LTS: Đợt xét tuyển nguyện vọng đầu tiên của Kỳ tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm nay đã tạm khép lại với nhiều băn khoăn, cũng như nỗi lo từ nhiều phía.
Chứng kiến những cảnh tượng khóc cười của một mùa tuyển sinh, nhiều người không khỏi lắc đầu và tỏ ra hoài nghi cho sự đổi mới trong thi cử của Bộ GD&ĐT.
Quan sát kỳ thi THPT quốc gia và đợt tuyển sinh đại học vừa qua, GS. Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân cơ bản, mấu chốt nhất dẫn đến hệ quả nêu trên.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Trần Hồng Quân xung quanh câu chuyện này.
PV: Thưa Giáo sư, tuyển sinh ĐH và CĐ đang là câu chuyện nóng trong xã hội hiện nay. Xin Giáo sư cho ý kiến đánh giá về tình hình và chủ trương tuyển sinh năm nay.
GS. Trần Hồng Quân: Trước hết tôi muốn ghi nhận là Bộ GD&ĐT có cố gắng chuyển động nhằm đổi mới, không riêng việc thi cử, tuyển sinh mà còn một số mặt khác.
Vâng, quả là nóng, rất nóng. Một khung cảnh kỳ lạ đã diễn ra trong giai đoạn tuyển nguyện vọng 1 vừa qua.
Trong ngày cuối cùng đợt 1 (ngày 20/8) còn căng thẳng hơn bất cứ cuộc chung kết nghẹt thở nào. Tôi không muốn bàn thêm về sự căng thẳng mệt mỏi của thí sinh và phụ huynh cũng như sự vất vả của các trường.
Giáo sư Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam. |
Tôi không nói đến sự tốn kém lớn của từng gia đình, nhất là đối với thí sinh ở các địa phương xa, phải đi đi lại lại chầu chực chờ đợi. Tôi cũng chưa có ý định phân tích từng quy định cụ thể trong quy chế tuyển sinh năm nay và các điều chỉnh trong quá trình diễn biến.
Tôi cũng không muốn bàn đến các vấn đề kỹ thuật trong điều hành của Bộ GD&ĐT.
Tôi có vài ý kiến sơ bộ về những nét tổng quát trong chủ trương tuyển sinh năm 2015. Sở dĩ nói là ý kiến sơ bộ vì chúng tôi muốn sau khi kết thúc cuộc tuyển sinh năm nay, nên có nghiên cứu và lắng nghe nghiêm túc để đánh giá cái được, cái không được, và kiến nghị cho các năm sau.
Vậy Giáo sư có thể nói rõ hơn về thời điểm để đánh giá cái được, cái chưa được của kỳ tuyển sinh năm nay?
GS. Trần Hồng Quân: Hiệp hội Các trường Đại Học và Cao Đẳng dự định vào tháng 10/2015 sẽ làm việc này. Còn công tác nghiên cứu làm từ bây giờ. Chắc Bộ cũng sẽ có cuộc tổng kết như mọi năm. Chúng tôi sẽ phối họp trao đổi thông tin.
Tôi trở lại vấn đề chính. Hiệp hội chúng tôi từng đề nghị (ít ra là 2 lần) và hiện nay cũng vẫn giữ ý kiến như vậy, đó là: Không nên tổ chức kỳ thi "hai trong một".
Chỉ có một kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT. Còn việc tuyển vào ĐH và CĐ là việc của từng trường. Chỉ có như vậy mới tuyển được sát yêu cầu của từng trường, nhất là sát cho từng ngành học.
Các trường có thể có nhiều cách xét tuyển, trong đó, có bằng tốt nghiệp THPT là một điều kiện, kết quả học tập phổ thông là một tư liệu.
Nhưng không chỉ có vậy, từng trường, từng ngành có thể có cách khảo sát riêng. Bộ nên xây dựng các nguyên tắc. Các trường xây dựng quy chế tuyển sinh của mình trong các nguyên tắc ấy, không cần Bộ phải duyệt phương án và cho phép từng trường.
Dứt khoát Bộ không nên ôm đồm những việc tác nghiệp cụ thể, cầm tay chỉ việc cho các trường mà ở đó có bao nhiêu nhà khoa học, nhà quản lý có trình độ và kinh nghiệm.
Họ hoàn toàn có thể làm tốt các việc này. Nguyên nhân của cảnh tượng lạ lùng căng thẳng mươi ngày nay chính là do sự ôm đồm đó. Và như vậy phải dứt khoát chia tay với "ba chung" đừng luyến tiếc.
Năm nay về thực chất, ta đã trở lại "ba chung". Báo Sài Gòn Giải phóng ngày 19/8/2015 có bài "Rối rắm không cần thiết", trong đó có câu kết nghe mà xót xa. Xin Bộ hãy xem để mà kiên quyết dứt khoát với sự ôm đồm lâu nay.
Đó là vấn đề xét tuyển, nhưng còn riêng về Kỳ thi THPT vừa qua thì Giáo sư có ý kiến gì?
GS. Trần Hồng Quân: Có ý kiến nên bỏ kỳ thi Tốt nghiệp phổ thông vì tỷ lệ đỗ gần 100% thì thi làm gì. Tôi nghĩ rằng thi cử có sàng lọc là một trong những điều kiện để việc dạy và học được nghiêm túc.
Các học sinh quá yếu cũng phải chấp nhận bị loại, không nhận được bằng tốt nghiệp. Ta cũng tiếc cho các em. Nhưng không nên làm khác.
Đừng vì một số ít mà làm cho chất lượng của giáo dục phổ thông giảm sút. Với số không được tốt nghiệp, ta tìm con đường khác cho các em phát triển. Như vậy phải chấp nhận tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhiều so với hiện nay.
Xin lãnh đạo các địa phương cũng thống nhất quan điểm như vậy. Lấy thực chất thay cho hình thức, dù hình thức đó nhìn bên ngoài rất đẹp. Lại còn so tỷ lệ tốt nghiệp giữa các tỉnh với nhau nữa làm thành cuộc chạy đua hình thức rất tai hại. Đây là vấn đề thái độ trách nhiệm đối với nền giáo dục nước nhà.
Không nên hạn chế số môn thi Tốt nghiệp THPT. Như năm nay, Bộ công bố 3 môn thi bắt buộc. Mỗi em còn phải chọn thêm một môn khác. Thế là mỗi em chỉ tập trung học 4 môn đó thôi.
Các môn khác chỉ học lơ mơ lấy có. Tình trạng học lệch đó phá hỏng mục tiêu đào tạo toàn diện. Nhiều thầy cô nản lòng vì nhiều em không quan tâm học môn của mình.
Nên có quy định khác, tức là học sinh phải thi tất cả các môn được học. Nhưng không phải thi từng môn riêng mà theo đề tích hợp. Ví dụ thi với 4 đề, mỗi đề liên quan một số môn. Cả 4 đề coi như liên quan hết các môn học. Không ai dám học lệch.
Tôi xin nhắc lại, đây là ý kiến sơ bộ, phát biểu với tư cách cá nhân.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư.