Cuộc chiến trong chính sách giáo dục Mỹ

14/03/2017 06:33
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Một số ví dụ tôi sẽ nêu cụ thể dưới đây đều là những đề tài gây tranh luận xuyên suốt từ quận, lên đến bang và liên bang trong nhiều năm tháng.

LTS: Là một nhà nghiên cứu về giáo dục Hoa Kỳ, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ một số vấn đề hiện đang gây tranh cãi trong chính sách giáo dục của đất nước này.

Qua những chia sẻ này, tác giả mong muốn độc giả Việt Nam có thêm thông tin và suy ngẫm về công cuộc đổi mới giáo dục của nước ta.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi đến độc giả.

Việt Nam chúng ta đang trong một giai đoạn quan trọng: đổi mới để hội nhập sâu vào quốc tế. Trong quá trình này, những thừa nhận về sai lầm trong chính sách giáo dục đã được bàn đến để thực sự thay đổi.  

Mọi thay đổi dù lớn hay nhỏ trong những chính sách về giáo dục đều sẽ ảnh hưởng lớn đến không chỉ là giáo dục, mà là tương lai của đất nước, vận mệnh của hàng triệu triệu người Việt.

Tôi muốn chia sẻ một số vấn đề gây tranh cãi trong chính sách giáo dục của Mỹ sau bầu cử 2016, mong chúng ta có thể cùng chiêm nghiệm về đổi mới giáo dục của Việt Nam sắp tới.

Chính sách “Giáo dục vì một xã hội tốt” đã và vẫn là một nguyên tắc trong xã hội Mỹ. Nguồn: http://2016.wascarc.org
Chính sách “Giáo dục vì một xã hội tốt” đã và vẫn là một nguyên tắc trong xã hội Mỹ. Nguồn: http://2016.wascarc.org

1. Giáo dục là vì một xã hội, cộng đồng tốt hay vì lợi ích của tập đoàn tư nhân, đầu tư giáo dục?

Ở Mỹ, trong Hiến pháp, quyền đi học là hiến định. Tất cả các em dưới 18 tuổi đều có thể đến trường.

Nếu gia đình nghèo, các em sẽ được cấp bữa ăn miễn phí tại trường (sáng và trưa), cùng với phiếu thực phẩm, nhằm đảm bảo mọi trẻ em đều có cơ hội đi học.

Chính sách “Giáo dục vì một xã hội tốt” đã và vẫn là một nguyên tắc trong xã hội Mỹ.  

Trong lịch sử Mỹ, mọi người luôn tự hào về cơ hội được học, được phát triển bình đẳng, còn thành công được đến đâu, phụ thuộc vào năng lực và phấn đấu cá nhân của từng cá nhân.

Cho đến 2016, nghiên cứu của nhiều tổ chức đã chỉ ra nhóm người Mỹ gốc Á (trong đó có người Mỹ gốc Việt) đang là nhóm dân thiểu số, nhưng có tốc độ phát triển về tri thức nhanh nhất trong các dân tộc ở Mỹ [1]. 

Cuộc chiến trong chính sách giáo dục Mỹ ảnh 2

Thầy Mỹ Dennis Berg nêu quan điểm mức lương và phẩm giá của giáo viên

Điều này là niềm tự hào của nhiều người gốc Á và người Mỹ gốc Việt, khi đến thế hệ thứ 2 và 3, con cháu đã tự tin đảm nhận những công việc và vị trí đòi hỏi kiến thức và trình độ cao trong xã hội Mỹ.

Tuy nhiên, trong hơn thập kỷ trở lại đây, những vấn đề về Giáo dục cho cộng đồng tốt hay Giáo dục vì tư hữu (Education for Public Good, or for Private) đang chia rẽ xã hội: chia rẽ những nhóm hoạt động vì giáo dục, vì cộng đồng với những nhóm đầu tư, nhà tài phiệt, những chính trị gia có đầu tư vào các tập đoàn giáo dục tư nhân.

Một số ví dụ tôi sẽ nêu cụ thể dưới đây đều là những đề tài gây tranh luận xuyên suốt từ quận, lên đến bang và liên bang trong nhiều năm tháng.  

Điều cuối cùng, hầu hết các nhóm đại diện những lợi ích khác nhau có liên quan đến chính sách giáo dục đều phải quay về một câu hỏi rất cơ bản: “Chúng ta, nước Mỹ, muốn tạo ra một nền giáo dục vì một cộng đồng tốt hay vì quyền lợi của ai”? 

