vấn đề này, trước đó, ông Nguyễn Ngọc Nông - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) cũng đã thừa nhận vai trò thành viên bên ngoài tham gia hội đồng trường quan trọng, tuy nhiên không nên nhiều quá.
Theo ông Nông, thành viên bên ngoài có đóng góp, nhưng vai trò chủ chốt nằm ở bên trong, “sống - chết là do bên trong”.
Do đó, tỉ lệ thành viên ngoài trường tham gia hội đồng trường chỉ nên chiếm 20%, chứ không nên chiếm đến 30% như dự thảo.
Thành viên Hội đồng trường từ bên ngoài nên quy định tối thiểu là 20% hay 30%? |
Trước các ý kiến này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin:
“Nếu tham khảo luật cũng như thực tế ở những trường có hội đồng trường phát triển ở các nước phát triển thì có khoảng 50-60% từ thành viên bên ngoài, họ sẽ là những người mang những định hướng thị trường vào để trường phát triển đúng với cơ chế thị trường”.
Tuy nhiên, qua những ý kiến đóng góp, bà Phụng cho hay Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm và có điều chỉnh hợp lý.
Ngoài ra, về vấn đề có nên đưa đại diện sinh viên vào hội đồng trường cũng đang gây nhiều băn khoăn.
Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào bày tỏ: “Đại diện sinh viên nếu như vào thực sự là hình thức, bởi vì thanh niên không chỉ có sinh viên mà còn có đại diện công đoàn ở đây rồi.
Tôi nghĩ đại diện sinh viên đưa vào đây thể hiện sự dân chủ nhưng thực chất giá trị cũng không có vai trò gì nhiều mà chỉ làm cồng kềnh thêm hội đồng”.
Tuy nhiên Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – Phó giáo sư Lê Minh Thắng lại cho rằng:
“Chúng ta phải đặt niềm tin vào sinh viên, tạo cho họ cơ hội để tham gia vào quá trình phát triển nhà trường...
Đưa sinh viên vào hội đồng trường cũng chính là làm cho họ nhận thức được đúng và thực hiện trách nhiệm của mình, thể hiện hết năng lực và sự sáng tạo của tuổi trẻ, điều rất cần được khơi dậy trong xã hội hiện nay”.
Trước những băn khoăn đó, bà Vũ Thị Lan Anh - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội và là thành viên tham gia ban soạn thảo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục Đại học cho hay:
Việc quy định đại diện sinh viên do chính hội sinh viên bầu là thành viên của hội đồng trường tuy mới với Việt Nam, nhưng thực tế đây là mô hình học tập của nước ngoài.
“Ở các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Úc... trong hội đồng trường đều có thành phần sinh viên. Mục đích là để sinh viên thể hiện tiếng nói trong hội đồng trường.
"Trong tất cả các chiến lược phát triển của nhà trường, sinh viên là đối tượng hướng tới của hoạt động đào tạo. Do đó, sinh viên có thể phản biện hoặc góp ý vào các chiến lược phát triển của nhà trường.
Chẳng hạn, hội đồng trường cũng là nơi thông qua quy định học phí, sinh viên là người nộp học phí, nên chắc chắn sẽ rất quan tâm đến vấn đề này...", bà Lan Anh dẫn chứng.
Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng:
Muốn xây dựng hội đồng trường là hội đồng quyền lực thực sự thì phải tập hợp được những người rất ưu tú để tham gia, tuyển chọn cẩn thận, chứ không phải chỉ cơ cấu cho đủ thành phần.
Ở các nước tiên tiến, trong hội đồng trường thường có thành phần đại diện sinh viên. Nhưng khi học tập mô hình nước ngoài, chúng ta cũng cần xem xét cụ thể điều kiện Việt Nam, xem có thực sự phù hợp để áp dụng hay không.
Ngoài ra, trong thành phần hội đồng trường phải tính toán để thành viên trong trường không thể chiếm số lượng áp đảo quá mức so với thành viên ngoài trường.
"Nếu hội đồng trường chủ yếu là người trong trường thì sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ", ông Khuyến nói.