Ngày 11/12, tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương lao động hạng Nhì.
Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin, PGS. TS Phạm Bảo Sơn cho biết, 20 năm là một khoảng thời gian chưa dài đối với sự phát triển của một trường đại học nhưng đối với riêng ngành Công nghệ thông tin thì lại là một khoảng thời gian có nhiều ý nghĩa.
20 năm qua, Khoa Công nghệ thông tin từng bước nỗ lực xây dựng đội ngũ, cơ cấu tổ chức giữ vững vị thế Khoa Công nghệ thông tin trọng điểm của cả nước.
Lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội trao tặng Huân chương Lao động hạnh Nhì cho Khoa Công nghệ thông tin. |
Hiện nay, khoa Công nghệ thông tin là một trong 8 “cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn an ninh thông tin” trong Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020” theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Khoa đã có 5 ngành đào tạo đại học, 5 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 4 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, với qui mô tuyển sinh hàng năm là 400 sinh viên và 200 học viên cao học và nghiên cứu sinh. Sau 20 năm, Khoa đã đào tạo được cho đất nước trên 5.200 cử nhân Công nghệ thông tin, hàng ngàn thạc sĩ và nhiều tiến sĩ.
Các chương trình đào tạo của Khoa đều được tham chiếu đến các khung hướng dẫn chuẩn mực ACM/IEEE và liên tục cập nhật đến chương trình đào tạo ngành Công nghệ thông tin của các trường đại học danh tiếng trên thế giới đảm bảo tính quốc tế hóa và tính cập nhật của nội dung đào tạo.
Khoa Công nghệ thông tin cũng là Khoa đầu tiên có chương trình đào tạo được tổ chức kiểm định theo tiêu chuẩn của Mạng lưới các trường đại học Đông Á (AUN) vào năm 2009 và đến nay có 2 chương trình đã được kiểm định theo tiêu chuẩn AUN.
Đặc biệt, Khoa Công nghệ thông tin được Bộ GD&ĐT giao cho nhiệm vụ là cơ sở đầu mối tuyển chọn và huấn luyện đội tuyển quốc gia tham gia các kỳ thi Olympic Tin học khu vực và quốc tế. Sinh viên đang theo học tại Khoa Công nghệ thông tin đạt nhiều giải cao tại các cuộc thi Olympic sinh viên về Tin học, Toán học, An toàn thông tin; các cuộc thi lập trình như ACM/ICPC, Procon, Microsoft Imagine Cup..
Chủ nhiệm Khoa Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh: để đáp ứng với sự đòi hỏi của xã hội, sự phát triển nhanh chóng của các lĩnh vực công nghệ, khoa học trên thế giới Khoa Công nghệ thông tin còn phải đối mặt và từng bước giải quyết những thách thức rất lớn và cần tập trung vào các giải pháp; tiếp tục thu hút các nhà khoa học có tầm cỡ đến làm việc và sinh viên quốc tế theo học để có thể nâng cao trình độ cạnh tranh quốc tế.
Phải khắc phục và nâng cao năng lực thu hút tài trợ, vốn xã hội cho đào tạo và nghiên cứu của Khoa Công nghệ thông tin. Cần nâng cao hơn nữa năng suất nghiên cứu của Khoa Công nghệ thông tin cả về sản phẩm công bố khoa học quốc tế lẫn sản phẩm công nghiệp;
Tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa tính dẫn dắt định hướng quốc gia về nhân nhân lực Công nghệ thông tin cho khu vực công nghiệp, dẫn dắt các nghiên cứu và ứng dụng sâu hơn của Công nghệ thông tin vào các liên ngành góp phần nâng cao mức độ cạnh tranh quốc tế…
GS. Nguyễn hữu Đức – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội ghi nhận và đánh giá cao 3 giai đoạn phát triển rất rực rỡ của Khoa Công nghệ thông tin vừa qua.
Cán bộ giảng viên Khoa Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Hà Nội. |
“Khoa Công nghệ thông tin có chất lượng sinh viên đầu vào thuộc nhóm cao nhất Đại học Quốc gia Hà Nội. Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin sau 6 tháng có việc làm cao nhất Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trong quá trình phát triển của Khoa Công nghệ thông tin đã phát triển từ quy mô nhỏ, IT đã phát triển ngày càng rộng mở GRIN, và giờ đã phát triển liên ngành rồi phát triển đến trình độ cao.
Sự phát triển của Khoa Công nghệ thông tin gắn liền với những quyết định có nhiều ý nghĩa của lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tới đây, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ hướng đến đào tạo vì ngày mai sáng nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Quốc gia Hà Nội có thể giải quyết việc làm cho mình và tạo việc làm cho nhiều người khác.
Trong 5 năm tới, cơ cấu đào tạo có sự thay đổi và Khoa Công nghệ thông tin sẽ đóng góp vào sự thay đổi này” GS. Đức cho biết.