Đào tạo tiến sĩ sau năm 2017 - càng lên cao tiêu chuẩn càng... thấp

23/04/2017 07:33
PGS. Ngô Tứ Thành
(GDVN) - Theo Giáo sư Ngô Tứ Thành, Thông tư 08 về đào tạo tiến sĩ có một số nghịch lý, bất cập nên nếu vận dụng một cách máy móc sẽ xảy ra nhiều hệ lụy.

LTS: Trao đổi về vấn đề đào tạo tiến sĩ sau năm 2017, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Tứ Thành, công tác tại Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ những nghịch lý trong những quy định tại Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT.

Theo đó, tác giả đưa ra một số giải pháp để hạn chế những bất cập trên nhằm đảm bảo chất lượng công tác đào tạo tiến sĩ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Sau khi “Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT Ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo Tiến sĩ” (gọi tắt là Thông tư 08) được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng [1], ngay lập tức nhiều bài viết [2], [3]...  đã tung hô lên rằng: Thông tư 08 với 4 điểm đột phá: 

- Trình độ Anh văn đầu vào dự tuyển của nghiên cứu sinh
- Điều kiện trước khi bảo vệ luận án Tiến sĩ
- Tiêu chuẩn hướng dẫn nghiên cứu sinh
- Thành viên Hội đồng đánh giá luận án Tiến sĩ
là nhằm nâng cao chất lượng đào tạo Tiến sĩ Việt Nam hội nhập quốc tế… 

Vậy thực hư của 04 điểm đột phá trên là gì? Đây có phải là cuộc cách mạng trong đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam không? Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vận dụng sáng tạo gì để xây dựng Thông tư 08?

Dưới góc nhìn của người trong cuộc, tác giả sẽ đưa ra những cơ sở khoa học để phản biện 04 điểm đột phá trên thực chất là 04 nghịch lý đi ngược với quá trình hội nhập quốc tế.

Quy chế đào tạo tiến sĩ từ năm 2017 có nhiều điểm đáng bàn. (Ảnh: Vietnamnet.vn)
Quy chế đào tạo tiến sĩ từ năm 2017 có nhiều điểm đáng bàn. (Ảnh: Vietnamnet.vn)

Nghịch lý 1: Anh văn của nghiên cứu sinh thấp hơn học sinh phổ thông

Tại điều 5 khoản 3 điểm C Thông tư 08, Tiếng Anh đầu vào của nghiên cứu sinh chỉ cần chứng chỉ IELTS từ 5.0!

Trong khi đó điều kiện để được du học ở các trường cấp 3,… tại các nước như Anh, Úc, Mỹ phải đạt chứng chỉ IELTS ở mức 5.5 hoặc 6.0.

Với học sinh lớp 6 phổ thông hiện nay, khi vào học trung tâm Anh ngữ RES mỗi tuần 2 buổi, sau 2,5 năm có thể đạt IELTS 5.0 [4].

Việt Nam đã đổi mới hơn 30 năm, Tiếng Anh đã được đưa vào dạy ở các trường tiểu học cách đây đã 20 năm.  

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần thay đổi quy chế đào tạo tiến sĩ theo hướng nâng dần chất lượng đầu vào.

Nhưng đến hôm nay, điều kiện Tiếng Anh đầu vào của nghiên cứu sinh lại thấp hơn điều kiện Tiếng Anh của học sinh cấp 3 du học là một nghịch lý. 

Nghịch lý 2: Công bố quốc tế trước khi bảo vệ luận án – Bình mới rượu cũ

Tại điều 16 khoản 1 điểm C Thông tư 08, điều kiện để nghiên cứu sinh được bảo vệ luận án là:

"đã công bố tối thiểu 02 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án trong đó có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus".

Nếu chỉ dừng lại ở đoạn “tạp chí ISI-Scopus” thì tiến sĩ Việt Nam tương đương với điều kiện để được bảo vệ tiến sĩ ở nước ngoài.  

Đào tạo tiến sĩ sau năm 2017 - càng lên cao tiêu chuẩn càng... thấp ảnh 2

Từ nay, người phản biện luận án tiến sĩ phải có ít nhất 1 bài báo quốc tế

Vì giới khoa học Việt Nam đều thừa nhận “Chỉ những công bố trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục các tạp chí ISI mới là sự kiểm chứng khách quan của quốc tế về chất lượng một luận án tiến sĩ”. 

Nhưng điều 16 khoản 1 điểm C lại thêm đoạn “hoặc đã công bố tối thiểu 02 báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện” thì thực chất là “Bình mới rượu cũ”. 

Bởi vì chất lượng những kỷ yếu Hội thảo Quốc tế có phản biện được tổ chức ở Việt Nam rất thấp. 

Nếu có bài báo đủ hàm lượng khoa học để đăng ở các tạp chí có phản biện trong nước, khi dịch sang tiếng Anh gửi Hội thảo Quốc tế ở Việt Nam cùng kinh phí tham dự sẽ dễ dàng được đưa vào kỷ yếu. 

Nghịch lý 3: Công bố quốc tế của người hướng dẫn và nghiên cứu sinh là như nhau - ai giỏi hơn ai?

Tại điều 11 Thông tư 08, tiêu chuẩn công bố quốc tế của người hướng dẫn và nghiên cứu sinh đều là “đã công bố tối thiểu 02 báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện”. 

