Xung quanh câu chuyện bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Cảnh, ông Cảnh từng có 16 năm kinh nghiệm quản lý và xây dựng chính sách cho các Chương trình Đào tạo và Phát triển Nguồn Nhân lực tại Bang Massachusetts (Mỹ), và hơn 10 năm làm công tác tư vấn cho đại học Harvard trong công tác tuyển sinh cấp cử nhân.
Ông Cảnh nói, có thể một vài năm tới nên hạn chế nguồn lực đi xuất khẩu lao động và cần tập trung xây dựng và phát triển nguồn lao động cho công việc ngay trong nước. Chúng ta đang gặp bế tắc, tất nhiên tôi nói ở đây gồm cả góc độ kinh tế chứ không nhất thiết phải là giáo dục. Tôi nghĩ chúng ta còn phát triển hơn thế nếu như những năm 1990 chúng ta tận dụng cơ hội tốt và việc gia nhập sâu vào kinh tế thế giới chứ không chỉ phải đợi tới năm 2007 mới gia nhập WTO.
Một môi trường làm việc, kinh doanh thuận lợi sẽ thu hút được nguồn đầu tư. Một số công ty lớn của Nhật Bản hiện nay đang có xu hướng rút dần khỏi Trung Quốc vì họ nhận thấy môi trường ở đó không còn hấp dẫn, một phần do chi phí đầu tư cao, và nguy cơ hai nước có thể dẫn đến xung đột , và không một công ty lớn nào dám “bỏ hết trứng vào một rổ”.
Ông Trần Đức Cảnh. Ảnh Xuân Trung |
Việt Nam có 90 triệu dân, đang ở vào một vị trí tuyệt vời để Nhật Bản và các nước khác vào đầu tư, nhưng tại sao không vào Việt Nam mà các công ty lớn của Nhật lại xuống Indonesia? Lý do hoàn toàn ở chính mình, tất cả đều gắn với phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính và nâng cấp đầu tư hạ tầng.
Học nước ngoài về không có môi trường ứng dụng
Ông làm việc ở Mỹ khá dài, theo ông nguồn nhân lực ở nước này được xây dựng ra sao?
Ở Mỹ, mọi vấn đề về nền tảng cơ bản đã có từ lâu, một xã hội có nề nếp tốt. Tính sáng tạo của người Mỹ cao, họ khuyến khích sáng tạo để thay đổi, vượt hơn cả Châu Âu. Từ sáng tạo đã mở cửa cho nhiều thứ khác, chấp nhận cái mới, thay đổi và mang tính ứng dụng tốt hơn.
Nguồn nhân lực ở đây được tổ chức ở các cấp học, ở Mỹ có tới 88% người tốt nghiệp trung học. Cơ sở giáo dục có thể thay đổi, cập nhật liên tục (thực tiễn) để thích ứng với môi trường và nhu cầu mới, mô hình tổ chức và trách nhiệm giáo dục công lập từ mẫu giáo đến lớp 12 nằm ở cấp địa phương. Cử tri địa phương bầu trực tiếp hội đồng trường, chính cách đó được tiếp cận gần gũi và thực tế, không có chính sách trên trời như ở mình.
Ngân sách hoạt động cũng nằm ở địa phương, do chính quyền địa phương thu thuế và chi cho hoạt động giáo dục và các chi phí cơ bản như cảnh sát, chửa lửa ..
Thực trạng “chảy máu” nguồn nhân lực của chúng ta là có, với quan sát của ông thì các nước khác có tình trạng này không? Sinh viên du học có trở về nước làm việc?
Trong bối cảnh kinh tế và xã hội của Việt Nam hiện nay, tốt nghiệp bằng cử nhân nước ngoài, đặt biệt là từ Mỹ rất khó ứng dụng, bởi khi về nước tính ứng dụng rất kém, vì họ được đào tạo theo mô hình, logic và tư duy quá khác với môi trường và điều kiện thực tế trong nước. Vì thế nhiều bạn trẽ khi về nước rồi chán nản hay bỏ cuộc.
Ở nước ngoài không có chuyện nể nang nhiều, con người này, cháu người kia. Làm được như thế nào thì đều được ghi nhận và trả lương xứng đáng. Không có chuyện đi xin xỏ.
