Để chuẩn bị chuyên đề góp ý cho Báo cáo về kinh tế-xã hội phục vụ Đại hội XIII của Đảng, ngày 7/3, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia xây dựng dự thảo Đề cương Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2011-2020, Chiến lược và kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2030 trong các lĩnh vực văn hóa – thể thao và giáo dục – đào tạo.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chủ trì cuộc tọa đàm. Ảnh: Đỗ Thơm |
Theo dự kiến, cấu trúc nội dung báo cáo gồm 4 phần.
Phần một, đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đổi mới toàn diện giáo dục – đào tạo giai đoạn 2011-2020.
Phần hai, bối cảnh phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phần 3, chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phần bốn, kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo 5 năm 2021-2025.
Các chuyên gia tham dự đều thống nhất là báo cáo cần bám sát Nghị quyết 29 của Đảng, đánh giá cần rất sòng phẳng, công bằng.
Góp ý vào Báo cáo chuyên đề về giáo dục và đào tạo: Đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đổi mới toàn diện giáo dục – đào tạo giai đoạn 2011-2020 và mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng nguồn lực, quan tâm chưa tương xứng.
"Có nơi nào cấp ủy, chính quyền hàng tháng nghe và chỉ đạo về giáo dục? Đất đai ở thành phố ưu tiên dành cho trường học được bao nhiêu hay chủ yếu là cho nhà hàng, khách sạn, nhà hàng?", Giáo sư Thuyết nêu thực tế.
Về phần đánh giá, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, không nên đánh giá cao kết quả thi cử. Bởi nhiều sự cố xảy ra thời gian qua nếu đánh giá cao thì khó được sự đồng tình của dư luận, người dân.
Về chiến lược tầm nhìn 2021-2045, theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cần có tính mới, mạch lạc, rõ ràng, cụ thể.
Các đại biểu tham dự cuộc tọa đàm. Ảnh: Đ.Thơm |
Phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Toản - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chia sẻ rất nhiều băn khoăn.
Giáo sư Toản cho rằng, chúng ta phải đánh giá khách quan, nghiêm chỉnh, dám nhìn thẳng vào sự thật.
Cùng về một sự kiện, nhưng giác độ nhìn khác nhau sẽ cho ra kết luận khác nhau.
Giáo sư Toản dẫn chứng, thi đại học không phân biệt trường công, trường tư đều một lần thi.
Nhưng thi vào Trung học cơ sở, Trung học Phổ thông, một số địa phương để cho trường công thi trước, hớt lớp ở bên trên. Sau đó, còn lại, trường ngoài công lập mới thi.
Ở đó nảy sinh 2 vấn đề. Đó là thái độ của chúng ta với trường công, trường tư như thế có nên không? Thứ hai là thái độ ứng xử của chúng ta với học sinh có khác nhau không?. Chúng ta cần phải nhìn nhận đánh giác những việc này.
Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục toàn diện hết sức quan trọng nhưng cho đến bây giờ vẫn không quán triệt được thế nào là đổi mới căn bản, thế nào là đổi mới toàn diện, không rõ. Trong khi đó, Nghị quyết 29 đã nêu rất rõ.
"Hiện nay chúng ta đang thiếu một tầm nhìn dài hạn có tính chiến lược hệ thống về cụ thể hóa triển khai đổi mới. Chúng ta không có nên đổi mới giáo dục đại học cũng không theo một đề án cụ thể, đổi mới giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp cũng vậy. Chúng ta làm từng việc, từng việc một.
Đúng là vấn đề này khó nhưng đổi mới giáo dục không thể 1, 2 năm.
Chúng ta không cụ thể hóa được nên không chế định được thành chính sách”, Giáo sư Toản nói.
Ông cho rằng: “Đánh giá giáo dục phổ thông hơi quá so với thực tế. Mặc dù xếp hạng PISA của Việt Nam cao nhưng chúng ta giáo dục con người thế nào? Nguồn nhân lực của chúng ta có thông minh nhưng kỷ luật rất kém. Vì thế, theo tôi đánh giá cần cân nhắc”.
Giáo sư Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, thầy được một số lần dự sơ kết Nghị quyết 29 và thấy rằng chúng ta làm chưa tốt.
"Thời gian qua, Bộ tập trung và loay hoay với sách giáo khoa, còn đổi mới căn bản, toàn diện, quốc sách ở chỗ nào chưa rõ.
Thậm chí nhiều điểm còn "thụt lùi", theo phân cấp quản lý, việc tuyển dụng giáo viên giờ hoàn toàn phụ thuộc vào Bộ Nội vụ. Nếu không mổ xẻ, Nghị quyết tiếp tục khó đi vào thực tiễn.
Sau khi Nghị quyết 29, đến nay mới làm được có chương trình tổng thể", thầy Minh đánh giá.
Ông đặt câu hỏi, vì sao vừa qua khi đặt vấn đề lương giáo viên là loạn lên. Chúng ta nói suốt, giáo dục là quốc sách nhưng ai thực hiện.
Theo thầy Minh, nếu chúng ta không mổ xẻ nghiêm túc thì Nghị quyết sẽ tiếp tục khó đi vào thực tiễn, khó triển khai.