LTS: Cùng với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện của Bộ giáo dục, thầy giáo Trần Trí Dũng cho rằng cần tập trung vào tiêu điểm là đổi mới phương pháp giảng dạy.
Theo đó, thầy Trần Trí Dũng đề xuất một số hướng để đổi mới phương pháp giảng dạy cho hiệu quả.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Năm 2011 được xem là một bước khởi đầu mới trong giáo dục. Nói là một sự khởi đầu mới bởi lẽ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI được khai mạc vào mùa xuân.
Và tại đây, chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam cũng được đưa ra.
Và ngày 4/11/2013, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã tiến hành Hội nghị lần thứ 8 với chủ điểm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Theo đó, tại Hội nghị 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 29 về nội dung này.
Nói tới đổi mới, xét cho cùng là nhằm đảm bảo thực hiện được các mục tiêu chung và nâng cao chất lượng giáo dục.
Để đổi mới giáo dục, cần đồi mới phương pháp giảng dạy đại học. (Ảnh minh hoa: phapluatxahoi.vn) |
Và chất lượng giáo dục ở đây do chất lượng của giáo viên quyết định. Trong đó, phương pháp giảng dạy của giáo viên là khâu then chốt.
Vì thế, đổi mới phương pháp giảng dạy được xem là tiêu điểm của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Khi xét tới tình trạng học tập của sinh viên Việt Nam trong nhiều năm qua, "chơi cả năm, học một tuần" là thực tế của sinh viên tại hầu hết các trường Đại học, Cao đẳng ở Việt Nam hiện nay.
Theo đó, sinh viên vẫn lên lớp thường xuyên nhưng không phải chỉ để chuyên tâm học tập.
Đối với học đại học của sinh viên ta hiện nay, không còn các bài kiểm tra đều đặn như thời học sinh, mà sinh viên hiện giờ chỉ coi trọng các kỳ thi cuối kỳ và chỉ thực sự quan tâm chuyện sách vở trước mỗi kỳ thi đó.
Kết quả khảo sát cho thấy, sinh viên hiện nay không còn quá câu nệ chuyện ghi chép, ngay cả khi nhiều giảng viên truyền đạt những kiến thức không có trong giáo trình, nhiều sinh viên ngày càng ỷ lại vào những cuốn sách in sẵn.
Tuy nhiên, những cuốn giáo trình thì không thể chỉnh sửa hằng năm nên nhiều sinh viên đang tự thỏa mãn với những kiến thức từ cách đây tới cả chục năm.
“Điểm yếu giáo dục Đại học là đào tạo những cử nhân chỉ biết đi xin việc” |
Trong giờ học, sinh viên cũng không cần ghi chép tất cả lời giảng của thầy cô vào vở.
Một chiếc điện thoại có tính năng ghi âm, chụp ảnh phần nội dung trình chiếu trên bảng là trợ thủ đắc lực trong giờ học.
Dựa dẫm vào đề cương và những tài liệu in sẵn, phương pháp học tập theo kiểu “nước đến chân mới nhảy” đã và đang làm lười đi một thế hệ cử nhân tương lai của đất nước.
Nếu như ở cấp học phổ thông, một môn học kéo dài 10 tháng thì khi lên Đại học, Cao đẳng, một môn chỉ học trong vòng 1 tháng là thi.
Do đó, thi xong quên là chuyện bình thường đối với sinh viên.
Đó là một bức tranh phản ánh thực trạng giảng dạy và học tập ở bậc đại học Việt Nam hiện nay.
Đối với giáo dục phổ thông, đổi mới phương pháp giảng dạy là con đường nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện nhằm thực hiện các mục tiêu giáo dục.
Tuy nhiên, hiện trạng giáo dục trong nhiều năm qua cho thấy, chất lượng thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy còn nhiều yếu kém.
Cụ thể hiện nay, phương pháp giảng dạy ở các trường phổ thông vẫn là phương pháp truyền thống.
Ở đây, quá trình dạy học được xem là quá trình truyền tải thông tin từ người dạy sang người học và do đó phụ thuộc căn bản vào tài năng sư phạm của người thầy.
Theo đó, thầy thuyết trình, diễn giảng, trò nghe, ghi theo và nghĩ theo một cách thụ động. Quan hệ sư phạm giữa thầy và trò là quan hệ trực diện, đơn tuyến theo đường thẳng từ trên xuống, thể hiện tính chất chỉ huy - phục tùng.
Thầy là chủ thể, tâm điểm và trung tâm của quá trình giảng dạy, còn học trò là khách thể, xem như những quỹ đạo bao quanh.
Trên thực tế, do nhiều nguyên nhân nên ở Việt Nam ta quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy ở tất cả các bậc học, cấp học chưa được nhận thức nhất quán rộng rãi trong đội ngũ giáo viên.
Tình trạng giảng dạy theo kiểu "nhồi sọ", thuyết giảng và truyền thụ một chiều vẫn đang tồn tại.
Trong lối giảng dạy đó, vai trò của người thầy là số một, lấn át vai trò của học trò; trong khi đó, trò rất thụ động, ỷ lại lại vào thầy, vào sách.
Vì thế, quan hệ sư phạm giữa giáo viên và học sinh do đó thiếu thân thiện, mất dân chủ, mang tính áp đặt một chiều.
Mặt khác, khả năng lựa chọn và tổ chức sử dụng, phối kết hợp một cách hợp lý các phương pháp giảng dạy của các giáo viên còn yếu.
