Lỗi truyền thông, sao chỉ “ném đá” ngành Giáo dục?

18/04/2016 06:20
Xuân Dương
(GDVN) - Cô giáo trẻ vùng cao đánh học sinh bị cộng đồng ném đá, bị kỷ luật đuổi việc. Vậy các cơ quan cho đăng tải tin “gây sốc” thì xử lý ra sao?

Sai sót kiến thức Địa lý ở đề thi học kỳ môn Văn lớp 12 diễn ra ngày 12/4/2016 tại tỉnh Đồng Nai tạo nên cơn “mưa đá” trong dư luận. Một loạt cán bộ ngành Giáo dục tỉnh Đồng Nai sẽ bị xem xét kỷ luật vì liên quan đến vụ việc này. 

Điều đáng nói là các tác giả đề thi đã lấy thông tin trong bài “Hạn, mặn tiến công Đồng bằng sông Cửu Long” trên một tờ báo lớn có uy tín. Thông thường những gì được đăng ở đây đều được xem là nguồn tin chính xác, đáng tin cậy. 

Không gì có thể biện luận cho sai sót sơ đẳng này và việc kỷ luật những người gây sai phạm là điều phải làm. Tuy nhiên phía xuất bản không thể không chịu một phần trách nhiệm vì đã đưa đến bạn đọc thông tin sai lệch.

Nhưng sự việc mà ngành Giáo dục Đồng Nai đang tiến hành có phải đã là tấm gương cho các ngành khác, đặc biệt là ngành truyền thông?

Ngày 15/4/2016, chuyên mục Thế giới, Đài Tiếng nói Việt Nam Vov.vn trong bài: Đối thoại 2016: Những câu hỏi đáng yêu của trẻ em dành cho ông Putin” viết: 

Cuối cùng, bé gái 12 tuổi Vera hỏi: “Ông sẽ cứu ai trước nếu ông Erdogan [Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ] và ông Poroshenko [Tổng thống Nga] bị chết đuối?”. 

Tổng thống Nga Putin thừa nhận, ông hơi bị bất ngờ trước câu hỏi này. Sau đó, ông Putin trả lời: "Nếu ai đó quyết tìm cách chết đuối, bạn sẽ không thể cứu họ”. Tuy nhiên, Tổng thống Nga khẳng định: "Nga sẵn sàng chìa tay cho bất kỳ ai nếu họ cầu cứu".

“Ông sẽ cứu ai nếu…ông Poroshenko [Tổng thống Nga] bị chết đuối”(Ảnh chụp màn hình ngày 15/4/2016)
“Ông sẽ cứu ai nếu…ông Poroshenko [Tổng thống Nga] bị chết đuối”(Ảnh chụp màn hình ngày 15/4/2016)

Người ta không thể hiểu vì sao bài viết trên Đài phát thanh quốc gia lại có thể viết “…ông Poroshenko [Tổng thống Nga] bị chết đuối”? 

Đương nhiên sai phạm ở đây không phải là “lỗi phông chữ” theo kiểu “lạc đà là loài chim lớn nhất thế giới” hay là “lỗi đánh máy” bởi vì không dễ gì được nhận vào làm việc ở VOV, càng không dễ gì trở thành người phụ trách Ban biên tập chuyên đề Thế giới.

Cô giáo trẻ vùng cao đánh học sinh bị cả cộng đồng ném đá, bị kỷ luật đuổi việc. Vậy các cơ quan cho đăng tải các tin “gây sốc” dư luận như trên sẽ xử lý cán bộ thế nào, họ có bị đuổi việc không?

Sự công bằng, minh bạch có phải là quyền của mọi công dân hay chỉ đúng với một số người?

Vào các trang báo mạng dạo này, không thể không có cảm giác bức xúc khi các chương trình quảng cáo đã lấn át mục tiêu chính là truyền tải thông tin. 

Có những lúc không gian dành cho truyền thông còn chỉ khoảng 30-40%, tất cả phần còn lại bị bao phủ bởi quảng cáo.

Với các báo hoàn toàn tự túc kinh phí, sống nhờ quảng cáo thì điều này có thể thông cảm, tuy nhiên những tờ báo uy tín do cơ quan Nhà nước chủ quản vì sao cũng phải đi theo xu hướng này?

Một số hình ảnh quảng cáo trên báo điện tử (Ảnh chụp màn hình)
Một số hình ảnh quảng cáo trên báo điện tử (Ảnh chụp màn hình)

Người viết cho rằng quảng cáo trên báo là điều bình thường, miễn là không gây khó chịu cho người đọc, càng không nên quảng cáo một cách phản cảm. Có tờ báo hình ảnh quảng cáo che kín toàn bộ màn hình buộc người đọc phải bấm chuột vào nút xóa, nhưng chỉ lúc sau tình trạng lại tiếp diễn.

Hy vọng Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ sớm ban hành quy định về không gian quảng cáo trên màn hình báo điện tử, đặc biệt là với các cơ quan báo chí được ngân sách nhà nước đài thọ.

Xuân Dương