Thầy ăn lương vợ, tranh thủ việc trường, làm ngoài là chính

10/04/2017 06:18
Nguyễn Văn Lự
(GDVN) - Việc phụ giờ thành việc chính, chân ngoài dài hơn chân trong, tranh thủ việc trường, làm ngoài là chính. Thầy nhọc nhằn đủ nghề kiếm sống rồi mới nghĩ đến dạy.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của thầy giáo Nguyễn Văn Lự, người đã gắn bó với nghề giáo rất nhiều năm.

Trong bài viết này, thầy Nguyễn Văn Lự đề cập đến vấn đề nhà giáo không được tập trung vào đúng chuyên môn của mình là dạy học.

Thay vào đó, các thầy cô phải phải kiêm nhiệm nhiều việc khác ở trường học, ngoài ra còn nỗ lực kiếm thêm để lo gánh nặng cơm áo gạo tiền.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng bạn đọc.

Giáo viên hiện nay làm nghề gì? Câu hỏi tưởng chừng vô lý nhưng hóa ra lại không dễ trả lời. Sự chồng chéo việc và kiêm nhiệm đã làm giáo viên mệt mỏi và lơ là nhiệm vụ chính dạy học của mình.

Nghịch lý của nghề dạy học

Từ thập niên 80 của thế kỷ XX, các trường Sư phạm chủ trương đào tạo giáo viên thành “con dao pha” có thể đảm trách nhiều việc cùng lúc. 

Đó là thời kỳ gian khổ vui chung, sau chiến tranh chồng chất khó khăn, thiếu người, nhiều việc. Thầy cô giáo, lương không đủ sống như bao nhiêu viên chức nhà nước, đành làm thêm như chăn nuôi, làm ruộng...

Người thầy thời đó được dân tếu táo định nghĩa “Thầy giáo có nghề phụ dạy học”. 

Giáo viên mơ ước được chuyên tâm vào công tác dạy học và có thể sống tốt bằng lương. (Ảnh minh họa: Laodong.com.vn)
Giáo viên mơ ước được chuyên tâm vào công tác dạy học và có thể sống tốt bằng lương. (Ảnh minh họa: Laodong.com.vn)

Công cuộc đổi mới sau 1988 làm thay đổi căn bản đời sống người nhà nước nhưng nghề dạy học vẫn chưa thoát khỏi chuyện cơm áo. 

Hệ B mở ra (thu học phí như hệ dân lập bây giờ), nhiều người ví “như con bò sữa” đã góp cho nồi cơm nhà thầy đầy hơn, thoát khỏi cảnh vội vàng chỉnh trang đến trường, vội vàng trở về làm thêm. 

Việc phụ giờ thành việc chính, chân ngoài dài hơn chân trong, tranh thủ việc trường, làm ngoài là chính. Thầy nhọc nhằn đủ nghề kiếm sống rồi mới nghĩ đến dạy học.

Chục năm nay, cơ chế chính sách tiền lương đã thay đổi nhiều, mấy lần lương chỉnh nhỏ giọt, không đủ bù vào trượt giá nên rốt cục, người thầy cũng vẫn loanh quanh chuyện bát cơm manh áo. 

Nhu cầu học thêm và kinh tế thị trường đã giúp thầy môn chính Trung học và Tiểu học thành thị làm giàu bằng nghề nhưng phần lớn thầy cô vẫn theo nghề với đồng lương còm cõi.

Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý là nghề dạy học” (cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) nhưng mấy chục năm qua chỉ tồn tại trong tâm thức giới trí thức và các văn bản.

Thầy ăn lương vợ, tranh thủ việc trường, làm ngoài là chính ảnh 2

Thầy Mỹ Dennis Berg nêu quan điểm mức lương và phẩm giá của giáo viên

Nghề dạy học thời nào cũng cao quý, chế độ xã hội nào cũng cao quý. 