Trong quá trình giảng dạy, người thầy chưa chú ý tổ chức các hoạt động nhận thức nhằm phát huy khả năng độc lập và sáng tạo của học sinh. Phương pháp giảng dạy còn nghèo nàn, đơn điệu và hình thức.
Thả cửa vào đại học, các trường cao đẳng lo bị "cắt thức ăn và rút ống thở" |
Trong bối cảnh "đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục" được xem như một mũi nhọn đột phá của chiến lược phát triển thì đổi mới phương pháp giảng dạy trở thành một yêu cầu bức thiết.
Vậy, cần thiết đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng nào?
Trước hết, đổi mới phương pháp giảng dạy phải góp phần thực hiện mục tiêu hình thành ở người học những phẩm chất và năng lực mới phù hợp với sự phát triển của thời đại như tính chủ động, khả năng độc lập, năng lực học tập suốt đời, năng lực giải quyết vấn đề và năng lực sáng tạo...
Từ đó, tạo thành năng lực thích nghi cao trong một cuộc sống biến đổi không ngừng.
Thứ hai, việc đổi mới phương pháp giảng dạy cần thực hiện theo những giải pháp cụ thể. Theo đó, việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở bậc đại học cần thực hiện đồng bộ hai giải pháp.
Một là, trong quá trình giảng dạy cần có sự đổi mới về phương pháp tác nghiệp, theo đó các thầy cô giáo cần tổ chức thường xuyên các buổi thảo luận theo chuyên đề trên cơ sở nội dung đã học.
Cụ thể, các thầy cô giáo cần thường xuyên ra các chủ đề thảo luận cho sinh viên ở từng môn học theo định kỳ hằng tháng. Nội dung thảo luận là những chuyên đề cụ thể theo những chủ điểm của môn học.
Khi đó, những buổi thảo luận này sẽ tăng cường tính chủ động của sinh viên trong việc học, tăng cường khả năng làm việc theo nhóm.
Sinh viên có sự đào sâu kiến thức đã học theo từng chủ điểm và nhờ đó môn học cũng trở lên hấp dẫn hơn, kiến thức theo đó được trau dồi thường xuyên hơn.
Hai là, sau mỗi buổi thảo luận sinh viên sẽ phải viết cụ thể những kiến thức thu lượm được thành một tham luận chuyên đề dưới dạng tiểu luận khoa học. Vì thế, giải pháp này được tiến hành ngay sau giải pháp thứ nhất.
Các bản tiểu luận này sẽ được giáo viên cho điểm và lấy đó làm cơ sở đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo từng môn học.
Đây cũng là cơ sở đặt ra để sinh viên tự giác học tập, chủ động và tăng cường khả năng nghiên cứu khoa học, có sự ứng dụng thực tiễn trên cơ sở nhận thức và những kiến thức đã được tích lũy.
Như thế, khi tiến hành thực hiện đồng thời hai giải pháp liên quan trực tiếp đến việc giảng dạy và học tập ở bậc đại học này sẽ làm tăng hiệu quả học tập của sinh viên.
Hoạt động học hành của sinh viên được sôi động hơn và không có chuyện càng học nên cao càng nhàn cũng như không có chuyện khi thi thì mới học, để rồi khi thi xong kiến thức rơi vào quên lãng.
200.000 cử nhân thất nghiệp, ai dám bảo lỗi của riêng ngành giáo dục? |
Khi thực hiện các giải pháp đó đòi hỏi các thầy cô giáo và các sinh viên cũng có sự nỗ lực chung, tạo đà thúc đẩy hiệu quả giảng dạy và học tập.
Thứ ba, đổi mới phương pháp giảng dạy lấy học sinh và hoạt động học của học sinh làm trung tâm.
Theo đó, trong giảng dạy, thầy giáo phải đánh giá đúng đối tượng người học, hiểu được suy nghĩ của học sinh, biết học sinh muốn gì để thiết kế bài giảng cho thích hợp.
Từ sự nắm bắt của người học để xây dựng nên nội dung giảng dạy. Trong quá trình giảng dạy cần tăng cường tính chủ động cho học sinh.
Khi đó, việc giảng dạy cần theo hướng gợi mở ván đề học sinh tự tìm tòi kiến thức, từ đó làm tăng khả năng tự học của người học.
Thứ tư, đổi mới theo hướng giáo viên là người tổ chức kiến thức và các quá trình nhận thức cho người học.
Việc thiết kế bài giảng và nội dung giảng dạy theo đó phải bảo đảm sự phân luồng trong nhận thức của người học, tránh sự áp đặt một chiều.
Trong quá trình giảng dạy phải có sự liên hệ với thực tiễn để làm tăng tính sinh động và thiết thực cho bài giảng, từ đó kích thích niềm say mê, hứng thú học tập cho người học.
Đổi mới phương pháp giảng dạy là một quá trình mà ở đó luôn đòi hỏi người thầy phải năng động, sáng tạo thích hợp với điều kiện hiện có và khả năng tiếp nhận của học sinh, sinh viên.
Với yêu cầu đặt ra là người thầy phải hơn người học ít nhất một "cái đầu", do đó đòi hỏi người giáo viên phải luôn đi trước học sinh về tư duy và nhận thức, để từ đó tìm ra phương pháp giảng dạy thích hợp nhất.
Đặt người học vào vị trí trung tâm trong quá trình giảng dạy để từ đó có được phương pháp tối ưu và thiết thực nhất.
Trên đây là một vài trao đổi nhằm năng cao chất lượng giảng dạy, hy vọng rằng, với nhiệt huyết đổi mới của đội ngũ giáo viên, công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục sẽ đạt được những hiệu quả tốt nhất.