“Ê tụi mày, đố biết thầy nói hay rượu nói?”

10/06/2015 08:08
PHAN TUYẾT
(GDVN) - Nhiều người đã dè chừng khi uống rượu quá đà bởi rượu bia đôi khi làm cho con người ta không còn là chính mình nữa. Vậy mà mấy ai biết sợ!

LTS: Mỗi câu chuyện dưới đây được cô giáo Phan Tuyết ghi lại từ lời kể của bạn bè, của chính bản thân cô, họ đa số đều là thầy cô giáo.

Cô Phan Tuyết đề nghị đổi tên nhân vật, không nói rõ địa chỉ nơi công tác...nhưng tất cả đều xảy ra ở xung quanh nơi cô sống và làm việc.

Những mẩu chuyện không vui vẻ này, hẳn sẽ có tác dụng, là bài học kinh nghiệm với không ít các thày cô giáo hôm nay.

Mỗi lần họp lớp, chúng tôi lại “ôn cố tri tân” thôi thì biết bao câu chuyện được đem ra kể. Có chuyện nghe xong rút làm bài học kinh nghiệm để đời.

Có chuyện khiến ai nấy đều cười nghiêng ngả nhưng cũng có chuyện đọng lại nỗi xót xa, day dứt mãi khôn nguôi...

Trong cuộc gặp năm ngoái, bạn Mai mở đầu bằng câu chuyện về thầy giáo dạy Toán cấp 3 của nó.

Nhiều hôm lên lớp, thầy Huy mặt đỏ phừng phừng, chân đi liêu xiêu vì say rượu. Nghe nói thầy uống rượu thay cơm, uống triền miên bất kể giờ giấc.

Vào bài, thầy giảng luyên thuyên, lũ học trò ngồi dưới bấm nhau cười khúc khích, có đứa cười ý nhị: “Ê tụi mày, đố biết thầy nói hay rượu nói?”

Vô phúc cho đứa nào hôm đó bị thầy gọi lên bảng mà không thuộc bài, thế là “bài ca con cá” cứ vang lên, lúc ồn ào khi rền rỉ đến chói tai. Nói chán, thầy gục xuống bàn và khúc nhạc “kéo gỗ” vang lên ồn ả. Thế là, đám học trò lười học mừng vui vì được nghỉ một tiết học “khó nhằn”.

 “Ê tụi mày, đố biết thầy nói hay rượu nói?” ảnh 1

Nỗi lo học sinh, sinh viên say rượu bia trong ngày tết

(GDVN) - Việc tuổi trẻ lạm dụng bia, rượu dẫn đến say xỉn, không làm chủ được hành vi của mình cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản làm mất an ninh, trật tự ...

Bạn Đào tiếp lời: “Thầy dạy lý của tớ lại không say khật khừ như thế nhưng hôm nào thầy uống rượu chỉ khổ cho những đứa ngồi ở bàn đầu tiên.

Mỗi khi thầy nói, hơi rượu phả ra nồng nặc nhưng chúng tớ chỉ nín thở mà không dám bịt mũi vì sợ bị la.

“Chuyện của mấy bạn cũng thường thôi, nghe xong câu chuyện của tớ không cười mới là lạ” Kha tiếp lời.

Quả thật, câu chuyện của Kha làm chúng tôi cười nhiều nhất nhưng cười xong rồi, một nỗi buồn không tên cứ đeo bám mãi, có gì đó nó vừa chua chát vừa thấy xót xa. Bởi vì chuyện đó đã làm ảnh hưởng không ít tới hình ảnh đạo mạo, trí thức của những người thầy giáo chân chính.

Chuyện kể rằng: Sau một chầu nhậu túy lúy, thầy Sơn cùng một số đồng nghiệp của mình đi “tăng 2” nơi hát là quán karaoke mà mọi người thường gọi là “miệng hát tay mỏi”.

Thầy Sơn mắt nhắm nghiền, miệng nghêu ngao vừa hát, vừa ôm ghì một cô bé tiếp tân vào lòng. Đang mơ màng trong cảm giác lâng lâng, thầy giật mình khi nghe cô bé hỏi: Thầy có nhận ra em không?

Thầy choàng tỉnh khi nghe Nga nói tiếp: “Em là Nga, học trò thầy chủ nhiệm năm lớp 5 nè!” Điếng người nhìn lại…thầy bỗng tỉnh cả rượu, hoảng hốt, bất ngờ, miệng lắp bắp những câu gì không rõ và bỏ lại tất cả, thầy chạy thục mạng ra khỏi phòng trước những con mắt đầy ngạc nhiên của đồng nghiệp.

Dù mọi người có mặt hôm đó, ai cũng cố tình giấu nhưng không hiểu sao câu chuyện vẫn lộ ra và trở thành đề tài bàn tán xôn xao một thời gian. Nhiều người đã dè chừng khi uống rượu quá đà vì sợ say không làm chủ được mình để xảy ra chuyện tương tự thì khó xử.

Thế mới biết, rượu bia đôi khi làm cho con người ta không còn là chính mình nữa. Vậy mà mấy ai biết sợ?!     

PHAN TUYẾT