Người giáo viên từng giờ từng việc trực tiếp hay gián tiếp tác động vào học sinh, đào tạo và trang bị để học trò phát triển và hoàn thiện nhân cách, phát triển kiến thức, kỹ năng. 

Nguồn nhân lực cho đất nước, tương lai của một xã hội hoàn toàn phụ thuộc vào thế hệ trẻ mà người chịu trách nhiệm chính là thầy cô. 

Nhưng lương thầy cô không quan trọng như lực lượng vũ trang, còn quan chức, ai sống bằng lương mà bàn cao thấp. Lương đã thấp lại trả bao cấp cào bằng người giỏi người kém chuyên môn như nhau! 

Trong hơn 1,24 triệu nhà giáo hiện nay [1] (không kể số được đào tạo nhưng không được biên chế nghề giáo) có bao nhiêu thầy cô chuyên chú và sống bằng nghề dạy học? 

Nếu có tổ chức nhân đạo nào bỏ công sức khảo sát, thống kê thì chắc con số đó cũng chỉ tương đương số thầy cô đang dạy thêm ngày đêm sống bằng nghề. 

Đơn giản, các thầy muốn dạy thêm được thì cần đọc nhiều, tự học nâng cao tay nghề và dạy mãi nên thuộc bài, nên giỏi mà giỏi thì nhiều trò học.

Dạy thêm nhiều ca, tiền nhiều và mệt nhiều, ngày mai đến trường thầy trò đều bơ phờ như nhau cả.

Nếu trò học thêm bừa phứa mà bỏ rơi tuổi thơ thì thầy dạy thêm cũng đánh rơi thú vui thường nhật, và đôi khi cả tình thân hữu, gia đình. 

Để sống được bằng nghề và đồng tiền dạy học, thầy cô chân chính phải đánh đổi nhiều thứ lắm, mất nhiều thứ lắm và lương tâm cũng cắn rứt lắm. 

(Tôi không dám thêm lời với những đồng nghiệp nhẫn tâm ép buộc trò và phụ huynh để có tiền dạy thêm mà báo chí chưa hoặc đã phơi ra).

Thầy ăn lương vợ, tranh thủ việc trường, làm ngoài là chính ảnh 3

Lương ít, tiền không có, thêm một mùa xuân con không về…

Theo ước đoán của tôi, khoảng trên 80% của 1,24 triệu thầy cô không sống bằng lương dạy học sẽ chuyên tâm vào nghề dạy học ư? 

Phần lớn, họ không phải môn chính cơ bản, không ở nơi phố thị, không có năng lực chuyên môn và không biết làm thêm nghề gì khác… Họ chỉ trông vào ngày đầu tháng để nhận đồng lương bé nhỏ để trang trải chi tiêu. 

Nghề họ theo đuổi không giúp họ thoát được nghèo khổ. Nhiều người chưa hiểu lắm vẫn nghĩ nhà giáo lương cao. 

Làm đến nghỉ hưu, cũng chỉ được chưa đủ 10 triệu/tháng, không có khoản gì chia thêm, tăng thêm như các ngành khác.

Giáo viên có mơ cũng không bao giờ chủ tài khoản cho đi du lịch một tua miễn phí như các ngành sự nghiệp khác!

Thầy cô không sống được bằng nghề dạy học thì làm sao có thể đầu tư thời gian, công sức để soạn bài, để tự học, để trao đổi chuyên môn và để tìm cách giúp học trò, giúp nhà trường; làm sao có những giờ dạy để đời và giúp đào tạo những công dân toàn diện cho đất nước! 

Một trăm năm trước, thầy đồ Tú Xương đã phải “ăn lương vợ” để hoàn thành thiên chức người thầy (“Thầy đồ dạy học”- Tú Xương) và nay cũng còn bao nhiêu thầy cô ăn lương vợ, ăn lương chồng để yên lòng lên lớp!?

