Nước Mỹ sau 30 năm phổ cập đại học và những thách thức xã hội

05/01/2017 07:15
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Việc phổ cập đại học tại Mỹ được khuyến khích là vì giáo dục đại học ngày càng trở thành là ngành kinh doanh “khủng” tại đây.

LTS: Tiếp theo bài viết về điểm sàn đại học, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ câu chuyện phổ cập giáo dục đại học tại Mỹ.

Theo đó, nước Mỹ cũng đang phải giải quyết bài toán về chất lượng đào tạo và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng khi phổ cập giáo dục đại học.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Với câu chuyện bỏ điểm sàn xét tuyển vào đại học ở Việt Nam, cách mạng phổ cập hóa đại học, với nguồn gốc khởi xướng từ Mỹ năm 1970s [1] đã chính thức chào màn ở Việt Nam. 

Nhằm cung cấp một số thông tin đa chiều về vấn đề phổ cập hóa đại học ở Mỹ, những thách thức với người học, người lao động và cơ hội công việc sau khi học đại học ở Mỹ, tôi xin được viết vài nét chính về câu chuyện này ở Mỹ. (Mọi ý kiến trình bày ở đây là mang tính cá nhân)

Nguồn cơn của phổ cập hóa giáo dục đại học Mỹ

Theo lịch sử ban đầu được ghi nhận, giáo dục đại học Mỹ đi theo mô hình kết hợp giữa đại học của Anh và Đức.

Và về nguyên tắc, đại học được dành cho giới “elite” (tinh tú) nên chỉ có tuyển sinh rất ít (những trường như Harvard có nguồn gốc này).  

Ở châu Âu, những năm 1970, số sinh viên học đại học được tuyển dưới 5% [p. 20, 1].  

Tuy nhiên, sau Thế Chiến Thế Giới lần 2, với sức mạnh thắng lợi sau chiến tranh, việc đào tạo lại cho những binh lính quay về Mỹ sau chiến sự, mong muốn vươn lên để lãnh đạo thế giới với những con người “tinh tú”, cách mạng công nghiệp nỗ ra với sức mạnh vũ bão, Mỹ đã tổ chức tuyển sinh với tỷ lệ 35% cho lứa tuổi từ 18-22 vào đại học ngay sau thời gian chiến tranh chấm dứt.

Và sau đó, tỷ lệ này được nâng lên trên 50% trong thời gian dài những năm 80s – 90s [p. 20,1] và mở rộng cho tất cả các lứa tuổi.

Cho đến 2015, theo báo cáo của Bộ Lao Động và Thống kê Mỹ, có đến 69.2% số học sinh tốt nghiệp trung học vào đại học ở Mỹ [2].  

Tổng số sinh viên đại học Mỹ hiện nay (2012-2016) ổn định trong khoảng 20-21 triệu [3],  mặc dù theo CNN, năm học 2016 là năm số lượng sinh viên đại học có sụt giảm đôi phần, tỷ lệ nhập học giảm mất 812.069 học sinh so với năm trước [4].

Vậy, bản chất của phổ cập hóa đại học là việc mở rộng cửa đại học, từ tình trạng đại học dành cho những học sinh ưu tú trong học tập, nay được “mở” cho tất cả học sinh trung học.

Việc phổ cập giáo dục đại học ở Mỹ đang gặp nhiều thách thức. (Ảnh minh họa: duhoceworld.edu.vn)
Việc phổ cập giáo dục đại học ở Mỹ đang gặp nhiều thách thức. (Ảnh minh họa: duhoceworld.edu.vn)

Dù là với hình thức không xét tuyển điểm sàn như Việt Nam, nhưng ở Mỹ, với việc các học sinh tốt nghiệp cấp 3, đạt những tiêu chí xét tuyển mà từng trường đặt ra, cùng những bài luận nộp, sẽ được xem xét việc vào học đại học.

Chính sách phổ cập hóa đại học ở Mỹ có một ưu điểm lớn, đó là làm cho Mỹ trở thành một quốc gia có số người học và có bằng đại học và cao đẳng lớn nhất trên thế giới (42% dân số, theo dữ liệu năm 2012) [5], tương ứng với sức mạnh của quốc gia trong nền kinh tế tri thức.  

Hơn thế nữa, phổ cập hóa đại học và cao đẳng có một ý nghĩa quan trọng sống còn đối với các cộng đồng dân cư thiểu số của Mỹ (như nhóm dân Mỹ gốc Phi, dân Mỹ Latino, dân Mỹ gốc Á hay thậm chí cho cả những người con dân nhập cư trái phép mà thường được biết đến gần đây dưới tên đạo luật DACA).