Hiệu quả hơn là học cử nhân ở Việt Nam xong rồi sang Mỹ học thạc sĩ hay tiến sĩ thì về có thể dùng được, vì sao? Vì thời gian học cử nhân trong nước người học đã lớn tuổi, đã hiểu môi trường và cách làm việc của Việt Nam, giờ sang chỉ cần học cách chuyễn tiếp, cập nhật, ứng dụng về chuyên môn, kĩ thuật nhiều hơn là tư duy.
Hơn nữa, lương bổng trong nước quá thấp, bên kia nếu tốt nghiệp chuyên ngành KHXH&NV cũng tầm 40-50 nghìn USD/năm, còn kĩ sư mới ra trường ngành kĩ thuật khoảng 65 nghìn USD/năm. Thiết nghĩ chi phí cơ hội đầu tư cho du học quá lớn, để chấp nhận một mức lương thấp khi trờ về, ngoại trừ có những ràng buộc khác, đó là chưa nói đến sự khó khăn gặp phải trong môi trường làm việc và thăng tiến nghề nghiệp.
Du học về hy vọng được trả lương cao
Như vậy nếu ra ngoài học cử nhân thôi về nước khó làm việc, vậy có nên du học nữa không?
Đó là nguyện vọng của cá nhân, gia đình. Tôi nghĩ một số không nhỏ cha mẹ muốn cho con đi du học mà chưa muốn con mình về sớm. Phần còn lại chọn về nước, ở đây có hai trường hợp phổ biến: Thứ nhất, nếu gia đình có tiền (phần lớn là người có tiền) thì thành lập công ty gia đình hoặc làm việc cho người thân,…lúc đó lương không là vấn đề, sở hữu mới là vấn đề.
Thứ hai, các công ty nước ngoài có khả năng đầu tư vào Việt Nam, với suy nghĩ con mình cũng được trở về nước và hội nhập. Và hy vọng được trả lương cao và cơ hội thăng tiến tốt.
Cách nào cũng đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Theo ông làm sao để nguồn nhân lực được đào tạo tại nước ngoài về nước có thể hòa nhập với môi trường nhanh chóng?
Mô hình phát triển và quản lý kinh tế của chúng ta phải so sánh với nước ngoài, có mức độ tương xứng thì lúc đó nguồn nhân lực mới xử dụng hiệu quả.
Hiện nay hệ thống kinh tế của ta phần nào tiến bộ so với giai đoạn trước, nhưng cách làm việc của ta chưa được hiệu quả lắm, còn lủng củng, cục bộ và mất thời gian. Chính những điều này làm người trẻ được đào tạo nước ngoài rất ngại tham gia. Nếu khi ở trong nước người làm việc chỉ làm theo mô hình đó, không nhìn thấy mô hình khác và chấp nhận được. Ngược lại, ở nước ngoài có sự chọn lựa nhiều hơn. Mâu thuẫn phải có cơ hội và thời gian mới giãi quyết được.
Tôi nghĩ không nên hạn chế du học, những người có tiền cho con đi học nước ngoài thì không thể hạn chế được.
Một giả thiết không thành hiện thực
Một điều mà ai cũng biết, đó là những quan chức. doanh nhân phần lớn đều cho con cái họ ra nước ngoài du học, phải chăng giáo dục trong nước không đủ để họ tin tưởng?
Có giả thiết nếu chúng ta cấm hết không cho học sinh đi du học, lúc đó hệ thống giáo dục trong nước sẽ thay đổi rất nhanh. Bởi chính những người quản lí buộc phải có những thay đổi chất lượng giáo dục lên bước mới để cho chính thế hệ con cái mình học. Đó là một động cơ để cho giáo dục đi lên, nhưng điều này hoàn toàn không làm được.
Giờ chúng ta chỉ có cách, số người đi du học theo đề án nhà nước thì phải điều chỉnh lại cho phù hợp hơn, có thể tăng nguồn học bổng đó lên, điều kiện, môi trường trong nước cũng phải thay đổi nhanh để “hợp thức hóa” với nguồn ở nước ngoài về.
Nhiều người nghĩ du học xong ở lại nước họ làm việc, không về nước bị cho là không yêu nước, hoàn toàn không phải vậy, bởi họ cũng có một suy nghĩ gia đình bỏ ra bao nhiêu tiền để đi du học mà về nước không dùng được, tài năng không được trọng dụng thì về làm gì? Mấu chốt là ở đây.
