Giáo viên kiến nghị Bộ đổi thời gian khai trường, điều chỉnh Thông tư 30

18/07/2016 08:31
Trần Sơn
(GDVN) - Bộ GD&ĐT cần khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định trong Thông tư 30 đồng thời điều chỉnh thời gian khai trường trước thời điểm học sinh đi học.

LTS: Là một giáo viên có tâm huyết với nghề, thầy giáo Trần Sơn đã bày tỏ góc nhìn của mình về thời điểm khai trường cũng như việc thực hiện Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT trong năm học mới này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Chỉ còn hai tuần nữa là học sinh sẽ tựu trường và rồi các em sẽ bước vào năm học mới 2016-2017. Tuy vậy, là một giáo viên bậc học Phổ thông, tôi vẫn thấy còn trăn trở, băn khoăn về hai việc, đó là: thời điểm tổ chức ngày khai trường và việc thực hiện Thông tư 30

Chúng tôi rất mong ý kiến này được Bộ GD&ĐT cùng các thầy, cô giáo khác trên cả nước quan tâm, chia sẻ.

Học sinh đi học rồi mới khai trường?

Ngày 03/6/2016 Bộ GD&ĐT đã có Quyết định số 1893/QĐ-BGDĐT ban hành khung thời gian năm học 2016-2017 của giáo dục Mầm non, giáo dục Phổ thông và giáo dục Thường xuyên. Theo đó thì tựu trường sớm nhất là 1/8/2016 và muộn nhất là 25/8/2016; tổ chức khai giảng vào 05/9/2016.

Giáo viên kiến nghị Bộ đổi thời gian khai trường, điều chỉnh Thông tư 30 ảnh 1

Chùm ảnh: Muôn sắc Khai trường

(GDVN) - Sáng nay, các trường phổ thông trong cả nước tiến hành Lễ Khai giảng năm học mới. Tại Hà Nội, ghi nhận trong buổi sáng thời gian khai giảng được rút ngắn.

Như vậy, năm nay cũng giống như các năm học trước, tức là  học sinh cấp học Mầm non và Tiểu học đi học được một tuần; học sinh cấp học THCS và THPT đi học được hai tuần rồi mới tổ chức khai giảng.

Việc tổ chức dạy học trước một đến hai tuần, sau đó mới tổ chức khai giảng như thế sẽ làm mất đi ý nghĩa của ngày khai trường. Nó làm cho ngày khai trường vốn là ngày mà các em học sinh mong chờ háo hức, nay chỉ còn là ngày thực hiện các nghi lễ thủ tục chủ yếu dành cho người lớn.

Năm trước, tôi cũng đã có bài viết “Học sinh có còn náo nức đón ngày khai trường” (đăng ngày 30/7/2015 trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam) nói về vấn đề này.

Trong bài báo đó, tôi có viết: “Để ngày này thật sự có ý nghĩa, tạo được nhiều niềm vui và những cảm xúc mang dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời mỗi học sinh, tôi đề nghị Bộ GD&ĐT, từ năm học 2015-2016, nên hướng dẫn các trường tổ chức ngày lễ quan trọng này trước khi chính thức bước vào học buổi đầu tiên của năm học mới”.

Nhưng thật buồn là năm học 2015-2016, Bộ GD&ĐT vẫn chỉ đạo các trường khai giảng vào ngày 05/9/2015.

Bộ GD&ĐT nên điều chỉnh thời gian khai giảng trước lúc học sinh đi học! (Ảnh nguồn: Vov.vn).
Bộ GD&ĐT nên điều chỉnh thời gian khai giảng trước lúc học sinh đi học! (Ảnh nguồn: Vov.vn).

Còn năm học 2016-2017 này, Bộ GD&ĐT cũng lại có văn bản chỉ đạo như vậy.

Tôi có xem lại Luật Giáo dục 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì cũng không thấy có quy định ngày 05/9 là ngày khai trường mà chỉ có quy định ngày 20/11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam.

Giáo viên kiến nghị Bộ đổi thời gian khai trường, điều chỉnh Thông tư 30 ảnh 3

Thầy, cô giáo và những khát khao ngày khai giảng năm học mới

(GDVN) - Mong sao trong ngày khai giảng năm học mới, các vị đại biểu cấp trên dành thời gian tọa đàm với thầy, cô giáo để nghe, hiểu nguyện vọng và kiến nghị của họ.

Vẫn biết rằng ngày 05/9/1945 là ngày Bác Hồ gửi thư cho học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, và ngày này được lấy làm ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường”.

