LTS: Từ câu chuyện của chính bản thân mình, tác giả Thu Loan đã gửi đến Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam bài viết của mình, thông qua đó tác giả muốn gửi gắm một thông điệp ý nghĩa đến tất cả các bậc phụ huynh "hãy bên con, hiểu con và chia sẻ cùng con".
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
32 tuổi, tôi bắt đầu đăng kí 1 lớp học vẽ sơ cấp tại cung thiếu nhi tỉnh. Có lẽ khi mới nghe tới đây, nhiều người sẽ nghĩ rằng, tôi đăng kí lớp học vẽ này cho cậu con trai, nhưng điều đặc biệt bởi tôi đăng kí cho mình chứ không phải cho con.
Bé thích vẽ lắm nhưng con còn nhỏ quá (31 tháng tuổi) nên chưa có chỗ nào nhận dạy trẻ học vẽ ở tầm tuổi đó cả. Là một người mẹ có thể tự chủ về thời gian trong ngày nên tôi quyết định mình sẽ đi học thay con, một điều nghe thật nhẹ nhàng, nhưng không ít chông gai.
Hình ảnh minh họa cho việc học tập của các con (Ảnh: thethaovanhoa.vn) |
Trong hồi ức còn sót lại, tôi rất thích được tập tô, tập vẽ, nhưng do hoàn cảnh gia đình sống ở vùng nông thôn nghèo, thời kì chỉ đủ ăn là tốt lắm rồi chứ mơ mộng gì đến các lớp học vẽ, học đàn...
Lúc còn nhỏ, tôi dừng lại ở cấp độ thích được vẽ; rồi vào cấp 1 được học chữ, học đếm, học cộng trừ nhân chia; vào cấp 2 thì học thêm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý... và đến cấp 3 là học sao cho đỗ đại học.
Vậy nên, khả năng của tôi chỉ dừng lại ở mức thích vẽ chứ không thể vẽ nổi một bức ra hình. Chỉ cần vẽ xong, một là tôi xóa ngay nếu nó ở bảng, hai là vo tròn luôn nếu "bức họa sống động" kia được vô hình đưa nét trên trang giấy.
Nhưng có lẽ, cuộc sống luôn bắt ta phải tự rèn luyện để cuộc sống của mình được tốt đẹp hơn, thú vị hơn và hoàn thiện hơn. Và, có lẽ, khả năng vẽ vời của tôi sẽ mãi dừng ở mức xấu hay đẹp thôi nếu như tôi không có con, không làm mẹ.
Việc cho con trẻ học vẽ, biết vẽ sẽ đơn giản hơn khi các gia đình có bố mẹ hoặc ai đó biết vẽ, nhưng với tôi mọi khó khăn sẽ nhân lên gấp đôi bởi tôi là bà mẹ đơn thân phải nuôi con một mình.
Trăm sự nhờ thầy, vậy khi nào thì mẹ cũng là cô giáo? |
Khi mình vẽ con gà nhưng nó lại giống một con chim bị dị dạng thì làm sao có thể dạy cho con? Trong khi đó, giáo dục mầm non bây giờ, các cô giáo chỉ đủ thời gian trông trẻ, cho trẻ ăn, cho trẻ chơi; giáo dục tiểu học thì quá áp lực từ việc dạy chữ, rèn nét chữ đến đoán nết người…
6 tuổi trẻ phải vào lớp một, đây là bước đi quan trọng trước ngưỡng cửa cuộc đời của các con. Mỗi ngày con sẽ học 8 tiếng tại trường - chưa kể thời gian học thêm vào buổi chiều, buổi tối hay ngày nghỉ, vậy các con chơi vào lúc nào? Chúng ta, sẽ chơi với con như thế nào?
Có chăng, chúng ta chỉ có thể chơi với con vào mỗi sáng sớm trước khi con đi học và buổi tối trước lúc con lên giường. Ngày nghỉ cuối tuần, chúng ta phải cắm mặt vào dọn dẹp nhà cửa, nội trợ rồi mua sắm…
Đã bao giờ chúng ta tự hỏi, tại sao trẻ con mầm non đi học mà phải kì kèo, mặc cả với bố mẹ từ tối hôm trước là ngày mai cho con nghỉ ở nhà, hay mai cô giáo ốm rồi mẹ ơi...Đó là những biểu hiện nhẹ nhàng nhất cho việc bé không thích đến trường, nhưng nặng hơn nữa là khóc lóc, lăn lộn… nhất quyết không đi lớp.
