Thất nghiệp nhiều, lương thấp là nguyên nhân học trò không còn muốn học làm thầy

12/08/2017 07:00
Trinh Phúc
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh: “Thất nghiệp nhiều, mức lương thấp là nguyên nhân chủ yếu khiến thí sinh điểm cao quay lưng với các trường sư phạm".

Tình trạng, các trường đại học sư phạm lấy điểm chuẩn 15,5 điểm - chỉ bằng mức điểm sàn của Bộ quy định như trường Đại học Sư phạm Huế, Đại học Vinh, Đại học Đà Nẵng;

“Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu”

Các trường hệ cao đẳng xét tuyển đầu với ba môn  9 điểm, 10 điểm như Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình… khiến dư luận ngỡ ngàng.

Nhiều ý kiến cho rằng với kết quả thi mỗi môn 3 điểm (trong khi đề thi được phản ánh là vừa sức) không biết các thầy cô giáo tương lai sẽ giảng dạy như thế nào.

Ngược lại với các trường sư phạm, các trường ngành quân đội, công an, y tế… lại có điểm đầu vào cao ngất ngưởng.

Có ngành như Y đa khoa thí sinh 29,25 vẫn trượt, oái oăm hơn có thí sinh 30,5 điểm vẫn không đậu được vào Học viện phòng cháy chữa cháy vì trượt tiêu chí phụ.

Bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh quochoi.vn).
Bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh quochoi.vn).

Trước thực trạng ngành sư phạm không thu hút được thí sinh giởi lựa chọn, ngày 10/8 phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với bà Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội.

Lý giải về hiện tượng này, đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh cho rằng, nguyên nhân các thí sinh điểm cao không chọn ngành sư phạm xuất phát từ thực tế việc đào tạo không gắn với sử dụng tồn tại trong thời gian dài. Tức là, đào tạo sư phạm hiện nay ra trường đang dư thừa rất là nhiều.

Theo bà Ngô Thị Minh: “Hiện không có số liệu thống kê để chứng minh đầu vào và đầu ra chênh lệch như thế nào để dự báo chuẩn xác nhu cầu về giáo viên trong tương lai.

Trong khi, việc đào tạo thì cứ đào tạo mà không cần biết thị trường người ta dùng hết không, số thừa là bao nhiêu.

Thất nghiệp nhiều, lương thấp là nguyên nhân học trò không còn muốn học làm thầy ảnh 2Giáo dục - kêu nhiều … khản cổ!

Chính vì vậy, giới trẻ không thực sự yên tâm khi theo học sư phạm. Vì có theo học cũng không biết tương lai sẽ có việc làm hay không”.

Cũng theo vị đại biểu Quốc hội này, một nguyên nhân rất quan trọng nữa khiến ngành sư phạm không hút được các thí sinh điểm cao đó là chính sách của ngành giáo dục hiện nay không hấp dẫn, đặc biệt với khối mầm non.

Môi trường làm việc của đội ngũ nhà giáo và những cán bộ bảo mẫu chăm sóc trẻ chưa đảm bảo đủ sức hút.

Các chính sách như phụ cấp đứng lớp chỉ mới khuyến khích được người đứng lớp, còn phụ cấp trách nhiệm về nhiệm vụ giáo dục đạo đức trong nhà trường hiện chưa được tính vào lương.

Trong khi, số học sinh hư do tác động môi trường xã hội đã tạo nên môi trường giáo dục chưa thực sự  tốt để người giáo viên phát huy hết khả năng.

Xã hội mong muốn sản phẩm tốt trong khi điều kiện làm việc của giáo viên vẫn chưa đáp ứng được đã tạo nên áp lực đè nặng lên các cô thầy giáo.

Cũng theo đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh: “Một nguyên nhân nữa khiến nghề giáo kém hấp dẫn đó là chính sách thi đua khen thưởng chưa được phù hợp.

Ví như chính sách khen thưởng nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú hiện nay không phù hợp với các thầy cô có tâm huyết công tác giảng dạy ở các vùng sâu vùng xa.

Tôi cho rằng, cần thiết phải xem lại các tiêu chí thi đua khen thưởng để tạo nên sức hấp dẫn nghề giáo tốt hơn”.

Thất nghiệp nhiều, lương thấp là nguyên nhân học trò không còn muốn học làm thầy ảnh 3

"Chuột cùng sào" mới vào sư phạm, chương trình mới sẽ đi về đâu?

Vị đại biểu Quốc hội này cho rằng nguyên nhân rất quan trọng khiến thí sinh giỏi không thực sự thích thú theo đuổi ngành sư phạm đó chính là chính sách lương.

Theo đó, hiện chính sách của nhà nước trả lương cho đội ngũ nhà giáo ở trong các trường công lập chiếm tỉ lệ quá lớn.

Trong khi, ngân sách không thể đảm bảo để có chính sách tiền lương ở mức cao cho giáo viên.

Bài toán đặt ra hiện nay, cần thiết phải tạo được một cơ chế về lương đối với các nhà giáo hoạt động ngoài công lập hấp dẫn, đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên ngoài công lập để thu hút sự phát triển của giáo dục ngoài công lập.

Như việc nên áp đặt mức lương tối thiểu đối với ngành sư phạm để nhà giáo ngoài công lập yên tâm công hiến, gắn bó với sự nghiệp trồng người.

Để không có sự chênh lệch giữa quyền lợi của giáo viên ở các trường công lập và ngoài công lập.

“Với tình trạng, các trường công lập đông như hiện nay, lực lượng thầy cô chủ yếu giảng dạy trong các trường công lập nên mức lương sẽ vẫn quá thấp, khó thay đổi. Bởi, ngân sách nhà nước không đủ để cho phép tăng cao.

Mức lương thấp như hiện nay rõ ràng là không hấp dẫn, cũng vì mức lương thấp mà vị thế của nhà giáo hiện đang có vấn đề.

Mỗi khi, vị thế nhà giáo trong xã hội bị xem nhẹ thì đó là yếu tố khiến nghề này không đủ sức hút đối với những người giỏi vào nghề như mong muốn.” – bà Ngô Thị Minh nhấn mạnh.

Trinh Phúc