Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Văn Phúc khẳng định tại hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học ngày 5/12 rằng:
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học là một yêu cầu cấp thiết để kịp thời thể chế hóa những vấn đề của hệ thống giáo dục đại học, tạo động lực, bước phát triển mới cho các cơ sở giáo dục đại học.
Theo Thứ trưởng, 4 nội dung chính sách lớn tập trung trong Dự thảo, đó là mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học; đổi mới quản trị đại học; đổi mới quản lý đào tạo và đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tăng cường tự chủ của các trường đại học.
Đến nay, Ban soạn thảo cũng đã tham khảo ý kiến của các cơ sở giáo dục đại học, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, tiến hành điều chỉnh, bổ sung tổng cộng 36/73 Điều của Luật Giáo dục Đại học hiện hành.
Trên tinh thần tạo hành lang pháp lý cao nhất để tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính giải trình của các cơ sở giáo dục đại học, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong hệ thống giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, do đó Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng cho hay:
Hội đồng trường: Thành viên ngoài trường nên quy định tối thiểu là 20% hay 30%? (Ảnh minh họa: Nguồn Đại học Thủy lợi) |
Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý, cân nhắc, xem xét kỹ để xây dựng Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung khả thi, đi vào cuộc sống, hiệu quả; tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm quốc tế…
Ban soạn thảo tiếp tục đón nhận, lắng nghe các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội.
Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu đều đồng ý sự cần thiết phải sửa đổi Luật giáo dục đại học để giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục.
Góp ý dự thảo lần này, Phó giáo sư Đào Văn Đông – Hiệu trưởng Đại học Công nghệ giao thông vận tải băn khoăn khi không thấy Dự thảo điều chỉnh hệ thống các trường thuộc khối quốc phòng, an ninh.
Giáo dục đại học của Việt Nam đang ở trạng thái “1 khóa, 2 chìa và 4 nấc” |
Do đó, ông Đông đặt câu hỏi: “Không biết hệ thống các trường thuộc hai khối này có nằm trong Luật sửa đổi lần này hay không?”.
Ngoài ra, ông Đông góp ý thêm một số nội dung trong Dự thảo lần này như sau:
Thứ nhất, Điều 4, khoản 4, về Liên thông cần bổ sung “… để học tiếp ở trình độ cao hơn cùng ngành đào tạo hoặc rộng hơn khi chuyển sang ngành đào tạo khác”.
Thứ hai, về Điều 4, Khoản 6 thì Ban soạn thảo nên cân nhắc kỹ trước khi định hướng áp dụng mô hình Đại học (University) ở Việt Nam, lộ trình như thế nào để các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được dịch đúng nghĩa của University.
Nếu áp dụng theo thông lệ quốc tế thì phân tầng cơ sở giáo dục đại học có thể chỉ là Đại học (University) và học viện (Institute) chứ không có Đại học Quốc gia, Đại học (hiện là Đại học vùng), trường đại học.
Thứ ba, Điều 11, về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học theo hướng quy hoạch ngành quốc gia nhằm đảm bảo cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ đào tạo …, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân nên được xem xét thêm trong tổng thể với các định hướng khác.
Ví như tên gọi và quy mô (đã là đại học (University) nghĩa là cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có các trường (School), viện (Institute), doanh nghiệp; Phân bố các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với khu vực địa lý chứ không tập trung tại một số trung tâm lớn;
Thứ tư, Điều 14, về cơ cấu tổ chức của trường đại học, học viện.
“Nên chăng xem xét để bổ sung vai trò của cấp ủy, vì vai trò của cấp ủy rất quan trọng trong cơ cấu của một cơ sở giáo dục đại học, đồng thời cũng phù hợp với Điều 16, khoản 3 về Các thành viên hội đồng trường có Bí thư cấp ủy”, ông Đông đề xuất.
Thứ năm, Điều 16 về Hội đồng trường, ông Đông kiến nghị:
Thành viên Hội đồng trường không nên quy định cứng chỉ có một phó hiệu trưởng, vì chính các phó hiệu trưởng là người được giao phụ trách những mảng công việc chuyên sâu trong quản lý trường, nên các phó hiệu trưởng sẽ đề xuất và định hướng công việc tốt hơn;
Ngoài ra, các thành viên ngoài trường nên quy định tối thiểu là 20% như hiện nay do cần xét đến đặc thù Việt Nam hiện nay và tương lai gần chứ không nên để tỷ lệ cá thành viên bên ngoài trường chiếm tối thiểu 30% tổng số thành viên như Dự thảo nêu.
Và Khoản 5 Điều 6 này nên duy trì “… Hội đồng trường họp định kỳ ít nhất 6 tháng một lần…” thay cho dự thảo là 3 tháng một lần do Hội đồng trường chỉ quyết nghị những vấn đề lớn.
Thứ sáu, Điều 20, khoản 1, cân nhắc thêm có nên quy định hiệu trưởng “… không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp” không?
Đề xuất bỏ cơ quan chủ quản, xóa công chức viên chức trong trường đại học |
Nếu các trường ngoài công lập không quy định thì cũng nên áp dụng cho cả trường công lập để xuyên suốt nguyên tắc “… không phân biệt loại hình cơ sở giáo dục đại học”.
Ngoài ra, Hiệu trưởng Đại học Công nghệ giao thông vận tải cũng mong muốn, Ban soạn thảo nên cân nhắc về thẩm quyền mở ngành đào tạo tiến sĩ ở Điều 33.
Bởi lẽ, theo vị này nếu đã công nhận quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học là ngang nhau thì các cơ sở giáo dục đại học cũng được phép chủ trong mở ngành đào tạo tiến sĩ, hay liên kết đào tạo tiến sĩ (Điều 45, khoản 4) giống như Đại học Quốc gia Hà Nội.
Và nếu Điều 33, Dự thảo quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo ngành đào tạo thì ông Đông cho rằng:
Để đảm bảo thích ứng với sự phát triển của xã hội trong tương lai, thuận tiện cho cả đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác khi chuyển đổi lĩnh vực chuyên môn nhanh, linh hoạt, bắt nhịp kịp sự thay đổi của khoa học công nghệ thì nên giữ như hiện nay là chỉ tiêu tuyển sinh quy định theo nhóm ngành.
Đồng thời, về điều khoản công nhận văn bằng với các nước, tổ chức quốc tế tại Điều 38, Khoản 3 thì ông Đông cho rằng, cần xem xét những loại văn bằng nào thì mới cần phải công nhận tương đương tại Việt Nam?...