Không thầy cô nào phủ nhận sự cao quý, trong sạch, lành hơn (ấy là so với nghề khác) của nghề dạy học nhưng thử hỏi có bao nhiêu phần trăm thầy cô yêu nghề, say mê nghề, nhịn đói chịu khổ vì nghề, khi bước ra đường, người khác giới đã ăn diện? 

Khi đến khu nghỉ mát, người ta phân biệt được ngay đoàn giáo dục với đoàn công nhân công ty. Chắc mọi người cũng đoán được ánh mắt rất cảm thông của họ.

Làm thuê nhà nước không đủ sống, lẽ tự nhiên, thầy cô cũng chỉ biết làm theo bổn phận và trách nhiệm chứ không vì sự đam mê và chuyên tâm: đến giờ, làm xong rồi về. 

Sự đãi ngộ trả công cùng nhiều vấn đề khuất lấp, tiêu cực của nhà trường và xã hội cũng tác động góp phần cho tư tưởng buông xuôi, chán nản của nhà giáo hiện nay.

Không phải lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Việt Nam muốn đến năm 2010, thầy cô lương đủ sống.

Giấc mơ đó, đến nay 2017, vẫn chỉ làm nhiều thầy cô mòn mỏi hi vọng “nếu lương đủ sống, tôi sẽ quyết tâm say mê dạy học, sẽ không làm thêm, dạy thêm”[2].

Những ai có trách nhiệm và lo lắng cho ngày nước ta “sánh vai cường quốc năm châu” hình như đã bỏ quên quy luật tất yếu của đời sống mà các nhà tư bản đã thực hiện thành công hàng trăm năm nay.

Người lao động - thầy cô giáo - phải được trả lương như người thợ tương xứng với sự đóng góp và tài năng, trí tuệ, để họ yêu nghề, trách nhiệm cao với từng sản phẩm họ tạo nên.

Thầy ăn lương vợ, tranh thủ việc trường, làm ngoài là chính ảnh 4

Vừa thương vừa giận cô giáo bị kỉ luật vì dạy thêm chui

Họ làm không chỉ vì đồng lương và còn vì sự tồn vong của sản phẩm giáo dục - CON NGƯỜI, của ngành, suy rộng ra là còn vì chế độ và quốc gia, dân tộc.

Làm nghề mà không yêu nghề, đó là nghịch lý đáng buồn. Làm nghề dạy chữ, dạy người mà chán hoặc thờ ơ thì thật là nguy cơ hiểm họa khôn lường!

Nhưng nước mắt vẫn chảy xuôi theo ước mơ xanh cổ tích!

Thầy cô giáo làm nghề gì

Sẽ rất khó tìm được câu trả lời chí lý cho cả người hỏi và người được hỏi. 
Học sư phạm, được tuyển dụng chính biên nhà nước để làm nghề dạy học, nhiệm vụ ghi rõ ở Điều 1, trong quyết định, ai không biết!

Từ khi đổi mới 1988, giáo dục nước ta cũng cải cách 2 lần (1995, 2006), nhưng chưa lần nào có chính sách để thầy cô sống bằng nghề thật sự. 

Trong nhiều văn bản quan trọng của nhà nước và của ngành, phần chăm lo đời sống giáo viên bao giờ cũng ghi vào mục thứ 4, thứ 5 gần cuối với lời lẽ rất hùng biện có thể xoa dịu hàng triệu trái tim. 

Không ai tin nhưng nghe quen cũng thích mà nếu thiếu những chữ đó, chắc là loạn to dư luận!

Mặc định, thầy cô được đào tạo sư phạm là dạy học, đã được thể chế hóa bằng số giờ, buổi lên lớp/tuần tùy theo từng cấp học và giảm tiết cho công tác kiêm nhiệm.

Thực tế, thầy cô ngoài việc trực tiếp đứng lớp vẫn còn làm nhiều việc khác. Số thầy cô không đảm nhận việc kiêm nhiệm nào chiếm gần nửa biên chế đơn vị.