Thời trước, ngày đó lấy làm ngày khai giảng vì nó phù hợp với thời điểm từ những năm đầu 2000 trở về trước, khi chưa đổi mới chương trình giáo dục Phổ thông, cả thầy và trò được dự buổi lễ khai trường đúng nghĩa rồi sau đó mới bước vào buổi học đầu tiên của năm học mới với tinh thần đầy hứng khởi.

Nhưng nay đã khác, thầy cô và học sinh đã thực hiện dạy học được một vài tuần rồi mới rầm rộ tổ chức khai trường thì lấy ngày 5/9 là ngày khai giảng có còn hợp lí không?

Mọi thứ nếu thấy bất hợp lý, kém hiệu quả, chúng ta đều có thể thay đổi, điều chỉnh, đến như Bộ luật Hình sự đã được Quốc hội thông qua, chỉ còn vài ngày nữa là có hiệu lực thi hành, khi phát hiện có quá nhiều sai sót còn bị hoãn lại để sửa chữa nữa là!

Vì vậy, là một giáo viên bậc học Phổ thông, năm nay, tôi lại tiếp tục đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu, có văn bản chỉ đạo cho các trường thuộc các cấp học giáo dục Mầm non, giáo dục Phổ thông và giáo dục Thường xuyên tổ chức khai giảng năm học 2016-2017 trước khi bước vào buổi học đầu tiên của năm học mới (thời điểm cụ thể tùy thuộc vào thời lượng chương trình từng cấp học).

Bộ GD&ĐT cần rà soát, sớm có văn bản điều chỉnh, sửa đổi Thông tư 30

Thông tư 30 về đánh giá học sinh Tiểu học của Bộ GD&ĐT trong hai năm qua đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội với các ý kiến đa chiều. 

Trong đó có nhiều ý kiến không đồng tình của giáo viên Tiểu học (qua phản hồi của độc giả trên các báo); đặc biệt, có các ý kiến của các chuyên gia, nhất là ý kiến của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (người chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt cấp Tiểu học).

Giáo viên kiến nghị Bộ đổi thời gian khai trường, điều chỉnh Thông tư 30 ảnh 4

Giấy khen bát nháo, lỗi do người thực hiện chứ không tại Thông tư 30

(GDVN) - Giấy khen “Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt” đã mang lại niềm vui cho học sinh, phụ huynh hay thực tế đã đưa đến sự nháo nhác, ngẩn ngơ cho xã hội.

Ngày 14/4/2016, báo điện tử Infonet có đăng bài dẫn lời Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói về Thông tư 30 như sau: “Nhiều giáo viên lo lắng trước tình trạng học sinh ngày càng lười biếng vì kết quả học tập không được đánh giá bằng điểm. Tôi xin gửi đến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lời cảnh báo: Giáo dục sẽ phải trả giá đắt vì Thông tư 30".

Ngày 27/5/2016, báo điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng bài “Bộ Giáo dục nghĩ gì khi học sinh lười học, giáo viên áp lực, phụ huynh lo lắng?” của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.

Trong bài báo này, Giáo sư Thuyết nêu các hạn chế khi thực hiện Thông tư 30 với ba đối tượng có liên quan trực tiếp đến Thông tư là: học sinh, giáo viên, phụ huynh như tiêu đề bài báo đã nêu.

Trong bài báo trên, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng kiến nghị: “Tôi mong Bộ Giáo dục nghiên cứu lại vấn đề đánh giá học sinh tiểu học một cách chu đáo hơn; sớm sửa đổi các quy định cho phù hợp với thực tế”.

Giáo viên kiến nghị Bộ đổi thời gian khai trường, điều chỉnh Thông tư 30 ảnh 5

Chuyên viên Vụ giáo dục Tiểu học trao đổi thêm về Thông tư 30

(GDVN) - Việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét (không cho điểm số) không làm sụt giảm động cơ học tập chính đáng của học sinh tiểu học.

Ngày 6/6/2016, trong chuyến làm việc tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết là Bộ sẽ rà soát lại Thông tư 30 vì “chủ trương thì đúng nhưng vận dụng không khéo sẽ... tai hại”.

Là một giáo viên Tiểu học, tôi cũng đồng tình với quan điểm của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Bộ GD&ĐT cần khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định trong Thông tư 30, sao cho việc đánh giá học sinh Tiểu học có tác dụng thiết thực để góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục và phù hợp với tất cả các thành phần có liên quan, nhất là đối với giáo viên và học sinh.

Mong rằng, trước khi bước vào khai giảng năm học mới, các trường Tiểu học trong cả nước sẽ có được văn bản sửa đổi, điều chỉnh Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT để thực hiện đánh giá học sinh một cách hiệu quả ngay từ những buổi học đầu tiên!

Trần Sơn