Hơn thế nữa, trong hội nghị thường niên của AERA (Hiệp hội Nghiên cứu Giáo dục Mỹ) 2016, một câu hỏi lớn được nêu ra là:

Ai đang làm “luật” cho nền giáo dục Mỹ? Các nhà giáo, các phụ huynh, các tổ chức về giáo dục hay các tổ chức đầu tư “chạy” chính sách ở Quốc Hội?

2. Học sinh và phụ huynh có quyền được lựa chọn trường? Hay chính sách tư nhân hóa giáo dục công?


Một ví dụ về việc liệu có nên tư nhân hóa nền giáo dục phổ thông ở Mỹ, khi Tổng thống và Bộ trưởng Bộ Giáo dục mới đều ủng hộ chương trình “lựa chọn trường” (vouchers, charter online schools) và dự kiến tiêu nhiều tỷ đô la cho những trường được lựa chọn này.

Với các cộng đồng giáo viên và nhiều hội phụ huynh ở trên 40 bang ở Mỹ, chương trình lựa chọn trường, ban đầu có vẻ là một hình thức phù hợp, khi trường công lập đã không thể ôm hết các đối tượng học sinh khác nhau.

Theo đó, cha mẹ và học sinh có quyền lựa chọn trường khác để học. Những trường này được quản lý bởi các công ty hay tập đoàn tư nhân, nhưng vốn đầu tư vào được góp bởi liên bang và bang, tính trên đầu số học sinh họ tuyển sinh được hàng năm, dựa trên số tiền đầu tư trung bình cho mỗi học sinh mà liên bang dự tính.  

Cuộc chiến trong chính sách giáo dục Mỹ ảnh 3

Giáo dục và ước mơ Bill Gates Việt

Sau một thập kỷ, ở Mỹ có rất nhiều bang phát triển công ty được đầu tư bởi các nhà tài phiệt, các nhà đầu tư và thậm chí, cả các chính khách (như Thượng nghị sĩ) quản lý trường theo mô hình này.

Qua kết quả nghiên cứu của nhiều bang [2], chất lượng dạy và học ở các trường lựa chọn đều đang là câu hỏi về chất lượng so với trường công lập truyền thống.  

Sau năm 2002 khi Đạo luật Không có trẻ em nào thụt lùi do Tổng thống G. Bush ký được ban hành, việc đánh giá giáo viên và trường được dựa trên điểm thi của học sinh (test scores), bao gồm cả kỳ thi trắc nghiệm, đã làm hầu hết các trường công đều phải nỗ lực “dạy để thi” nhằm giữ được ngân sách do liên bang và bang cấp.

Nếu học sinh nào quá yếu, khó qua được những kỳ thi, họ sẽ gợi ý cha mẹ và học sinh chuyển sang các mô hình trường “lựa chọn” để giảm bớt gánh nặng dạy và thi cho cả hai bên.

Nếu với những học sinh có đôi chút yếu về năng lực học tập và được bồi dưỡng, phát triển hơn ở những trường lựa chọn này thì rõ là không có gì cần phải bàn. 

Khó khăn thay là những mô hình trường này hầu hết lại không cung cấp những dịch vụ bổ trợ để giúp học sinh học tốt hơn, trong khi năng lực của các em cũng đã yếu hơn bình thường.

Cuộc chiến trong chính sách giáo dục Mỹ ảnh 4

Ba câu chuyện bàn về sự tử tế trong giáo dục của Mỹ hôm nay

Vì vậy, sẽ chẳng ngạc nhiên khi chất lượng học ở trường lựa chọn này không hề cải thiện.

Cuộc tranh luận xảy ra gần đây trở nên gay gắt hơn trên báo chí và các nghiên cứu về giáo dục phổ thông Mỹ. 

Bởi Bộ trưởng Bộ Giáo dục Mỹ mới là người đã đầu tư vào một hệ thống giáo dục “trường lựa chọn” ở Michigan.

Và theo đánh giá, đây là sự thất bại rõ về mô hình trường lựa chọn, do chất lượng giáo dục kém nhưng lại có “lãi” tốt dưới góc độ của công ty quản lý đầu tư [3].