Thầy ăn lương vợ, tranh thủ việc trường, làm ngoài là chính ảnh 5

Thầy môn chính dạy thêm vì lương thấp, vậy cô môn phụ sống ra sao?

Phần đông, giáo viên làm kiêm chức việc khác, có người làm ba bốn việc nên việc chính không thể là dạy học. 

Kiêm nhiệm được trừ giờ là hợp lý nhưng không có nghĩa là anh đi họp hay làm việc khác mà không dạy hết chương trình.

Người dạy thay, hầu như dạy cho xong, học trò không nể sợ, nên giờ học ấy khó đạt hiệu quả. 

Người làm việc chung trở về thường dạy dồn ép bù cho hết bài, cho kịp tiến độ, thành thử chả việc nào ra món ra miếng cả.

Ngoài kiêm nhiệm, bây giờ còn nhiều việc vô nghĩa lý khác làm khó thầy cô, lôi thầy cô ra khỏi việc chính dạy học. 

Các cuộc thi đủ loại lĩnh vực, đủ kiểu thi, đủ mục đích quan trọng và đủ để làm mệt người thầy. Thi tìm hiểu, thi chuyên môn, liên môn, thi dạy giỏi, thi giảng, thi sáng kiến kinh nghiệm…

Thi quanh năm, năm nay thi, năm sau vẫn thi như thế, năm nay làm năm sau lại làm như thế. 

Nhiều vị có sáng kiến, luân canh sáng kiến (ba bốn năm dùng lại) hoặc chỉnh sửa của đồng nghiệp tỉnh khác, nhưng vẫn tốn không ít thời giờ.

Việc gì cũng đổ xuống đầu giáo viên và học sinh: tiếp khách, lễ tân, mitting, đồng diễn, xếp hình…

Thầy thi đã đành, nhiều cuộc thi của trò, thầy cô không chỉ hướng dẫn, ôn tập mà còn trực tiếp làm thay.

Những bài đạt giải thi tích hợp liên môn, thi khoa học kỹ thuật, thi tìm hiểu…, nếu học trò tự làm thì liệu có kết quả như công bố? 

Ví dụ: sau tháng 3, thi Quốc gia Khoa học Kỹ thuật kết thúc, các thầy cô đã phải suy nghĩ chọn đề tài, thai nghén để đến tháng 6 báo cáo trường duyệt, để triển khai kịp kế hoạch năm tới.

Thầy ăn lương vợ, tranh thủ việc trường, làm ngoài là chính ảnh 6

33 năm đứng lớp chưa biết thưởng tết là gì

Quỹ thời gian dành cho việc công, ai cũng có chừng ấy. Thầy cô lao vào các việc khác, đương nhiên, thời giờ đầu tư bài soạn, bài giảng sẽ ít đi. 

Tất nhiên, những việc trọng tâm và thời vụ luôn được lãnh đạo đôn đốc sát sao hơn cả việc chuẩn bị bài vở cho tiết dạy hàng ngày.

Không ai lạ gì, để có giờ thao giảng hay thanh tra, thầy cô tiêu tốn mất nhiều giờ chuẩn bị. 

Người tư bản, tính làm ra 1 sản phẩm hết bao nhiêu giờ và làm cơ sở định giá trị của sản phẩm đó. 

Nếu tính như thế, sản phẩm của người giáo viên là chất lượng tiết dạy và học sinh tương ứng với thời gian soạn bài tranh thủ, dạy giảng qua loa, vội vã trở về với bộn bề lo toan thường nhật sẽ vô giá.

Chúng ta cảm kích và cảm thông khi được đồng nghiệp chia sẻ về Bảo hiểm, về Tư vấn, về sản phẩm, về thực phẩm chức năng…

Vì lẽ nào đó, chúng ta đã vui lòng mua giúp, tiêu thụ giúp. Thị trường làm thêm bán thời gian vài năm nay càng phát triển đã vô tình kéo thầy cô xa hơn việc chính dạy học. 

Thầy giáo hóa ra làm nghề phụ dạy học từ bao giờ không biết! 

