LTS: Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, việc biếu quà cho giáo viên lại trở thành vấn đề mà rất nhiều phụ huynh học sinh quan tâm.
Cô giáo Đỗ Quyên, chia sẻ những câu chuyện về cách tặng quà khác nhau và cảm nhận của người được tặng quà.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Vào thời điểm cuối năm, không ít phụ huynh lăn tăn về chuyện có đi tết thầy cô hay không? Có người thì băn khoăn nên tặng quà gì cho thầy cô vui mà lại ý nghĩa? Người đặt nặng vào giá trị món quà, người lại cho rằng sự thành tâm mới là đáng quý.
Phụ huynh băn khoăn, do dự, thầy cô cũng tâm trạng không kém. Không phải giáo viên nào cũng thích được phụ huynh tặng quà. Có thầy cô sợ nhận quà rồi lại phải nặng lòng vì sự gửi gắm thái quá của phụ huynh.
Món quà sang cũng làm nhiều giáo viên khó xử vì nhiều khi chính người tặng lại đặt quá nhiều kỳ vọng vào những món quà.
Phụ huynh có nên tặng quà giáo viên vào ngày Tết (Ảnh minh họa: Báo Lao động). |
Trong thực tế, không phải phụ huynh nào khi tặng quà giáo viên cũng mang gánh nặng với suy nghĩ thầy cô sẽ quan tâm, chăm sóc con mình chu đáo hơn những học sinh khác.
Mà không ít bậc phụ huynh muốn bày tỏ lòng cám ơn của gia đình với giáo viên trong suốt một năm đã vất vả dạy dỗ con cái họ.
Muốn giáo dục con cái truyền thống tôn sư trọng đạo. Thế nên từ cách tặng quà đến món quà mang tặng cũng thể hiện rõ sự chân thành xuất phát từ tâm.
Những món quà “cây nhà lá vườn”
Khá nhiều đồng nghiệp của chúng tôi bày tỏ “Được tặng quà ai cũng thích nhưng nhận chỉ sợ món quà tặng không bằng tấm lòng mà ẩn chứa một mục đích khác.
Thế nên tốt nhất là nói lời từ chối trước món quà phụ huynh tặng. Dù dặn lòng như thế nhưng nhiều khi vẫn không thể đành lòng từ chối trước sự chân thành của không ít phụ huynh.
Cô Lan giáo viên một trường tiểu học cho biết, đang dạy thấy một phụ huynh cứ thập thò ngoài cửa.
Bước ra, người phụ nữ luống cuống nói giọng ngập ngừng “chào cô! Em biếu cô ít cá khô ăn Tết, chồng em mới phơi trên biển về. Cá lạt và sạch sẽ lắm”.
Cô Lan nói mình cảm thấy xúc động thật sự. Đưa tay nhận và gửi lời cám ơn, nhìn vẻ mặt vui mừng của người phụ nữ cô thấy lòng mình ấm lại.
Cô Thi lại kể rằng, nhà mình cách trường gần chục cây số nên hầu như không có phụ huynh nào biết nhà cô ở đâu.
Thế mà chiều 30 khi gia đình đang cúng tất niên, chuông điện thoại reo vang. Bắt máy thì một giọng nói vang lên “cô ơi! Em là mẹ bé Huy, em đang đứng ở trước nhà, cô mở cửa đi ạ”.
Ra ngoài, cô T thấy chị phụ huynh xách theo một bị đồ khá lớn, cười nói “Ba Huy đi biển vào biếu cô ít mực, cá cô ăn Tết cho vui”.
Cô T nói mình thấy lúng túng và khó xử. Như hiểu ý, chị phụ huynh nói rằng “cô đừng ngại, em có mua bán gì đâu, cái này là đồ nhà, nhiêu đây thì có thấm tháp gì”.
Giáo viên vùng biển nơi này thường được phụ huynh biếu khi thì vài kí cá tươi, chai nước mắm, hay vài kí gạo mới gia đình vừa gặt, những bó rau sạch nhà trồng vừa hái, vài kí trái cây mới trảy ngoài vườn…
Quà Tết cốt ở tấm lòng
Chị Thủy có con đang học ở một trường tiểu học cho biết “Mình không nghĩ tặng quà để mong cô quan tâm con mình hơn. Bởi, con tôi luôn là đứa bé ngoan, học giỏi.
Tôi muốn tri ân khi thầy cô đã vất vả dạy dỗ các con suốt cả năm trời. Vì thế món quà mang nặng tấm lòng chứ không đặt nặng về giá trị”.
Anh Hùng có con học lớp 5 thì cho rằng “chuyện quà cáp cho thầy cô với tôi rất bình thường. Gia đình tôi thường tặng những món quà nhà làm. Thông qua việc tặng quà, chúng tôi muốn dạy con lòng tri ân, sự biết ơn thầy cô giáo của mình cho con cái”.
Một số phụ huynh khác cũng bày tỏ suy nghĩ “ủng hộ việc phụ huynh hoặc học sinh đến thăm hoặc tặng quà thầy cô giáo, đặc biệt là thăm và tặng quà thầy cô giáo cũ. Bởi tri ân thầy cô giáo là truyền thống, là đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta từ ngàn đời”.
Con nên người, có kiến thức, công lao chăm sóc, dạy dỗ và giáo dục của thầy cô giáo không hề nhỏ.
Thế nên việc thăm viếng hay tặng quà thể hiện lòng biết ơn là việc làm ý nghĩa, đáng trân trọng. Nhưng, người tặng thực tâm họ sẽ thấy đó là niềm vui và như thế cũng sẽ đẹp lòng người nhận.
Món quà phù hợp để tỏ lòng biết ơn là điều nên làm. Người tặng mà thành tâm, người nhận cũng không vì món quà mà thiên vị. Đó chính là cái đạo của người học và của cả người làm thầy.