Vì sao chấm bài thi Ngữ văn quốc gia bị chênh điểm?

16/07/2016 07:37
Nguyễn Văn Lự
(GDVN) - Điểm bài thi tự luận Ngữ văn thường có tỉ lệ chênh điểm nhiều nhất và đôi khi điều đó đã làm thiệt cho thí sinh.

LTS: Theo Thông tư số 02/2016/TT-BGDĐT trong Kỳ thi THPT quốc gia 2016, việc chấm một bài thi do hai giám khảo chấm độc lập nhau ở hai phòng, thư ký tổng hợp và so vênh điểm, sau đó giám khảo tiếp tục trao đổi và thống nhất điểm. 

Đối với môn Ngữ văn, nhất là phần tự luận, những thay đổi về hình thức chấm thi trong năm nay đã khiến nhiều bài thi Ngữ văn THPT quốc gia cho ra hai kết quả điểm khác nhau dưới sự chấm thi của hai giám khảo trong hai vòng.

Vì sao có sự chênh lệch điểm này? Thầy Nguyễn Văn Lự đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi tới quý độc giả!

Công tác chấm thi THPT quốc gia 2016 đang hoàn tất. Việc chấm thi chênh điểm giữa cặp giám khảo thể hiện việc chấm bài độc lập, hai vòng nghiêm túc nhưng cũng còn nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác.

Điểm bài thi tự luận Ngữ văn thường có tỉ lệ chênh điểm nhiều nhất và đôi khi, điều đó đã làm thiệt cho thí sinh. 

Đề thi và hướng dẫn chấm mở!

Tiếp tục đổi mới về hình thức thi và tuyển sinh, Kỳ thi THPT quốc gia 2016 đã được đánh giá cao, đáp ứng hầu hết các mục tiêu và phù hợp đối tượng, giúp tiết kiệm chi phí gia đình học sinh và ngân sách Nhà nước. 

Vì sao chấm bài thi Ngữ văn quốc gia bị chênh điểm? ảnh 1

Thầy giáo gợi ý lời giải môn Ngữ văn trong kỳ thi quốc gia 2016

(GDVN) - Thầy giáo Nguyễn Văn Lự dạy tại trường THPT Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc có gợi ý lời giải đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi quốc gia 2016.

Đề thi Ngữ văn theo hướng mở và hướng dẫn chấm mở tiếp tục nhận được sự đồng tình của dư luận.

Tuy nhiên, không có hướng dẫn, gợi ý cụ thể nào cho hai giám khảo chấm cùng một bài thi khiến nhiều bài thi bị chấm lệch điểm nhau trong hai vòng chấm và sau đó cần trao đổi, thống nhất lại.

Việc chấm hàng loạt bài thi đa dạng mà vẫn đảm bảo tính khách quan, công bằng và chính xác là một thách thức lớn với đội ngũ giám khảo Ngữ văn.

Theo Tiến sĩ Mai Văn Trinh: “Nếu cách hiểu và lý giải hợp lý, không phạm thuần phong, mỹ tục và pháp luật Việt Nam thì vẫn cho điểm”.

Đáp án chấm thi môn Ngữ văn cần vận dụng một cách linh hoạt tại nhiều điểm, như:

Tại đáp án câu 1, phần I môn Ngữ văn THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT cho biết: "Những từ ngữ thể hiện sự tinh tế và mượt mà của tiếng Việt: vẹn tròn, vầng trăng cao, đêm cá lặn sao mờ, bùn, lụa, óng tre ngà, mềm mại như tơ. (Thí sinh chỉ cần chỉ ra 02 từ ngữ trong các từ ngữ trên)" là có thể đạt số điểm tối đa - 0,25 điểm của câu này.

Tương tự, trong câu 2, phần I thí sinh chỉ cần nêu ra hai trong số các biện pháp tu từ: so sánh, liệt kê, điệp, ẩn dụ là được tiếp 0.25 điểm. Nhưng nếu thí sinh chỉ ra các biện pháp tu từ đúng khác nhưng không có trong đáp án thì tính như thế nào, đáp án lại không chỉ rõ.

Chấm thi trong phần tự luận lại càng khó vì các ý chấm trong đáp án rất chung chung, yêu cầu cho điểm riêng phần hình thức và nội dung nhưng thực tế, trừ chép văn mẫu ra còn lại bài làm của thí sinh rất đa dạng và sáng tạo.

Có bài dài lê thê, nghĩ gì viết nấy, có bài lại ngắn cũn và ngô nghê, có bài chữ viết như chữ Lào – Thái, có bài đọc lại cảm động đến rơi nước mắt…

Giáo viên chấm thi nếu thương thì đọc kỹ mà đọc lướt thì tội nghiệp cho trò; chấm sai lệch nhiều thì chịu kỉ luật còn chấm chậm thì bị chê cười; chấm nhanh thì lại bị nhắc nhở.

Thí sinh làm bài thi (Ảnh: Văn Lự).
Thí sinh làm bài thi (Ảnh: Văn Lự).

Đội ngũ giám khảo

Được chọn làm giám khảo kì thi quốc gia không chỉ là vinh hạnh cho cá nhân giáo viên mà còn là của nhà trường tuy nhiên việc chấm thi cũng không phải chuyện dễ.

