LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của tác giả Kiên Trung, trong bài viết lần này, tác giả đã thẳng thắn chỉ ra những đối tượng hay đi quà, biếu phong bì giáo viên trong dịp Tết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi đang tác động mạnh đến toàn xã hội, trong đó có ngành giáo dục. Các mối quan hệ trong môi trường giáo dục cũng càng phong phú, đa dạng, thậm chí phức tạp.
Ngày lễ, Tết là dịp để nhiều đối tượng bộc bày tình cảm, quà cáp, phong bì…đến thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, thời buổi “phú quý sinh lễ nghĩa” mà.
Đối tượng nào hay đi quà, phong bì trong dịp Tết? (Ảnh minh họa: A.N). |
Mỗi người có một quan điểm, góc nhìn riêng về việc này, có thể cho là tốt, là tình cảm; có thể nhận xét là chưa tốt, có biểu hiện lợi dụng…
Phụ huynh tặng quà, phong bì cho thầy cô giáo
Có một số phụ huynh thấu hiểu nỗi vất vả, khó nhọc của thầy cô giáo trong việc chăm sóc, dạy dỗ con em mình nên trong dịp Tết đến, xuân về thường hay mua tặng thầy cô một ít quà như thùng bánh, chai dầu hoặc vài cân thịt…để thầy cô dùng cho vui.
Những món quà nhỏ ấy chỉ thể hiện tấm lòng biết ơn của phụ huynh dành cho thầy cô, xuất phát từ tình cảm rất chân thành, trong sáng, không vụ lợi, cầu cạnh thầy cô phải châm chước, nâng điểm cho con em khi dạy học.
Tuy nhiên, hiện nay cũng có một số phụ huynh suy nghĩ rất thực dụng, sốt sắng gửi phong bì hoặc quà cho thầy cô giáo trong những lễ Tết để được giáo viên quan tâm, giúp đỡ con em mình nhiều hơn các em khác, nhất là về học lực, điểm số, các danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi…
Thầy cô giáo nào sâu sắc, chắc chắn sẽ biết, sẽ phân biệt đâu là phụ huynh tặng quà cho mình xuất phát từ tình cảm trong sáng, đâu là những phụ huynh tặng phong bì cho mình vì những lý do, những nhờ vả khác…
Giáo viên dạy thêm quan tâm đến lãnh đạo nhà trường
Tết Nguyên đán, một dịp tốt để các giáo viên dạy thêm trái phép lo quà cáp hoặc phong bì cho ban giám hiệu nhà trường.
Ai dạy thêm được cấp phép, ai dạy thêm “chui”, làm sao “qua mặt” được ban giám hiệu các trường phổ thông.
Biếu quà Tết lãnh đạo huyện, chuyện kể của một cựu Hiệu trưởng |
Nếu nhà trường đi kiểm tra một cách nghiêm túc thì chắc chắn những trường hợp giáo viên dạy thêm “chui” kia không thể thoát được biên bản và các hình thức xử lý kỷ luật.
Các thầy cô giáo dạy thêm trái phép phải biết “điều”, biết cách “vỗ về”, “chăm sóc” ban giám hiệu nhà trường trong dịp Tết Nguyên đán.
Trường nào, nhiều giáo viên dạy thêm “chui” thì lãnh đạo nhà trường sẽ “no” quà hoặc phong bì.
Được giáo viên dạy thêm quan tâm sát sao như thế, ban giám hiệu nhà trường nào, ai nỡ làm “mạnh tay” khi kiểm tra, khi xử lý sai phạm?
Cấp dưới tặng quà cho cấp trên để được “lợi”…?
Các thầy cô thuộc diện quy hoạch nguồn cán bộ quản lý giáo dục (Phó hiệu trưởng, hiệu trưởng) và các Phó hiệu trưởng, Hiệu trưởng đương chức muốn giữ ghế cho vững hoặc lên chức, muốn được luân chuyển đến những trường, đơn vị “ngon” hơn, tất nhiên mỗi dịp lễ, Tết không thể không tới lui, quà cáp cho các sếp cấp trên của mình (Phó hiệu trưởng, Hiệu trưởng, lãnh đạo Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo…)
Các dịch vụ, nhà thầu xây dựng, sửa chữa lo o bế lãnh đạo nhà trường
Mỗi năm, một đơn vị trường học với hàng trăm giáo viên, hàng ngàn học sinh cần nhiều dịch vụ, hậu cần, mua sắm cho hoạt động dạy học: bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, giấy, bút, bàn ghế…
Muốn giữ “mối” làm ăn dài lâu, các nhà cung cấp sản phẩm, nhà thầu xây dựng… không quên đi phong bì và quà cho Hiệu trưởng trong dịp Tết.