LTS: Mục đích của những cuộc họp phụ huynh là để tăng cường mối liên hệ giữa gia đình và nhà trường nhằm thảo luận tìm ra biện pháp tốt nhất để nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện đối với học sinh. Nhưng mục đích đó nhiều khi chưa đạt.
Điều này được cô giáo Phan Tuyết nhìn nhận qua câu chuyện mà cô đã chứng kiến. Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả.
Nhận được giấy mời chủ nhật tuần này phải đi họp phụ huynh cho cô con gái học lớp 10 ở một trường THPT của thị xã. Tối hôm đó, người hàng xóm qua nhà nhờ tôi xin phép cho chị vắng mặt buổi họp phụ huynh của con mình.
Thấy chị cũng không có việc gì quan trọng nên tôi khuyên: “Đầu năm, chị cố gắng thu xếp đi họp cho cháu, chắc có nhiều điều giáo viên muốn trao đổi với mình. Mình cũng cần biết mặt mũi thầy cô chủ nhiệm của cháu mới phải”.
Chưa để tôi nói hết câu, chị đã phản ứng: “Chưa đi họp mà tôi đã biết họp cái gì rồi. Chẳng có chuyện gì quan trọng cả, năm nào cũng tới ngồi nghe đọc bản thu chi tiền quỹ hội năm cũ rồi thông báo tiền phải nộp cho năm này.
Tôi ở nhà cho đỡ mất công. Yêu cầu đóng bao nhiêu, tôi đóng bấy nhiêu. Có đi cũng chẳng bớt được đồng nào”.
Để cuộc họp phụ huynh thật sự có ý nghĩa (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
Lời nói của chị hàng xóm không phải là vô lý. Bao nhiêu năm nay chẳng thế là gì. Nhiều phụ huynh đã bỏ công việc để lặn lội đường xa tới trường chỉ để ngồi khoảng một tiếng đồng hồ nghe giáo viên đọc một bản danh sách thu chi tiền quỹ hội năm ngoái dài lê thê và thông báo các khoản tiền phải đóng cho năm học này.
Ngoài số tiền bắt buộc học sinh phải đóng theo quy định là tiền hội phí tự nguyện nhưng thường được nhà trường đưa mức sàn thấp nhất là 200 nghìn đồng/em.
Thông báo xong, giáo viên hỏi xem có phụ huynh nào có ý kiến, ghi biên bản và kết thúc cuộc họp. Phần lớn phụ huynh trong lòng không muốn bị áp đặt khoản tiền phí tự nguyện cao như thế nhưng với tâm lý sợ con bị để ý nên thường lặng thinh về nhà mới bàn tán.
Vì lẽ đó, nhiều người thường nói vui: Họp phụ huynh đầu năm thực chất là cuộc họp “tận thu hay đòi tiền” tuyệt nhiên không có nội dung gì mới hơn thế.
Riêng tôi vẫn cứ hy vọng biết đâu năm nay nội dung họp phụ huynh của trường sẽ có nhiều đổi mới. Ngoài việc thông báo đến cha mẹ các em chuyện tiền bạc còn rất nhiều việc mà giáo viên cần trao đổi với phụ huynh. Nhưng cuộc họp vẫn diễn ra theo một mô típ cũ bao đời.
Đâu chỉ phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm cũng khó mở lời với bao khoản phí(GDVN) - Nhiều thầy cô cứ đắn đo suy nghĩ khi phải nói thế nào để phụ huynh đồng tình ủng hộ khoản tiền mang tên phí tự nguyện mà trước đây gọi là hội phí? |
Vai trò của giáo viên chủ nhiệm không chỉ dạy kiến thức cho học sinh mà việc giáo dục đạo đức cho các em cũng chiếm một phần quan trọng. Muốn giáo dục học trò thành công, thầy cô phải gần gũi và thấu hiểu các em.
Vì thế, việc điều tra, nắm bắt tình hình về kinh tế, điều kiện sống của gia đình từng học sinh cũng như nghề nghiệp của các bậc phụ huynh sẽ giúp cho giáo viên làm tốt công tác chủ nhiệm của mình.
Việc tìm hiểu học sinh thông qua cha mẹ các em trong buổi gặp mặt đầu năm sẽ là cơ hội tốt cho thầy cô hiểu hơn về học sinh của mình về sở thích cũng như tính cách của từng em, những điểm mạnh, điểm yếu, những sở thích hay từng cá tính điển hình...
Không có ai hiểu con bằng chính cha mẹ. Thông qua việc trò chuyện để nắm bắt…Từ đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ đề ra cho mình những biện pháp giáo dục cho từng đối tượng học sinh một cách phù hợp nhất.
Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần nhấn mạnh việc trao đổi thông tin hai chiều giữa giáo viên và phụ huynh phải được diễn ra thường xuyên trong năm học, điều này sẽ vô cùng quan trọng để nhà trường và gia đình kịp thời chấn chỉnh những lệch lạc nếu có cũng như biểu dương những tiến bộ mà các em đạt được.
Người giáo viên chủ nhiệm giỏi sẽ là người làm được điều đó chứ không đơn thuần chỉ thay mặt nhà trường đọc thông báo thu chi một cách lạnh lùng đầy vô cảm.