LTS: Nhằm phản ánh sự bất cập về điểm thi và chất lượng tuyển sinh vào lớp 10 tại địa phương mình, cô giáo Phan Tuyết đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nguyên nhân của những nghịch lý đó.
Đồng thời, tác giả cũng mong muốn các cấp lãnh đạo cần siết chặt và quản lý tốt việc dạy thêm, có như thế, chất lượng học của học sinh mới được nâng lên và sẽ không còn tình trạng điểm học và điểm thi tỉ lệ nghịch với nhau như hiện nay.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận vừa công bố điểm chuẩn thi vào lớp 10 năm học 2017 – 2018, theo đó điểm chuẩn nguyện vọng 1 cao nhất thuộc về Trường trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (31,25 điểm), Trường trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng và Trường trung học phổ thông Lương Thế Vinh có điểm chuẩn thấp nhất (8 điểm).
Hình ảnh minh họa cho việc tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của các em học sinh (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
Sau khi điểm chuẩn vào lớp 10 của các trường trung học phổ thông được thông báo, đã có không ít sự nuối tiếc của một số học sinh. Bởi, dù các em có điểm thi khá cao nhưng vẫn trượt vì những sai lầm trong việc đánh giá năng lực học tập của chính mình.
“Sai một ly, đi một dặm”
Điểm chuẩn vào Trường trung học phổ thông Lý Thường Kiệt thị xã La Gi năm nay thật sự gây “sốc” với tất cả mọi người. Chưa năm nào nhà trường lấy mức điểm cao như vậy (31,25 điểm), đây cũng là mức điểm cao nhất trong toàn tỉnh, vượt qua cả Trường trung học phổ thông Phan Bội Châu Phan Thiết 1,25 điểm.
Nếu so với điểm chuẩn năm ngoái, năm nay nhà trường lấy tăng hơn 0,5 điểm. Cô Thi giáo viên cho biết: “Học sinh năm nay, làm bài tốt nhưng số lượng chiêu sinh vào lớp 10 giảm hơn năm trước, nên điểm chuẩn phải cao”.
Sau khi xem điểm thi, nhiều học sinh ở mức 31 điểm tỏ ra vui mừng, vì điểm các em đạt được cao hơn điểm chuẩn năm ngoái vào trường. Nhưng, niềm vui chưa được trọn vẹn đã vội tắt, khi nghe nhà trường công bố điểm chuẩn.
Nhiều em ở mức điểm 31 khóc tức tưởi vì tiếc nuối (chỉ thiếu 0,25 điểm) nên đành phải chờ cơ hội xét nguyện vọng 2. Em Nguyễn Lan A cho biết: “Em là học sinh khá giỏi 9 năm liền, trước khi làm hồ sơ thi vào trường, em đã tìm hiểu kỹ điểm chuẩn các năm, vì thế, cũng thấy rất tự tin khi đăng ký vào trường này.
Nào ngờ, tuy đạt tới 31 điểm mà vẫn trượt nguyện vọng 1, giờ phải đăng ký nguyện vọng 2 nhưng cũng không biết thế nào. Với mức điểm này, nếu em thi vào Trường trung học phổ thông Nguyễn Huệ sẽ dư tới 7,5 điểm”.
Nếu không đậu lớp 10 công lập, học sinh có thể đi học nghề hoặc trung cấp |
Còn em Mai Văn H thi vào Trường trung học phổ thông Lý Thường Kiệt đạt 23,5 điểm. Với số điểm này, dĩ nhiên em không đỗ nguyện vọng 1 của trường và cũng trượt luôn Trường trung học phổ thông Nguyễn Huệ vì trường này xét nguyện vọng 2 là 24 điểm.
Lúc này, em mới tiếc “Biết trước em đăng ký thi vào trường Nguyễn Huệ thì chắc chắn đã đỗ rồi. Giờ thì em biết học ở đâu?”.
Theo chia sẻ của thầy Nhân, giáo viên bậc trung học cơ sở, năm nào cũng vậy, trước thời điểm học sinh làm hồ sơ thi tuyển, nhà trường cũng tổ chức buổi tư vấn để định hướng, nhắc nhở học sinh.
Nếu tự tin vào lực học của mình, thì các em nên đăng ký vào trường top trên. Nhưng, dự đoán điểm của mình chỉ hơn hoặc ngấp nghé điểm chuẩn các năm thì nên chọn trường nằm dưới ngưỡng điểm dự kiến cho “an toàn”. Giáo viên chủ nhiệm cũng hỗ trợ các em trong việc xác định trường thi để tránh tình trạng “điểm cao mà vẫn trượt”.
Vậy mà tình trạng này năm nào cũng xảy ra, đã có nhiều học sinh vì xác định sai lực học của mình nên đã mất cơ hội đi học. Bởi, em không đỗ vào trường gần nhà theo nguyện vọng 1 mà phải theo học một ngôi trường cách nhà vài chục cây số nên phải nghỉ học giữa chừng vì gia đình không đủ điều kiện để em đi về hoặc ở trọ.
Nguyên nhân của nghịch lý
Ngoài một số học sinh do xác định trường thi không đúng với năng lực của mình nên dù đạt điểm cao vẫn trượt, thì trong đợt tuyển sinh lần này, hai Trường trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng và trung học phổ thông Lương Thế Vinh có điểm chuẩn thấp nhất là (8 điểm). Số điểm này đã được nhân đôi 2 môn Toán và Anh Văn.
Mọi người sẽ nghĩ gì khi hơn 500 học sinh được tuyển với mức điểm này? Nếu lần giở học bạ bậc trung học cơ sở chắc chắn những học sinh này (và nhiều học sinh khác chưa đạt tới mức điểm này) đều có điểm tổng kết trên 5 phẩy. Thế nhưng điểm bài thi của nhiều em vẫn bị điểm 0, điểm 1,2 la liệt.
Chất lượng đầu vào lớp 10 thấp, áp lực đè nặng bậc Trung học phổ thông |
Nguyên nhân của tình trạng này? Phần do giáo viên quá dễ dãi trong cách đánh giá đúng lực học của các em, vẫn còn đâu đó tình trạng mượn bài, mượn đề kiểm tra để kéo học trò tới lớp học thêm của một số giáo viên.
Việc này mang đến thu nhập cao cho một số thầy cô giáo dạy thêm nhưng cũng là tác nhân dẫn đến việc “học sinh thi điểm cao mà vẫn trượt”. Bởi, khi học và thi trên lớp, nhờ học thêm mà các em luôn có những con điểm cao.
Các em ngộ nhận về lực học của mình, phụ huynh cũng nhầm tưởng con mình học giỏi. Bởi thế, khi xác định trường thi, ai có lực học tốt chẳng mong mình sẽ vào học tại ngôi trường tốt nhất. Nhưng, khi bất hạnh xảy ra, trường gần không đỗ phải học trường xa, không ít em chán nản, buông bỏ vì lẽ đó.
Đánh giá đúng năng lực học sinh rất cần sự chặt chẽ, cương quyết, mạnh tay của nhà trường bằng việc kiểm soát đề kiểm tra, đề thi thường xuyên ở các lớp học.
Đồng thời, siết chặt và quản lý tốt việc dạy thêm, có như thế, chất lượng học của học sinh mới được nâng lên và sẽ không còn tình trạng điểm học và điểm thi tỉ lệ nghịch với nhau như hiện nay.