Họ phải viết và ký đến rã rời tay, tròn mắt cộng điểm từng ý và căng đầu như dây cót khi bước vào phòng chấm; yêu cầu chấm độc lập mà phải đảm bảo thời gian tạo áp lực rất lớn, cũng vì thế mà có rất ít người xung phong đi thực hiện nhiệm vụ này.

Vì sao chấm bài thi Ngữ văn quốc gia bị chênh điểm? ảnh 3

Đề Ngữ văn gây tranh cãi

(GDVN) - Khi kết thúc môn thi Ngữ Văn kỳ thi THPT quốc gia 2016, đề thi trích đoạn thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ được cho là có sự nhầm lẫn và đang gây xôn xao dư luậ

Phần lớn giám khảo được chọn theo tiêu chí năng lực chuyên môn và kinh nghiệm. Năm 2016 đã có những ban chấm thi có sự phối hợp giữa giảng viên Đại học, Cao đẳng với các giáo viên THPT nhưng để chọn được những người giỏi cũng vẫn là chuyện rất khó. 

Trong khi chấm, sự không đồng đều về trình độ giữa giảng viên, Tiến sĩ, Thạc sĩ với giáo viên phổ thông dễ dẫn đến quan điểm chấm khác nhau cũng như chấm vênh điểm.

Trong trường hợp này, nếu giáo viên chủ động phản biện thắng để bảo vệ quan điểm của mình thì sẽ lấy điểm theo cách chấm của mình, còn lại khoảng 80% số bài thi sẽ được chia trung bình số điểm của những người chấm.

Như vậy, sẽ rất thiệt thòi cho bài thi nào có điểm chấm chênh ở mức C (trên 2 điểm) mà không đồng thuận được sẽ phải lấy trung bình điểm cộng của ba giám khảo.

Ngoài ra, năng lực chuyên môn, sức khỏe và tâm trạng của mỗi giám khảo cũng là nguyên nhân của những sai lệch điểm. 

Áp lực chấm bài

Việc chấm thi của giáo viên cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ định hướng của cấp trên. Khi thì cần chấm một cách linh hoạt, tránh thiệt cho học trò; khi thì cần “gạn đục khơi trong”, coi như với con em; khi lại cần chấm sát, cấm đúng, chấm đều tay…

Vì sao chấm bài thi Ngữ văn quốc gia bị chênh điểm? ảnh 4

Những lưu ý về chấm thi và công bố kết quả thi

(GDVN) - Ngày 5/7, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký công văn số 3279/BGDĐT-KTKĐCLGD nhằm chỉ đạo công tác chấm thi, công bố kết quả thi quốc gia 2016.

Việc giao khoán số bài chấm phải hoàn thành trong một buổi khiến giáo viên chấm thi phải chạy đua với thời gian. 

Người nào non tay, ít kinh nghiệm (không nắm được bí quyết đọc bài, ghi phiếu chấm và cách ký bài…) sẽ khó tránh khỏi mắc lỗi; giám khảo nào không nhớ đáp án, thiếu bản lĩnh, kiến thức không chuẩn dễ dẫn đến chấm ẩu, chấm vội cho kịp tiến độ. 

Có giám khảo chọn tập bài mỏng nhưng những bài này lại cần đến sự linh hoạt khi đánh giá; cũng có người vừa sợ bị nhắc nhở và kỷ luật lại vừa bảo thủ, cứng nhắc khi thống nhất điểm, đặc biệt bài điểm lệch C, đã làm cho việc chấm bài thêm căng thẳng…

Năm 2016, theo Thông tư 02/2016/TT-BGDĐT việc chấm lại 5% bài thi của thanh tra chấm cũng là áp lực cho việc chấm thi nghiêm túc và công tâm hơn.  
Làm sao để hạn chế chấm chênh điểm?

Trước hết, Bộ GD&ĐT cần có đánh giá chuẩn và khách quan về tổ chức thi và chất lượng coi, chấm thi để có những quy định phù hợp. 

Lựa chọn đội ngũ giám khảo chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và thạo việc, không nhất thiết phải theo tỉ lệ 1:1 (một cán bộ giảng viên Đại học và một giáo viên phổ thông).

Vì sao chấm bài thi Ngữ văn quốc gia bị chênh điểm? ảnh 5

Các cách và nơi xem kết quả thi quốc gia, lộ trình xét tuyển đại học cao đẳng

(GDVN) - Theo Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: Năm nay, tất cả các hội đồng thi đều có trách nhiệm công bố kết quả thi.

Chế độ trả công cần tương xứng và công khai! Trong số tiền trả công 18.000 đồng/bài tự luận, 4.000 đồng/bài trắc nghiệm (Công văn ngày 26/5/2016 của Bộ GD&ĐT), hiện nay người chấm chỉ được nhận tiền mà không biết được hưởng bao nhiêu trong định mức trên.

Không giao khoán hay tăng dồn bài trong những buổi cuối đồng thời sự động viên và quan tâm của cán bộ coi thi cũng rất cần thiết giúp giải tỏa sức khỏe tâm lý giám khảo. 

Nêu cao tinh thần trách nhiệm và lương tâm người chấm thi, thận trọng và nghiêm túc vận dụng đáp án và thang điểm sẽ giúp giám khảo giảm dần tình trạng chênh lệch điểm bài thi.

Việc hạn chế chấm điểm lệch trong cặp chấm thi cũng là việc làm nhân văn của mỗi giám khảo trong kỳ thi quan trọng nhất đời mỗi học sinh này.

Nguyễn Văn Lự