Trung Quốc là ví dụ, du học sinh Trung Quốc hàng năm sang Mỹ học rất đông, nhưng số trở về cũng rất đông vì môi trường làm việc tại Trung Quốc phát triển tốt trong thời gian qua, chúng ta từ đây tới đó còn xa, nhưng chí ít chúng ta phải có hướng phát triển, hội nhập, đầu tư .. Phần lớn nguồn nhân lực này không làm việc các cơ quan nhà nước thì ít ra cũng được sử dụng bởi các công ty trong nước và nước ngoài.
Chúng ta phải dứt khoát một con đường, cần hội nhập sâu hơn và xây dựng nền tảng chuyển giao công nghệ. Những người đi du học sẽ quay về, tuổi trẻ đi du học có điều kiện về nước là họ về ngay. Nhưng vì tuổi trẻ nghĩ mình có khả năng, còn năng lực thì làm việc nơi nào có điều kiện tốt cho mình phát triển. Giữa hai sự lựa chọn, nếu học nước ngoài về nước sẽ bị bó buộc, cái hiểu biết và chuyên môn của mình có thể bị mai một. Hai là ở nước ngoài, điều kiện sinh sống chưa chắc đã bằng trong nước, nhưng tuổi trẻ có khả năng cần môi trường thử thách để khẳng định chính mình.
Nói chung, chuyện về hay ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài tôi nghĩ không quan trọng, quan trọng là người trẻ có môi trường và điều kiện tốt để phát huy tài năng. Đã là người Việt, dù ở đâu, họ sẽ có cách đóng góp riêng của mình. Tôi không lo chuyện “chảy máu chất xám”, chỉ lo môi trường làm việc trong nước chưa tốt, để người trẻ trong nước phát huy.
Ông có ý tưởng gì giúp Việt Nam trong việc huy động học bổng cho học sinh, sinh viên?
Từ lâu nhóm chúng tôi có ý định vận động nguồn kinh phí giáo dục lớn hơn so với hai chương trình Fulbright và VEF. Kinh phí có thể đến từ nhiều nguồn, không tính lãi, nhưng phía Việt Nam phải ký nợ thay vì cấp học bổng như hai chương trình trên. Chương trình này có thể đưa số lượng lớn sinh viên mỗi năm, chủ yếu là chương trình tiến sĩ về các ngành kỹ thuật, công nghệ ...
Nếu đào tạo tiến sỹ là 4-5 năm một cách bài bản theo chương trình của Mỹ. Thí dụ đào tạo 300-1000 sinh viên/năm, trong thời gian 15 năm ở tại khoảng 100 trường đại học hàng đầu của Mỹ, cứ mỗi năm về nước khoảng 70% trong số người tốt nghiệp (trừ số bị loại). Theo đó thì trong nước phải có kế hoạch cụ thể sử dụng số tiến sĩ này, phần lớn có thể đào tạo và hướng dẫn lại cho sinh viên, nghiên cứu sinh trong nước. Chỉ có cách này là nhanh và đào tạo một làm lực lượng lớn có chuẩn về nghiên cứu và giãng dạy nhất trên thế giới hiện nay.
Chúng ta đào tạo tiến sỹ thì không có gì sai, nhưng đào tạo không có chuẩn thì cho ra những người không chuẩn, và tiếp tục như thế ..
Với nguồn này thì sữ dụng rất hiệu quả, năm đầu chi phí (hiện nay) tốn khoảng 50 nghìn USD/sinh viên, những năm còn lại sinh viên thường nhận đươc học bổng của trường 100%, có thể giúp việc cho những người thầy bên đó trong việc nghiên cứu và phụ giãng, và có nhận lương.
Như vậy sẽ đào tạo cho mình một nguồn lực tập trung vào khoa học kỹ thuật trong các trường đại học lớn, có thể nghiên cứu hoặc làm việc trong các công ty tư nhân. Mục tiêu chỉ cần đào tạo 7.000 -10.000 tiến sỹ là đủ ở giai đoạn 15 năm. Sau nguồn này sẽ được nhân lên nhiều hơn trong nước, nếu có mục tiêu đào tạo, sữ dụng cụ thể thì tôi tin sẽ rất hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn ông!