LTS: Các cuộc tranh luận về triết lý giáo dục đã có từ nhiều năm nay. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14, các đại biểu cũng đề cập đến vấn đề này.
Có ý kiến cho rằng, giáo dục nước ta đang thiếu triết lý tiến bộ dẫn dắt và các triết lý giáo dục được nêu ra thì không cụ thể hóa được vào trong các điều luật của dự thảo Luật Giáo dục.
Để có góc nhìn sâu sắc về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
Theo ông Dong, không thể có triết lý chung cho mọi người hoặc mọi cộng đồng.
Riêng cá nhân ông Dong chia sẻ, ông theo đuổi triết lý giáo dục là học để làm người.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin đăng tải quan điểm triết lý giáo dục nhân văn này của Giáo sư Dong.
Ông Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội khuyến học Việt Nam (ảnh nguồn báo vov). |
Học để làm người
Là một người có cả sự nghiệp gắn liền với ngành giáo dục, ông có cho rằng nền giáo dục chúng ta đang thiếu triết lý và bản thân ông có theo đuổi triết lý giáo dục nào không?
- Giáo sư Phạm Tất Dong: Triết lý là những điều được rút ra từ những trải nghiệm trong cuộc sống, được khái quát lại thành quan điểm sống của con người hoặc của cộng đồng, trở thành kim chỉ nam cho các hành động và hoạt động.
Như vậy, không thể có triết lý chung cho mọi người hoặc mọi cộng đồng. Tôi hành động theo triết lý mà tôi đặt niềm tin vào nó.
Cũng như vậy, triết lý của cộng đồng này không là triết lý của cộng đồng khác.
Do vậy, cuộc tranh luận về triết lý sẽ không có hồi kết nếu như người này muốn áp đặt quan điểm của mình lên người không đồng tình.
Bây giờ nói về triết lý giáo dục. Có rất nhiều người đưa ra các triết lý giáo dục theo cách hiểu riêng của mình.
Tôi không có sự bình luận - tôi chỉ coi điều mà tôi tâm đắc và làm theo trong công tác giáo dục là HỌC ĐỂ LÀM NGƯỜI.
Như ông trao đổi, triết lý giáo dục mà mình theo đuổi là “học để làm người”, vậy ông có thể phân tích thêm về triết lý giáo dục này được không?
- Gia sư Phạm Tất Dong: Đây là triết lý giáo dục mà từ ngàn năm trước ông cha ta đã đúc kết những kinh nghiệm thực tế thành mệnh đề quan trọng này với ý nghĩa hết sức sâu xa.
Bản thân tôi thấy đây là quan điểm mà tôi cần coi là kim chỉ nam cho sự phấn đấu, tu dưỡng của mình.
Vào cuối thập kỷ 50 của thế kỷ trước, tôi học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Các thầy Nguyễn Hữu Tảo và Nguyễn Lân đã có nhiều bài giảng rất thú vị về triết lý giáo dục của các nền giáo dục cổ đại, trung đại và hiện đại.
Tôi suy nghĩ nhiều về nội dung các bài giảng này. Một lần, đồng chí Lê Duẩn đến nói chuyện với sinh viên.
Đồng chí có nói một ý về triết lý giáo dục của ông cha ta: Ngày xưa, các bậc cha mẹ, giàu cũng như nghèo, đều dắt con đến nhà thầy giáo, xin thầy cho con mình dăm ba chữ thánh hiền để chúng làm người.
Tôi vô cùng thích thú với điều này, bởi một lí do đơn giản: cá nhân tôi đã quá vất vả trong học tập mới có vinh dự được ngồi trên ghế nhà trường đại học, mà qua 2 khóa học kế tiếp nhau (khoa Toán và khoa Tâm lý - Giáo dục), tôi cảm thấy càng học thì càng hiểu tri thức của mình hết sức hạn hẹp.
Khi bắt tay vào nghiên cứu những vấn đề xã hội học tập, có lần tôi đọc Jacques Delors, thấy ông nêu lên 4 trụ cột giáo dục, trong đó, trụ cột quan trọng nhất mà ông xếp ở hàng cuối như một đỉnh cao của quá trình học tập suốt đời là Learning to be mà tôi hiểu là Học để làm người.
Ông Jacques Delors cùng nhiều vị trong Ủy ban Quốc tế về giáo dục thế kỷ XXI như Isao Amagi (Nhật Bản), Robeto Carneiro (Bồ Đào Nha), Fay Chung (Zimbabwe), Bronislaw Geremek (Ba Lan), Machael Manley (Jamaica), Marisela Padrón Quero (Venezuela), Karan Singh (Ấn Độ), Rodolfo Stavenhagen (Mexico), Myong Won Suhr (Hàn Quốc) v.v... đã khẳng định rằng, dừng việc học lại thì sự nghiệp của con người sẽ an bài.
Học tập suốt đời
Cá nhân tôi thích thông điệp “dừng việc học lại thì sự nghiệp của con người sẽ an bài”. Theo ông, vậy chúng ta cần phải hành động như thế nào để không bị lạc hậu hay dẫm chân tại chỗ?
- Giáo sư Phạm Tất Dong: Chỉ có học suốt đời thì những năng lực tiềm ẩn trong ta mới bộc lộ ra ngoài.
Con người vốn nhiều năng lực hơn ta tưởng nên khi chết đi, thường sẽ mang theo nhiều năng lực chưa có cơ hội được phát huy.
Vì thế, học tập chính là con đường để làm bung ra cái kho báu gồm rất nhiều năng lực của con người chưa được khai thác.
Chỉ có điều, ngày xưa có thể học dăm ba chữ để làm người, còn ngày nay, học dăm ba chữ thì thất nghiệp, sẽ bị đẩy ra khỏi dòng chảy của văn hóa và văn minh nhân loại.
Vì thế, tôi hiểu rằng, triết lý học để làm người sẽ được diễn đạt theo cách hiểu của thời đại là học suốt đời để làm người.
Tôi đã bước sang tuổi già, trước hoàng hôn của cuộc đời, tôi thấy mình phải học nhiều hơn lúc còn trai trẻ, bởi sự lão hóa thân thể sẽ làm lão hóa bộ não, tức là sẽ làm ta rơi vào tình trạng lão hóa trí tuệ, lão hóa tư duy.
Tôi không muốn rơi vào hoàn cảnh ấy, cố gắng học hỏi sao cho trong cái bộ khung thân thể đang cỗi dần, tư duy của mình vẫn trẻ và khỏe so với thời đại.
Ngồi bên ly cà phê nóng với mấy ông bạn già, họ thường nói: ông ơi, làm việc gì nhiều vậy, nghỉ đi cho khỏe!
Tôi cảm ơn họ và thường nói: tôi học tập qua công việc chứ đâu có làm việc kiếm sống.
Tôi học tập chí ít cũng để trở thành một con người già cả có đủ sức thích ứng với xã hội hiện đại, dù đó là xã hội hậu công nghiệp, xã hội công nghệ, xã hội tri thức, xã hội thông minh.
Ngày xưa, René Descartes có câu nói bất hủ: “Tôi tư duy nên tôi tồn tại”. Tôi coi đó là một Minh triết.
Mượn ý của ông, tôi muốn nói về triết lý giáo dục mà tôi tâm niệm: “Chúng ta học tập nên chúng ta tồn tại”.