Ngày 3/9, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh vừa ban hành văn bản số 2941, quy định các mốc thời gian cụ thể trong việc ngưng dạy thêm học thêm, sử dụng cơ sở vật chất trong nhà trường.
Theo đó, hạn chót là đến ngày 30/9/2016, Hiệu trưởng các trường học, các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố phải lập hồ sơ, đề nghị cơ quan quản lý thu hồi giấy phép dạy thêm học thêm của nhà trường, gửi về Sở để ban hành quyết định giải thể.
Các trung tâm ngoại ngữ, tin học hay các trung tâm bồi dưỡng văn hóa có sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường, Hiệu trưởng các trường phải thông báo tới nhà đầu tư việc chấm dứt hoạt động, lập hồ sơ đề nghị giải thể gửi về Sở, hạn chót là ngày 31/1/2017.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh những vướng mắc gì thì cần báo về Sở, để cơ quan quản lý ngành giáo dục của thành phố cùng giải quyết, trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của học sinh, phụ huynh, giáo viên.
Học sinh lớp 12 của Trường Nguyễn Công Trứ trong lớp học thêm hè ở trường (ảnh: P.L) |
Sau khoảng thời gian nói trên, nếu đơn vị nào chưa thực hiện theo hướng dẫn này, thì Hiệu trưởng đơn vị đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Theo thống kê từ cơ quan quản lý, hiện nay, trên toàn địa bàn thành phố đang có khoảng 100.000 học sinh tiểu học học thêm văn hóa ngoài giờ, 190.000 học sinh trung học đang theo học thêm ở các cơ sở học tập trong trường học, còn 30.000 học sinh đang theo học thêm bên ngoài trường.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh cũng đã cấp phép cho 34 cá nhân, tổ chức tham gia tổ chức dạy thêm ngoài trường học, 82 trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên tổ chức dạy thêm trong trường học.
Các quận huyện cũng đã cấp phép cho 106 trường trung học cơ sở dạy thêm trong trường với khoảng 110.000 học sinh. Trường tiểu học không được cấp phép dạy thêm học thêm trong trường.