Để thầy cô được làm nghề dạy học

Bài toán tiền công năm nào cũng được ghi rõ theo lộ trình trong văn bản nhà nước nhưng chưa thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của nhà giáo các cấp. 

Người ta bảo không có tiền trả lương nhưng số tiền tham nhũng của một quan tỉnh cũng dư tăng lương cho một huyện giáo viên vài bậc!

Thầy ăn lương vợ, tranh thủ việc trường, làm ngoài là chính ảnh 7

Việt Nam 2035 – Giáo dục và nhân lực tri thức

Bội chi ngân sách có khi phải nhờ ông Trump bên Mĩ sang giúp cắt bỏ để giáo giới được tăng lương?!

Tôi dạy học từ 1984, lương 9,5 triệu; bạn tôi 18 năm: 6,4 triệu; 7 năm: 3,86 triệu…

Thử hỏi chừng ấy trong 30 ngày đem chia cho: tiền ăn, tiền học, tiền hiếu - hỉ và chi tiêu linh tinh thì thầy cô sẽ vay ngân hàng để sống chăng?

Để tồn tại, làm thêm của người nhà nước là điều không thể tránh khỏi của những người có lương tâm, có trách nhiệm với nghề và với mình. 

Không nỡ bỏ nghề và cố làm nhiều việc để ngày mai lên lớp vẫn vui và hết mình vì học trò, vì sự nghiệp trồng người cao quý trở thành lẽ sống hôm nay của thầy cô giáo.

Trong lộ trình đổi mới giáo dục toàn diện sau 2018, nhiều giáo viên môn phụ dôi ra sẽ đi về đâu? Hàng trăm ngàn giáo viên dư thừa sẽ làm gì?

Việc tinh giản biên chế có nâng được mức sống của thầy cô hay không? Khung lương mới liệu có khả thi? 

Chúng ta hy vọng, vài năm tới, thầy cô sẽ sống được bằng lương để không phải lao vào làm việc khác như các nước khu vực Asean; lương thầy cô phải cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp.

Biên chế giáo viên chỉ làm công việc giảng dạy. Những việc kiểm tra, chủ nhiệm, giáo vụ, quản sinh, kiêm nhiệm đều có nhân viên phụ tá làm.

Bỏ hết các cuộc thi vô nghĩa, thầy cô trực tiếp hay gián tiếp phải làm. Kiện toàn và đổi mới tổ chức Kiểm định, đánh giá để đánh giá chuyên môn nghiệp vụ giáo viên khách quan và nghiêm túc qua nhiều hình thức kiểm tra định kỳ và đột xuất. 

Bỏ luôn cuộc thi giáo viên giỏi, thi tay nghề và cách đánh giá hàng năm qua phiếu. Người thầy được khẳng định qua bài sát hạch của cơ quan kiểm định độc lập, có độ tin cậy cao như nước ngoài.

Thầy cô chấp nhận ràng buộc chặt chẽ hơn về đạo đức, về chuyên môn, về kỷ luật còn hơn là mọi thứ đều lỏng lẻo, lưng chừng; tiền công rẻ mạt, sống mòn, sống thừa.

Đã đeo cái nghiệp vào thân…nhưng vẫn trách trời gần đất xa chẳng hiểu cho đời giáo Thứ (nhân vật của Nam Cao) thời nay muốn nhiều điều tốt mà không có cơ hội được làm!

Chúng ta hy vọng cơ quan tư vấn Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực 2017 giúp Chính phủ thực hiện chiến lược và chủ trương chính sách mới “dỡ bỏ” những tơ rối hiện nay để thầy cô được sống bằng nghề dạy học và chỉ chuyên chú vào dạy học mà thôi!

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Ca-nuoc-co-2221-trieu-hoc-sinh-124-trieu-thay-co-giao-post161501.gd

[2]http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20151116/bao-gio-giao-vien-song-duoc-bang-luong/1003564.html

Nguyễn Văn Lự