LTS: Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn Trung học Phổ thông Quốc gia 2017 có nhiều điểm cải cách, đổi mới.
Thầy giáo Nguyễn Văn Lự (giáo viên môn Ngữ văn Trung học Phổ thông Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) có bài viết chia sẻ kinh nghiệm trong việc lựa chọn viết đoạn văn ngắn 200 chữ hay nghị luận xã hội 600 chữ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Nếu được lựa chọn, bạn sẽ chọn viết đoạn văn ngắn 200 chữ theo cấu trúc đề thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2017 hay viết bài văn nghị luận xã hội 600 chữ?
Nhưng viết như thế nào khi đề bài theo hướng mở, tự do bày tỏ hiểu biết thực sự làm thầy và trò hiện nay lo lắng?
Đoạn văn nghị luận
Theo định nghĩa, đoạn văn là một phần của văn bản, diễn đạt tương đối trọn vẹn một nội dung.
Về hình thức, đoạn văn bắt đầu từ chữ viết hoa, lùi đầu dòng và kết thúc là dấu chấm câu xuống dòng.
Cấu trúc đoạn văn đảm bảo 3 phần liền mạch: mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn.
Các câu trong từng phần được liên kết chặt chẽ.
Đoạn văn có thể trình bày theo nhiều cách lập luận: diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, song hành hay móc xích; đoạn văn so sánh, giải thích, tương phản, tự sự, thuyết minh hay nghị luận…
Các câu đều hướng về làm rõ chủ đề của đoạn.
Hướng dẫn giải đề thi minh họa môn Ngữ Văn 2017. |
Không ít giáo viên dạy Ngữ văn và học sinh ngộ nhận đoạn văn là một bài văn ngắn.
Bài văn ngắn, hoàn toàn khác đoạn văn ở tính hoàn chỉnh về nội dung.
Nếu bài văn ngắn, có mở bài, thân bài và kết bài, kiến giải khá hoàn chỉnh về một vấn đề bàn luận, từ việc nêu vấn đề đến giảng giải khái niệm, phân tích biểu hiện và đánh giá vấn đề thì đoạn văn chỉ giữ vai trò giảng giải một luận điểm - một ý nào đó của vấn đề gồm nhiều luận điểm.
Một bài luận, dù ngắn 200 hay 400, 600 chữ gồm nhiều đoạn văn nhưng một đoạn văn ngắn có thể gồm 3 câu đến hàng trăm câu.
Thời gian 120 phút, đề thi Ngữ văn 2017 muốn thí sinh hoàn thành phần đọc hiểu 4 câu (3 điểm) và câu 2 viết đoạn ngắn (2 điểm), dành nhiều thời gian viết câu 3 nghị luận văn học (5 điểm).
Đề thi minh họa Ngữ văn 2017 ngắn nhưng khó! |
Mục tiêu của đề thi Ngữ văn hướng tới việc thí sinh hiểu và diễn đạt sự hiểu đó càng mạch lạc, trôi chảy và đúng nội dung càng điểm cao.
Thí sinh chỉ cần làm rõ sự hiểu về một khía cạnh, một luận điểm mà đề gợi ra từ phần đọc hiểu đã suy nghĩ trả lời.
Một đoạn văn khoảng 200 chữ tương đương khoảng 20 dòng, nửa trang giấy thi hoặc ngắn hơn vẫn được chấp nhận, miễn là thí sinh hiểu và viết rõ ràng, chặt chẽ đã đạt điểm trung bình.
Đoạn văn bài thi 2017 không thể phân tích dẫn chứng hay giải thích từ ngữ, khái niệm hoặc bàn luận dài dòng mà cần bộc lộ năng lực nhận thức và trải nghiệm về vấn đề rất cụ thể của cuộc sống đặt ra trong câu hỏi.
Viết đoạn văn nghị luận
Hiểu đúng và trúng nội dung vấn đề gợi ra từ câu hỏi đọc hiểu, thí sinh cần dự kiến trình bày đoạn theo cách diễn dịch, quy nạp hay tổng – phân – hợp…
Xác định câu chủ đề của đoạn từ gợi ý của câu hỏi hoặc lấy ngay câu của đề làm câu chủ đề (nếu có).
Các câu tiếp sau sẽ cụ thể, chi tiết và làm rõ các khía cạnh, biểu hiện của luận điểm.
Thí dụ, sơ đồ cấu trúc một đoạn gồm 20 câu: câu 1 (nêu chủ đề đoạn văn); các câu 2 đến câu 18 (các biểu hiện, cảm xúc, diễn biến…); câu 20 (tổng quát vấn đề).
Cách dễ làm nhất là đặt và trả lời câu hỏi, suy nghĩ tìm từ ngữ và liên kết câu để diễn đạt ý hiểu thành câu chặt chẽ.
Vì sao chấm bài thi Ngữ văn quốc gia bị chênh điểm? |
Vấn đề này là gì? Hiểu như thế nào? Biểu hiện của vấn đề? Tại sao lại hiểu như vậy? Hãy bình tĩnh viết ra điều mình hiểu, nội dung và từ ngữ sẽ dần lộ ra rõ ràng hơn.
Học sinh khá giỏi có thể chọn viết theo đoạn tự sự, nghị luận hay so sánh, phản bác hoặc nêu giả thiết, đòn bẩy, vấn đáp hay nhân quả… để tạo lập đoạn văn theo sở thích và năng lực.
Viết đoạn theo yêu cầu của đề, không dài quá, chi tiết quá nhưng cũng không ngắn quá.
Đoạn văn cần viết theo các trình tự: diễn biến sự việc, theo thời gian, không gian hay từ dễ đến khó, gần đến xa; từ trong ra ngoài; từ nội dung đến hình thức… nhằm tạo nên sự chặt chẽ, thuyết phục.
Điểm nội dung (1,5 đ), thí sinh bày tỏ hiểu biết trong phạm vi một đoạn văn không cần phân tích dẫn chứng hay bàn luận sâu; với 0,25 điểm dành cho bố cục, trình bày đoạn và 0,25 điểm dành cho dùng từ, viết câu và chính tả. Thí sinh viết nháp, chỉnh sửa, bổ sung rồi hãy viết vào bài thi hoàn thiện. Tuyệt đối không viết luôn vào bài, tránh nhầm lẫn, tẩy xóa lung tung.
Phút 89, thầy giáo dặn dò để thí sinh thi đạt điểm cao |
Hãy bắt đầu bằng những câu văn đơn giản, đúng ngữ pháp; dùng từ chọn lọc và chuẩn xác để bày tỏ hiểu biết về những điều gần gũi, dễ viết.
Ví như viết đoạn văn từ câu chủ đề: “Giúp đỡ bạn trong học tập như thế nào”, “Nghị lực của bạn”, “Môn học nào hứng thú nhất?”…
Viết vài lần, học trò sẽ quen và biết viết đoạn nghị luận phức tạp hơn, trìu tượng hơn.
“Văn ôn, võ luyện”.
Viết đoạn văn cũng cần kiên trì và quyết tâm; tập viết và viết nhiều lần, viết và rút kinh nghiệm sẽ được đoạn văn đúng, đoạn văn hay và hấp dẫn.
Chúc các thí sinh viết thành công ngay từ những đoạn văn nghị luận đầu tiên của mình!
Tài liệu tham khảo:
[1] http://images.tuyensinh247.com/picture/2016/1006/dap-an-van.pdf