Nếu ai không hiểu chuyện sẽ nghĩ rằng mình vừa bạo hành con, nặng hơn nữa là sẽ bị chặn xe, hỏi rõ lí lịch xem có đúng là phụ huynh của bé hay không, nếu phụ huynh nào nóng giận không chứng minh, giải thích hay nói rõ ràng sẽ bị liệt vào danh sách “kẻ bắt cóc trẻ em”.
Trẻ thơ với trí tưởng tượng siêu phàm, nếu có phần mềm hay công nghệ chụp chiếu để đi sâu vào trí não của các bé, tôi nghĩ rằng, tất cả các bé đều trở thành những nhà thiên tài trên mọi chủ đề, lĩnh vực…
Có thể, từ thiên nhiên hoang dã của những chú hươu cao cổ, ngựa vằn, sư tử cho đến thế giới cổ đại khủng long bạo chúa. Rồi đến thế giới đại dương mênh mông kì bí của những chú cá heo, cá mập, chưa kể đến thế giới côn trùng... rồi đến khoa học viễn tưởng bay lên mặt trăng, người nhện siêu phàm bắn súng bằng ngọn... rau muống…
Thế giới người lớn của chúng ta liệu có được muôn màu muôn vẻ, đầy ắp âm thanh, hình ảnh, trải dài trên mọi lĩnh vực như vậy? Làm sao chúng ta có thể tưởng tượng được những điều lý thú đó? Nếu có cũng chỉ là những câu chuyện quá logic, 1 chủ đề nhất định, quá cứng nhắc, lối mòn.
Giá như, người lớn chúng ta có thể chụp chiếu, rồi viết ra những câu chuyện được tưởng tượng trong suy nghĩ của các con, thì có lẽ, thế giới văn chương kia sẽ có nhiều, rất nhiều tác phẩm bất hủ, những tác phẩm khiến ta phải cười, phải khóc và phải suy ngẫm, phải học tập. Đó cũng là lý do thôi thúc tôi đăng kí 1 lớp học vẽ cơ bản ở cái tuổi 32 này.
Cô giáo dạy vẽ sợ tôi sẽ nghỉ giữa chừng vì các bạn học của tôi chỉ là những bé học sinh cấp một, bởi “Cô chưa từng dạy học sinh nào đi học vẽ để về dạy cho con cả. và không phải tất cả các phụ huynh đều biết vẽ cơ bản, thậm chí có rất nhiều phụ huynh còn vẽ rất xấu, xấu hơn con rất nhiều, nhưng chưa có ai đi học để về dạy con”.
Nhà giáo Phạm Toàn và chuyện Tôi đi học |
Chưa ai đi học vẽ để về dạy con hay sao? Chưa ai cố gắng học tiếng anh để dạy con hay sao?
Chưa ai cố gắng dành thời gian đọc sách chỉ để kể cho con nghe những câu chuyện hay sao?
Vậy thì khi nói chuyện hay chơi với chúng, chúng ta sẽ nói chuyện gì?
Dù còn nhỏ, nhưng các con đã bắt đầu có tư duy, việc làm mẹ đã khó, làm mẹ thông minh, sống tình cảm còn khó hơn rất nhiều.
Một vấn đề đặt ra, phải chăng hiện nay, phụ huynh chúng ta đã quá phó mặc con cái cho chính các thầy cô giáo. Vậy có thực sự tốt? Dù là vấn đề dễ nhất như vẽ những con vật xung quanh hay khó hơn là việc ta phải dạy con sống, suy nghĩ, nhận thức ra sao?
Tôi lo lắng vô cùng, liệu tôi có thể đồng điệu với các bạn nhỏ đó trong những bức vẽ đồng đội, vẽ thiên nhiên hay cảnh vật; liệu một người trưởng thành như tôi có thể vượt qua khóa học khó khăn nhưng đầy ý nghĩa này...
Nhưng chắc chắn một điều, sau khóa học khó khăn này, tôi sẽ có thêm kinh nghiệm để hiểu về con trẻ, và hơn ai hết tôi sẽ dạy cho con của mình vẽ được “con gà” như tôi mong muốn.
Bạn có thể vẽ lên những câu chuyện tưởng tượng của mình khi bạn cảm thấy thoải mái nhất và khi được ở bên những người yêu thương, cảm xúc và trí tưởng tượng của bạn sẽ được thăng hoa.
Gửi đến con yêu dấu của mẹ một lời xin lỗi. Xin lỗi con vì mẹ đã không dành thật nhiều thời gian của mình để chơi đùa, học tập, lắng nghe và chia sẻ cùng con.
Cuộc đời chúng ta có lẽ sẽ phải học thật nhiều điều và mẹ cũng vậy, có quá nhiều thứ mẹ cần phải học hỏi, mẹ sẽ cố gắng từ những điều nhỏ nhất để mẹ có thể hiểu và yêu con nhiều hơn.