Câu hỏi về mục đích giáo dục, việc đầu tư và sử dụng ngân sách công (do người đóng thuế nộp) lại được đầu tư cho công ty tư nhân quản lý và tổ chức mô hình được gọi là “lựa chọn”, nhưng không thể đảm bảo được chất lượng dạy và học, thì tại sao lại cho nó tồn tại và tiếp tục được nhận tiền đầu tư từ nhà nước, hiện chưa ngã ngũ ở Mỹ. 

3. Đại học và cao đẳng: miễn phí hay tăng học phí?

Trong nhiều thập niên, tiền học đại học và cao đẳng Mỹ liên tục tăng, đặc biệt sau năm 2008, khi chúng ta bước vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế và ngân sách liên bang, bang bị cắt liên tục.

Theo báo cáo của Gallup và Tổ chức cạnh tranh quốc gia Mỹ 2016 [4], giáo dục, trong đó khoản nợ của sinh viên dành cho việc học đại học và cao đẳng (1.300 tỷ đô la) là một trong 3 nguyên nhân cơ bản hạn chế năng lực cạnh tranh của Mỹ, bây giờ và tương lai.

Trong giai đoạn bầu cử, một số ứng cử viên đề cập đến chính sách miễn học phí cho cao đẳng 2 năm [5] và dùng tiền đánh thuế của các tập đoàn kinh doanh Phố Wall chi trả bù vào khoản hỗ trợ này.

Cuộc chiến trong chính sách giáo dục Mỹ ảnh 5

Nước Mỹ sau 30 năm phổ cập đại học và những thách thức xã hội

Đồng thời, phát triển chương trình Hỗ trợ và cam kết hoàn trả tiền học cho người học nếu công ty nơi họ làm việc đồng ý chi trả và hỗ trợ từng phần cho việc học tập của nhân viên [6].  

Tiếc là những ứng viên này đã không trúng cử, và theo đó, chính sách tăng tiền học hàng năm của đại học và cao đẳng Mỹ vẫn được tiếp tục.

Câu chuyện này đang được mọi người bàn bạc sôi nổi khi chính quyền mới chưa có động thái nào về chính sách cho giáo dục sau phổ thông.  

Với một hệ thống chính quyền mà nhân sự hầu hết là tỷ phú và không học ở trường công, người Mỹ và các gia đình có quyền ngần ngại cho những chính sách không phát huy được tính “phổ cập” học tập cho giới trẻ và với mức giá ngày càng cao.

Thêm nữa, nếu không miễn phí tiền học thì mức tăng học phí thế nào là phù hợp? Những ai sẽ được thông tin và có thể ra quyết định về mức tăng học phí, nhằm đảm bảo tính hòa hợp lợi ích cho mọi đối tượng đi học?

Cuộc chiến trong chính sách giáo dục Mỹ ảnh 6

"Đổi mới giáo dục và món nợ với cha ông"

Những câu hỏi như thế này, những tranh luận về việc miễn phí tiền học sẽ tốt hơn hay có tính tiền học nhưng có cơ chế đảm bảo cho sinh viên khi ra trường không bị hạn chế phát triển tương lai nghề nghiệp do gánh nặng tiền nợ học phí… vẫn đang “nóng” suốt các cuộc họp ở trường, ở hội thảo và khắp cả nước.

Một điều thực tế là hội sinh viên, các tổ chức phi chính phủ về giáo dục hiện đang càng ngày càng có tiếng nói quan trọng trong vấn đề học phí và tương lai công việc trong các trường đại học.

Từ những thực tế trên của Mỹ, tất cả chúng ta nên suy nghĩ tiếp về việc theo các bạn, tương lai nào cho giáo dục Việt Nam?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.pewsocialtrends.org/asianamericans-graphics/

[2] https://www.nytimes.com/2017/02/23/upshot/dismal-results-from-vouchers-surprise-researchers-as-devos-era-begins.html; https://www.brookings.edu/research/on-negative-effects-of-vouchers/

[3] https://www.washingtonpost.com/news/answer-sheet/wp/2016/12/08/a-sobering-look-at-what-betsy-devos-did-to-education-in-michigan-and-what-she-might-do-as-secretary-of-education/?utm_term=.9bc875f6124a

[4] http://www.gallup.com/reports/198923/no-recovery-analysis-long-term-productivity-decline.aspx

[5] https://www.hillaryclinton.com/issues/college/

[6] http://www.businessinsider.com/companies-help-pay-student-loan-debt-2016-3

Nguyễn Thị Lan Hương