Trong khi nghiên cứu sinh mới chỉ là “vỡ lòng trên con đường làm khoa học”, còn hướng dẫn nghiên cứu sinh là người làm Thầy, không thể là người “vỡ lòng” được. 

Người thầy không có công bố quốc tế nghiêm túc làm sao có thể hướng dẫn nghiên cứu sinh công bố quốc tế? 

Hạ thấp tiêu chuẩn công bố quốc tế của người thầy sẽ gây ra hậu quả tai hại cho nền giáo dục nước nhà.

Nghịch lý 4: Thành viên Hội đồng không bằng nghiên cứu sinh - càng lên cao tiêu chuẩn càng “thấp dẫn đều”

Tại điều 19 khoản 2 điểm C Thông tư 08, yêu cầu người phản biện chỉ cần 01 bài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện, không yêu cầu phản biện phải có bài báo ISI. 

Tệ hại hơn, không yêu cầu các thành viên khác trong hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ có công bố quốc tế mà chỉ cần “có uy tín và kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của nghiên cứu sinh”. 

Đào tạo tiến sĩ sau năm 2017 - càng lên cao tiêu chuẩn càng... thấp ảnh 3

5 câu hỏi dành cho các vị giáo sư

Tiêu chuẩn này rất mơ hồ và phi thực tế. Thành viên hội đồng không có công bố quốc tế làm sao đủ tư cách và trình độ hiểu được công bố quốc tế của nghiên cứu sinh? 

Đây là nghịch lý tồi tệ nhất trong 4 nghịch lý.

Do thông tư 08 chứa đựng những nghịch lý trên nên nếu vận dụng thông tư 08 một cách máy móc sẽ xảy ra hệ lụy:

- Không đủ tiêu chuẩn hướng dẫn nghiên cứu sinh nhưng vẫn có thể làm Chủ tịch hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ.

- Khi tất cả các thành viên trong hội đồng đều không có công bố quốc tế ISI như nghiên cứu sinh, nhưng muốn để nghiên cứu sinh phải “kính nể” hội đồng, các thành viên hội đồng sẽ quay sang “hỏi xoáy đáp xoay” theo kiểu “Giàu thì ghét, đói rét thì khinh và thông minh thì bị tiêu diệt”. 

Vì lẽ đó mà có người chua xót thốt lên rằng: “Ngô Bảo Châu mang luận án tiến sĩ của mình về Việt Nam bảo vệ chắc chắn trượt nếu không đi đêm với hội đồng”. 

- Trình độ đầu ra của Tiến sĩ chỉ “thường thường bậc trung”, đào tạo tiến sĩ trở thành “nồi cơm” của các trường Đại học như thời kỳ đào tạo Đại học tại chức. 

Thông tư 08 đã được tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký nên khó ai có thể thay đổi. Tuy nhiên với những trường Đại học top trên cần có những giải pháp nhằm hạn chế tối đa những nghịch lý của thông tư 08, cụ thể:

Giải pháp giảm bớt thủ tục đối với nghiên cứu sinh có công bố quốc tế ISI

Tại điều 16 khoản 2 yêu cầu “Việc đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn là hình thức sinh hoạt khoa học được tổ chức 01 lần hoặc nhiều lần”.  

Với những nghiên cứu sinh có công bố quốc tế trong danh mục ISI, do đã được “kiểm chứng khách quan của quốc tế về chất lượng một luận án tiến sĩ” nên chỉ cần 01 lần đánh giá không cần đánh giá nhiều lần ở đơn vị chuyên môn gây tốn kém cho nghiên cứu sinh. 

Giải pháp nâng cao chất lượng các thành viên Hội đồng 

Cơ sở đào tạo nghiên cứu sinh khi chọn danh sách các thành viên Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cần rà soát những thành viên nào có công bố quốc tế ISI để ưu tiên chọn theo thứ tự từ cao xuống thấp.

Chỉ khi không đủ 7 thành viên như quy định mới chọn đến người “có uy tín và kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của nghiên cứu sinh”.

Được chọn vào thành viên Hội đồng đánh giá luận án Tiến sĩ là một vinh dự nhưng cũng đồng thời là trách nhiệm.

Thầy hướng dẫn nghiên cứu sinh nếu có công bố quốc tế ISI cũng sẽ được ưu tiên tham gia hội đồng theo Điều 19 khoản 4 “tập thể hướng dẫn nghiên cứu sinh có thể được mời tham gia Hội đồng với tư cách là ủy viên”.

Các giải pháp trên không có gì sai so với thông tư 08 nhưng có tác dụng cổ vũ khuyến khích cả thầy và nghiên cứu sinh cùng nghiên cứu khoa học và công bố trên tạp chí ISI góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ hội nhập quốc tế.

Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, góc nhìn, cách hành văn của riêng tác giả.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-08-2017-TT-BGDDT-Quy-che-tuyen-sinh-dao-tao-trinh-do-tien-si-338487.aspx

QUY CHẾ Tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ (Ban hành kèm theo Thông tư số 08 /2017/TT-BGDĐT ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

[2] Những thay đổi trong đào tạo tiến sĩ từ năm 2017

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/nhung-thay-doi-trong-dao-tao-tien-si-tu-nam-2017-366061.html

[3[ Đào tạo tiến sĩ được siết chặt ra sao?

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/dao-tao-tien-si-duoc-siet-chat-ra-sao-365883.html

[4] Luyện thi IELTS

http://luyenthiielts.com/khoa-hoc-ielts-pre-ielts-a-pre-ielts-b

PGS. Ngô Tứ Thành