Lý do là bởi với chính sách này, số lượng dân thiểu số, dân có tình trạng xã hội - thu nhập khó khăn, được hỗ trợ học và tốt nghiệp đại học dần được cải thiện.  

Theo đó, chính phủ hy vọng sẽ cải thiện tình trạng phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng về học tập và thu nhập trong xã hội trong tương lai.
 
Giáo dục đại học là một ngành kinh doanh “khủng” ở Mỹ

Ngoài những ưu điểm cơ bản trong chính sách về phổ cập hóa giáo dục đại học vì những phát triển cân bằng cho toàn xã hội, một lý do cơ bản, dưới góc nhìn về kinh tế, cho những khuyến khích phát triển phổ cập đại học này là vì giáo dục đại học ngày càng trở thành là ngành kinh doanh “khủng” ở Mỹ, dù là dưới hình thức đại học công hay đại học tư, theo quan điểm của cá nhân tôi.

Lý do tôi đưa ra nhận xét này dựa trên những con số và thông tin từ Mỹ như sau:

Thứ nhất, tổng số tiền người Mỹ vay đi học cho đến nay được ghi nhận là hơn 1,3 nghìn tỷ đôla Mỹ.

Số tiền này lớn hơn tất cả các khoản vay thương mại và tín dụng cộng lại [6], với 40 triệu người vay tiền và tính trung bình mỗi người vay khoảng $29.000 cho một tấm bằng. 

Đây được gọi là “quả bom hẹn giờ” trong hệ thống kinh tế Mỹ, mà cho đến nay, chưa có lời giải.

Thứ hai, càng ngày, các đại học được quản lý và vận hành giống như doanh nghiệp (corporate) [7].

Họ đánh mất đi nguyên lý cơ bản nhất trong lịch sử đại học Mỹ, đó là vì cộng đồng tốt đẹp “public good” [8].

Bởi có quá nhiều những tổ chức và hệ thống quỹ tư nhân và tài trợ có khả năng can thiệp trực tiếp vào chính sách công, chính sách giáo dục cho số đông [9] vì những mục tiêu của họ.

Nước Mỹ sau 30 năm phổ cập đại học và những thách thức xã hội ảnh 2

“Bỏ tiền ra là phải tính đến hiệu quả”

Thứ ba, một vài ví dụ rất sinh động để chứng minh về tính kinh doanh trong giáo dục, mối tương đồng giữa mức lương trả cho CEO của doanh nghiệp và người đứng đầu trường đại học rất cao, bất chấp hiệu quả đầu tư từ nguồn nào [10].

Trong khi đó, tiền lương được chi trả rất thấp cho các giáo sư hay những người phụ tá (76% các trợ giảng hay giảng viên đại học có hợp đồng lao động từ 1 -3 năm và không có việc toàn thời gian ) [11].

Hay tiền lương cho nghiên cứu sinh [12] trong nhiều hệ thống đại học cũng không khác mấy tiền lương tối thiểu theo giờ của người lao động chân tay.

Tất cả những điều trên đã làm chi phí đại học ở Mỹ tăng tốc chóng mặt [13], trong khi chất lượng không tăng, hay thậm chí còn tụt lùi do bởi ngân sách hỗ trợ từ liên bang và bang giảm liên tục từ 2008 (thời điểm khủng hoảng) đến nay [14]

Thực tế của phổ cập đại học sau 30 năm và những thách thức xã hội

Với thực trạng của hơn 5000-7000 trường đại học, cùng với mức thu hút số lượng học sinh vào học luôn ở tỷ lệ cao (50-70%) trong nhiều thập niên, trong khi tăng trưởng kinh tế đã bị “khủng hoảng” từ năm 2008 đến 2016 với tỷ lệ thất nghiệp cao nhất vào khoảng 8,8% đến 4.4% [15] tương ứng, hiển nhiên là chúng ta hiểu điều gì đang xảy ra đối với những sinh viên học đại học và tốt nghiệp đại học ở Mỹ, dù rằng rất nhiều lãnh đạo và các nghiên cứu vẫn chỉ ra rằng “có bằng đại học” vẫn là lợi thế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu [16]. 

Tuy nhiên, những thách thức xuất phát từ “phổ cập đại học” đã gây ra những nguy cơ cho bất ổn định ở thời tương lai lâu dài dưới những khía cạnh sau:

A – Quá nhiều người trẻ, được đào tạo và không tìm được việc làm phù hợp, gây lãng phí lớn về đầu tư và nguồn lực cho cá nhân và cả xã hội [17].  

