Hiệu trưởng Sư phạm Hà Nội nói về học sinh giỏi ít mặn mà với nghề giáo

11/08/2018 07:17
Thùy Linh
(GDVN) - Theo đó, nguyên nhân khiến những năm gần đây học sinh giỏi ít mặn mà với sư phạm do 3 yếu tố: việc làm, thu nhập và tôn vinh, cơ hội thăng tiến.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo sư phạm là vấn đề được nêu ra trong Hội nghị tổng kết năm học năm 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức trực tuyến với 63 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành.

Tại hội nghị, Giáo sư Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Đại học sư phạm Hà Nội thông tin, hiện cả nước có hơn 100 cơ sở đào tạo giáo viên, có hơn chục nghìn sinh viên đã tốt nghiệp và đang có nhu cầu về việc làm.

“Chúng ta đang mâu thuẫn về sự tồn tại của các cơ sở đào tạo sư phạm và việc nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm. 

Chúng ta đang mâu thuẫn giữa mong muốn đầu tư đột phá cơ sở đào tạo sư phạm và lựa chọn cơ sở nào để đầu tư.

Chúng ta đang để sự tồn tại lưng chừng của các trường đào tạo sư phạm và hệ quả của nó là vàng thau lẫn lộn và sâu xa hơn là chậm đổi mới, chậm sự phát triển của đất nước”- thầy Minh chia sẻ.

Hiệu trưởng Sư phạm Hà Nội nói về học sinh giỏi ít mặn mà với nghề giáo ảnh 1
Giáo sư Nguyễn Văn Minh cho rằng, nguyên nhân khiến những năm gần đây học sinh giỏi ít mặn mà với sư phạm do 3 yếu tố: việc làm, thu nhập và tôn vinh, cơ hội thăng tiến. (Ảnh: Thùy Linh)

Hơn nữa, theo Hiệu trưởng Đại học sư phạm Hà Nội, trong thời gian qua, các trường sư phạm chưa làm tốt việc gắn đào tạo với sử dụng để tạo ra sự tin tưởng trong xã hội

Một việc nữa là tất cả các trường đào tạo đều công khai với xã hội rằng là đào tạo tạo ra chất lượng cao nhưng thực tế xã hội đều bảo có vấn đề. Đây là điều cần xem xét lại.

Giáo sư Minh chỉ ra rằng, các trường đã tiên lượng được hệ quả của việc chậm quy hoạch và không ít lần đặt ra kế hoạch nhưng dường như chưa có giải pháp khả thi.

“Tôi cho rằng, cần có câu trả lời về chất lượng đào tạo giáo viên càng sớm càng tốt nếu khát vọng mong muốn sớm đổi mới thành công vì người thầy có vai trò đặc biệt quan trọng và chỉ có trường tốt mới đào tạo ra thầy giỏi”- thầy Minh nhấn mạnh.

Qua tìm hiểu việc đặt cơ sở đào tạo của nhiều nước trên thế giới trong đó có Bắc Âu, Mỹ, Tây Âu, Đông Á, Đông Nam Á, Hiệu trưởng Đại học sư phạm Hà Nội nhận thấy rằng, Việt Nam có quá nhiều cơ sở đào tạo sư phạm và hầu hết lại là cơ sở công lập.

Hiệu trưởng Sư phạm Hà Nội nói về học sinh giỏi ít mặn mà với nghề giáo ảnh 2PGS. Trần Xuân Nhĩ: Thời điểm này, 2 đến 3 tỉnh mới nên bố trí 1 trường sư phạm

“Đây là một điểm nghẽn trong quá trình đầu tư”, vị này nhấn mạnh.

Từ đó, thầy Minh kiến nghị, khi quy hoạch mạng lưới trường sư phạm thì vấn đề cung cầu phải được đặt ra.

Bởi lẽ, nhiệm vụ của quy hoạch là ổn định và phát triển do đó cần phải xác định đối tượng bị tác động, các tác động xã hội, yếu tố nhân văn và chế độ chính sách.

Và quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên phải dựa trên chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để tạo ra trọng tâm, trọng điểm về đầu tư nhằm tạo ra phân khúc trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ sở trọng điểm, phân hiệu hay vệ tinh.

Ngoài ra, quy hoạch cũng cần phải xem xét tới yếu tố địa lý, văn hóa vùng miền trong mối tương quan với các cơ sở đào tạo giáo viên nhằm kích thích phát triển từng vùng.

Giáo sư Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh thêm, chất lượng đào tạo sư phạm sẽ quyết định thành bại của đổi mới.

Và điều này phụ thuộc vào các yếu tố như chất lượng đầu vào (ở đây nói là năng lực học tập và đam mê công việc); chương trình đào tạo; cơ sở vật chất; đội ngũ giáo viên,...

“Nếu thiếu đi một trong những yếu tố này thì rất khó có thầy giỏi”, ông Minh khẳng định.

Theo thầy Minh, nguyên nhân những năm gần đây học sinh giỏi ít mặn mà với sư phạm do 3 yếu tố: việc làm, thu nhập và tôn vinh, cơ hội thăng tiến.

 Và để nâng cao chất lượng đào tạo, bản thân các cơ sở sư phạm phải tự lột xác, đây là yếu tố quan trọng vì nếu không làm được việc này các trường khó làm được việc khác.

Thầy Minh cũng có kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa ra luận cứ, thời gian, kế hoạch cơ sở kịp thời để trình Chính phủ công tác quy hoạch thay đổi kịp thời cho các trường sư phạm.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đề xuất với Chính phủ, một mình Bộ Giáo dục và Đào tạo không làm được vì có trường thuộc bộ quản lý, có trường trực thuộc tỉnh, trường ngang cấp có, cho nên cần có sự thống nhất.

Khi quy hoạch thì liên quan tới sự sắp xếp biên chế các đơn vị nên cần có sự triển khai thống nhất giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ.

Đồng thời, trên cơ sở sáp nhập lại quy hoạch, Bộ Tài chính cần có chiến lược đầu tư cụ thể để tạo ra các phân khúc đột phá trong phát triển đào tạo sư phạm.

Còn Bộ Thông tin và truyền thông cần định hướng dư luận để tạo ra sự đồng thuận trong xã hội, có như vậy mới làm tốt được các công tác liên quan”, Hiệu trưởng Đại học sư phạm Hà Nội đề xuất. 


Thùy Linh