Khen thế, chẳng phải là khen cho chết à?

28/05/2018 06:08
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Những học sinh kia, điểm số đã có “thầy cô lo”, mai này thi thật trong kỳ tuyển sinh lớp 10, thi đại học không nói ai cũng biết “cái chết đã được báo trước".

LTS: Đưa ra những chia sẻ về căn bệnh thành tích - một căn bệnh nan y của ngành giáo dục, thầy giáo Sơn Quang Huyến đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Có câu chuyện kể rằng, một lão đi qua nhà kẻ thù của mình, lão thấy đứa con của họ leo cây, lão đứng lại khen thằng bé leo giỏi.

Được khen, thằng bé thích chí leo lên cao. Lão lại khen lấy khen để, thằng bé leo lên cao hơn và rơi xuống.

Ai chống được căn bệnh gian dối, thành tích ảo trong giáo dục?

Khen như thế, người ta gọi là “khen cho nó chết”. Vậy nên mới có câu “ai khen ta đúng ấy là bạn ta, ai khen sai ta ấy là kẻ thù của ta, chê ta đúng ấy là thầy của ta”.

Trong mấy ngày qua, tràn ngập trên mạng là những bảng điểm “siêu đẹp” của không ít học trò.

Phần đại đa số người đọc đều không tin, dù đó là sự thật, mà chỉ tin đó là kết quả của thời kỳ công nghệ số.

Sau mùa gieo cấy, xin cho, không ít nỗi niềm của giáo viên khó tỏ cùng ai. Người viết chứng kiến có không ít đồng nghiệp bần thần day dứt, cũng không ít người như vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thảnh thơi vào hè chờ vụ mùa mới.

Thằng bé leo cây, leo cao phần vì nó tự leo được, phần vì cây có cành để nó leo, nếu tỉnh trí một chút thì lão độc ác kia khó mà làm hại được nó.

Còn những học sinh kia, điểm số đã có “thầy cô lo”, mai này thi thật trong kỳ tuyển sinh lớp 10, tuyển sinh đại học thì không nói ai cũng biết là “cái chết đã được báo trước”.

Những hệ lụy nghiêm trọng của căn bệnh thành tích trong giáo dục (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh).
Những hệ lụy nghiêm trọng của căn bệnh thành tích trong giáo dục (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh).

Các bậc phụ huynh có thể có mối quan hệ nào đó để con em mình có bảng điểm đẹp cuối năm, được mọi người “trầm trồ, xuýt xoa” khen tặng.

Niềm hạnh phúc đó chỉ là thoáng chốc qua mau rồi thay vào đó là nỗi buồn mà chỉ mình mới biết.

Bệnh thành tích đang bóp méo giáo dục, chúng ta đang “khen” cho “chúng ta” chết.

Cái cần nhất cho giáo dục lúc này là thuốc chữa “bệnh thành tích”, hãy cho giáo viên quyền được tổng kết đánh giá thật, báo cáo thật.

Đừng vì thành tích mà bắt giáo viên phải “khen” con em chúng ta học tập tốt, hãy để giáo viên là “bạn”, là “thầy” thật sự của học sinh.

Sơn Quang Huyến