Câu chuyện này không chỉ ở Mỹ, mà ở hầu hết các nước đã phát triển, gồm cả Úc, Canada và khối châu Âu.

B – Do phổ cập đại học, mở rộng đối tượng tuyển sinh, trong khi cắt giảm chi tiêu trong đại học, dẫn đến chi phí đại học tăng và chủ yếu sẽ do sinh viên gánh “nợ”.

Việc đào tạo không phù hợp với thị trường lao động, chất lượng kém sẽ dẫn tiếp đến nguy cơ cao của thất nghiệp hoặc không sử dụng kiến thức đại học để làm việc, gây ra những “quả bom hẹn giờ” cho tiền nợ của sinh viên, tiền lạm phát từ việc không trả được nợ do không có việc làm, tiền lạm phát do chi phí tiền học và tất cả các phí liên quan ở đại học tăng do phải mưu sinh đi làm trong khi đi học, tỷ lệ “cúp” giờ học và không tốt nghiệp đại học tăng cao [18]…

Tất cả như một vòng tròn luẩn quẩn mà với sức ép về tự động hóa, toàn cầu hóa, chưa ai tìm ra được lời giải cho hơn 5000 trường đại học và gần 20 triệu sinh viên đang học, cùng với con số hơn chục triệu người đang thất nghiệp [19].

C - Giáo dục đại học nói riêng và giáo dục nói chung, trong bối cảnh hiện nay, đánh mất phần nào giá trị và niềm tin của xã hội về vai trò cung cấp kiến thức, trí tuệ và khả năng học để làm việc, học để cống hiến.

Lý do là bởi chất lượng đào tạo không đáp ứng được thị trường lao động, bên cạnh việc giáo dục đại học được thương mại hóa cao độ.  

Điều này phá vỡ nguyên lý cơ bản trong một xã hội văn minh và dân chủ của Mỹ, vì một cộng đồng tốt, vì mục đích chung tốt đẹp cho tất cả (public good). 

Về lâu dài, điều này sẽ không thể giúp chính phủ Mỹ, đất nước Mỹ tiếp tục vai trò đầu tàu trong khoa học và công nghệ, không thể giúp công dân Mỹ cạnh tranh toàn cầu một cách hiệu quả để lấy việc từ Trung Quốc về như một lãnh đạo gần đây tuyên bố [20]. 

Tóm lại, giáo dục đại học phổ cập hiện nay của Mỹ khá giống với mô hình “bạn nghiện”.

Vì nếu giảm số lượng sinh viên đầu vào, giảm tiền hỗ trợ của chính phủ và các bang về 0, nếu thị trường lao động và kinh tế không tốt hơn nữa, nếu tính cởi mở và hội nhập việc làm toàn cầu cho sinh viên Mỹ không được cải thiện, cá nhân tôi nghĩ sẽ đến lúc “bom” sẽ nổ, đặc biệt khi không có cách gì con số nợ của sinh viên trả tiền học giảm đi hoặc được thanh toán theo lịch trình phù hợp.

Tôi mong nước Mỹ sẽ tìm ra được cách thức giải quyết những vấn nạn ở phổ cập đại học, dù không hề dễ dàng.  

Hơn thế nữa, tôi mong đại học Mỹ và giá trị Mỹ được tái thiết lập, dựa trên những nguyên lý cơ bản của lịch sử đại học Mỹ hàng trăm năm nay.

Đó là đại học là để đào tạo ra những con người biết tư duy, biết lãnh đạo và biết cống hiến, vì cộng đồng Mỹ và số đông nhân dân Mỹ. 

Nước Mỹ hãy là tấm gương tốt về giáo dục đại học cho toàn thế giới.

Bài viết là kinh nghiệm, nhận thức, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả.

Tài liệu tham khảo:

1.      American Higher Education in the 21st century Social, Political and Economic Challenges (Tạm dịch: Giáo dục Đại học Mỹ trong thế kỷ 21, Những Thách Thức Xã hội – Chính Trị - Kinh tế) (bản số 2). Tác giả: P. Altbach; R. Berdahl; và P. Gumport. 2005. NXB The Johns Hopkins University Press.

2.      Bureau of Staticstics. College Enrollement and Work Activity of 2015 High School Graduates.  Tham chiếu https://www.bls.gov/news.release/hsgec.nr0.htm

3.      National Center for Education Staticstics. Post-secondary. Digest of Education Staticstics. Chapter 3. Tham chieu http://nces.ed.gov/programs/digest/d14/ch_3.asp

4.      CNN. College enrollement is dropping. Bad sign?. May 20, 2016. Tham chiếu http://money.cnn.com/2016/05/20/news/economy/college-enrollment-down/

5.      NBC News. Most educated countries in the world. 2012 Sep. 24.  Tham chieu http://www.nbcnews.com/business/most-educated-countries-world-1B6065913

6.      CNBC. Debt by Degree. 2015 June 15. Tham chiếu http://www.cnbc.com/2015/06/15/the-high-economic-and-social-costs-of-student-loan-debt.html;  The Conversation. Young, educated and unemployed…2016 January 14. Tham chiếu https://theconversation.com/young-educated-and-underemployed-are-we-building-a-nation-of-phd-baristas-53104

7.      TIME. How American universities turned into corporates?. 2014 May 22. Tham chieu http://time.com/108311/how-american-universities-are-ripping-off-your-education/

8.      The Chronicle of Higher Education. From Public Good to Private. 2014 March 02. Tham chieu http://www.chronicle.com/article/From-Public-Good-to-Private/145061

9.      AEI. Foundation influence in education policy deserves greater scrutiny. 2016 Jan 15. Tham chieu https://www.aei.org/publication/foundation-influence-in-education-policy-deserves-greater-scrutiny/; National Education Policy Center (NEPC). Diana Ravitch Blog’ Now the Gates Foundation is destroying higher education. 2013 July 17. Tham chieu http://nepc.colorado.edu/blog/now-gates-foundation-destroying-higher-education

10.  G. Bai. 2014. University President compensation: Evidence from the US. Tham chieu: files.eric.edu.gov/fulltext/Ẹ 1075615.pdf; Aljazeera America. Student debt worst at universities with highest-paid president. 2014 May 19.  Tham chieu http://america.aljazeera.com/articles/2014/5/19/student-debt-presidents.html

11.  The Guardian. I am an adjunct professor. I earn less than a pet-sitter. 2015 June 22.  Tham chieu https://www.theguardian.com/commentisfree/2015/jun/22/adjunct-professor-earn-less-than-pet-sitter

12.  The economics. Doctoral degrees: The disposable academic.  2010 December 16.  Tham chieu http://www.economist.com/node/17723223

13.  USA Today College. Million Student march student debt, tuition rate. 2015 November 12. Tham chieu http://college.usatoday.com/2015/11/12/million-student-march-debt-tuition/

14.  Center on Budget and Policy Priorities. State-by-State Fact Sheets: Higher Education cuts Jeopardize. 2016 August 18. Tham chieu http://www.cbpp.org/research/state-by-state-fact-sheets-higher-education-cuts-jeopardize-students-and-states-economic

15.  Bureau of Labour Staticstics. 2016. Unemployment rate from 16 old and over. Tham chieu https://data.bls.gov/timeseries/LNS14000000

16.  The Wall Street Journal. Yellen: Globalization makes Higher education Increasingly Important. 2016 December 19. Tham chieu http://www.wsj.com/articles/yellen-stresses-importance-of-higher-education-in-time-of-globalization-1482172255; Education Corner.  Benefit of earning a college degree.  Tham chieu http://www.educationcorner.com/benefit-of-earning-a-college-degree.html; NCES employment rate of college graduates https://nces.ed.gov/fastfacts/display.asp?id=561

17.  The conversation. 2016 January 14.  Young, educated and underemployed: are we building a nation of PhD baristas?. Tham chiếu https://theconversation.com/young-educated-and-underemployed-are-we-building-a-nation-of-phd-baristas-53104

18.  Slate.  US college dropouts rates in 4 charts. 2014 November 19. Tham chieu http://www.slate.com/blogs/moneybox/2014/11/19/u_s_college_dropouts_rates_explained_in_4_charts.html

19.  NCES. Employment rate of college graduates. (cho lứa tuổi từ 20-24, năm 2015).  Tham chiếu https://nces.ed.gov/fastfacts/display.asp?id=561; BLS https://www.bls.gov/news.release/empsit.nr0.htm; https://www.bls.gov/news.release/empsit.t13.htm

20.  CNN Money. China warns Trump: Good luck bringing back jobs to US. 2016 November 30.  Tham chiếu http://money.cnn.com/2016/11/30/news/economy/china-donald-trump/

Nguyễn Thị Lan Hương