Chỉ còn khoảng dăm tuần nữa là học sinh các cấp bước vào kỳ thi cuối năm học.
Vào thời điểm này, nhiều giáo viên đang gấp rút ôn tập, bồi dưỡng kiến thức để các em đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi cuối năm.
Thế nhưng không phải cứ thầy cô nhiệt tình giảng dạy là các em sẽ học và thi tốt.
Ảnh minh họa, nguồn: VTV.vn. |
Có không ít em học yếu do lười, em học yếu do không thể theo kịp kiến thức…nhưng dù thế, kết quả đánh giá chất lượng giáo dục vẫn phải đạt mức trung bình trở lên.
Trước sức ép về chỉ tiêu chất lượng, nhiều thầy cô giáo đã phải nghĩ cách tự “cứu” lấy mình.
Tạo cớ cho điểm
Thầy Trung một giáo viên môn Lịch sử cho biết chỉ tiêu nhà trường giao cho môn học của thầy phải đạt 99% học sinh đạt điểm trên trung bình.
Thầy Trung nói rằng “Nhiều em có chịu học bài đâu? Gọi trả bài cũ cứ nói thẳng em không thuộc, thầy cho luôn con điểm 0 để đỡ mất công.
Làm bài kiểm tra chỉ ghi vài dòng rồi bỏ giấy trắng. Nếu cứ cho điểm thẳng tay những học sinh này chỉ đạt điểm kém, điểm số đủ để ở lại lớp.
Nhưng làm thế mình sẽ chẳng đạt chỉ tiêu về chất lượng giảng dạy.
Người ta không còn xét học trò học yếu, kém mà quy chụp giáo viên chưa có phương pháp dạy đúng, chưa tạo hứng thú học tập cho học sinh…”.
Thế là cách mà thầy Trung áp dụng để nâng điểm cho những học trò yếu cũng là cách tự “cứu” lấy mình. Thầy nói đã tạo cớ để cho điểm học sinh một cách hợp pháp.
Có bao nhiêu học sinh Khá, Giỏi là do sức học, sao lại đặt chỉ tiêu? |
Trong giờ học nếu em nào giơ tay phát biểu, ít sẽ được cộng điểm, nhiều sẽ được tặng điểm giỏi.
Khổ nỗi đã lười học, học yếu thì biết gì trả lời mà giơ tay? Thế là có lúc thầy đặt câu hỏi (không còn gì có thể dễ hơn) và gọi đích danh những học sinh ấy trả lời.
Sau phần trả lời của trò, thầy thường khuyến khích theo kiểu “bạn Hùng hôm nay thật tiến bộ, dù câu trả lời chưa được chuẩn ý nhưng động viên tinh thần thầy khuyến khích cho em điểm 9”.
Riêng điểm 1 tiết, thầy Trung cho biết dặn các em về học đúng phần ấy để mai kiểm tra. Thế mà vẫn có những học sinh không chịu học. Cách cuối cùng (dù là hạ sách) thì giáo viên vẫn phải áp dụng cấy khống điểm vào sổ.
Cô Thùy, một giáo viên dạy Toán tiết lộ với người viết chiêu nâng điểm cho học trò yếu bằng cách nhắc lại quy tắc hay một công thức toán vừa học rồi khuyến khích tặng điểm.
Bài kiểm tra 1 tiết cho làm lại gần như y chang bài giáo viên vừa sửa trên lớp.
Hay chia sẻ một cô giáo dạy văn, chỉ cần học trò đọc vài ba câu thơ, nói tên tác giả là hào phóng ban ngay điểm giỏi.
Sau nhiều cách để cứu vãn con điểm nhưng điểm số của những học sinh này vẫn chưa tới ngưỡng quy định thì giáo viên buộc dùng biện pháp “cấy, xạ” theo ý, miễn sao điểm tổng kết của các em nằm trong vùng an toàn cho phép.
Rồi đến “căn, chỉnh” tỷ lệ học sinh yếu kém để đạt chỉ tiêu.
Học sinh khá, giỏi thầy cô cũng phải điều chỉnh mới đạt chỉ tiêu đưa ra. Ví như lớp chọn, tỷ lệ khá, giỏi phải đạt 100%.
Lớp bình thường, tỷ lệ này ít nhất 70% trở lên. Có điều nâng điểm cho học sinh khá giỏi không gian nan, mệt mỏi như với học sinh yếu kém.
Gần tới ngày tổng kết, giáo viên chỉ cần cho học sinh làm từ 1-2 bài kiểm tra 1 tiết chủ yếu những dạng bài đã làm, đã học trước đó. Vốn có chút kiến thức nên bài đúng dạng các em lấy điểm 9,10 chẳng hề khó khăn gì.
Giáo viên có vô can?
Thưa Bộ trưởng, áp lực nặng nền nhất của giáo viên chính là...thành tích |
Giải thích cho việc nâng điểm cho học trò để đạt chỉ tiêu, nhiều thầy cô cho rằng do nhà trường đã cột chỉ tiêu vào từng giáo viên không thực hiện sẽ không được.
Đó chỉ là sự ngụy biện cho việc làm của chính mình vì chính mỗi thầy cô cũng vì quyền lợi cá nhân, vì thành tích đã tự thỏa hiệp chuyện này.
Trong thực tế, cũng đã có thầy cô giáo cương quyết khi đánh giá thực chất năng lực học tập của các em.
Họ sẵn sàng chịu áp lực về xếp loại thi đua cuối năm, chịu mang tiếng vì dạy học không hiệu quả, chịu sự nhận xét cay nghiệt của một số đồng nghiệp là “điên, khùng…”.
Ngược lại, học sinh lại thay đổi khá nhiều. Các em sợ sự nghiêm khắc của thầy cô, phụ huynh sợ sự cứng rắn của giáo viên nên nhiều em đã chịu khó học và tiến bộ lên rất nhiều.
Giá như mỗi giáo viên bớt đi một chút lo cho thành tích của cá nhân mình thì câu chuyện về chỉ tiêu cũng không áp lực nhiều đến thế.