Về phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH và CĐ:

"Không nên thử nghiệm nhiều vì chỉ làm mất thời cơ và rối thêm"

24/02/2014 13:16
Xuân Trung
(GDVN) - “Đề xuất của tôi là thay thế việc học, thi và tuyển sinh hiện nay bằng một mô hình khác”.

Liên quan tới vấn đề thi và công nhận tốt nghiệp, tuyển sinh đại học 2014, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phỏng vấn ông Trần Đức Cảnh, từng đảm nhiệm cương vị lGiám Đốc Chương trình Đào tạo và Phát triển Nguồn Nhân lực cho Bang Massachusetts (Mỹ), và thành viên của Hội Đồng Liên Trường Đại Học Vùng Đông Bắc Bang Massachusetts.

Bài phỏng vấn này như là một góp ý với chủ trương đổi mới thi cử hiện nay. Nội dung trong bài phỏng vấn thể hiện quan điểm riêng của ông Trần Đức Cảnh. 

Thi ba môn: Đọc, Viết và Toán

Vừa qua Bộ GD&ĐT có đưa ra dự thảo thi và công nhận tốt nghiệp, sau khi tham khảo ý kiến dư luận có vẻ như phương án 4 môn thi (2 môn bắt buộc Toán và Văn, 2 môn tự chọn), trong đó Ngoại ngữ sẽ là tự chọn và có thể sẽ không có chuyện miễn 20% như đề nghị. Ông có nhận định gì về phương án này của Bộ GD&ĐT?

Ông Trần Đức Cảnh: Theo tôi hiểu thì Thủ Tướng Chính phủ đã có kết luận phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH và CĐ. Bộ GD&ĐT cân nhắc không áp dụng miễn thi tốt nghiệp cho 20% cho học sinh THPT năm 2014 và đây là điều đáng mừng. 

Đã là học sinh giỏi, xuất sắc thì phải chứng tỏ được mình không chỉ thể hiện qua các môn học trong lớp mà cũng phải qua kỳ thi như những học sinh khác.  Việc miễn thi sẽ động tới những yếu tố như vùng miền, đối tượng ưu tiên ... sẽ vô cùng phức tạp. Như vậy người xét tuyển sẽ dễ dàng phân biệt, không lẫn lộn trong việc đánh giá. 

ÔngTrần Đức Cảnh, từng là Giám Đốc Chương trình Đào tạo và Phát triển Nguồn Nhân lực cho Bang Massachusetts (Mỹ), và thành viên của Hội Đồng Liên Trường Đại Học Vùng Đông Bắc Bang Massachusetts.
ÔngTrần Đức Cảnh, từng là Giám Đốc Chương trình Đào tạo và Phát triển Nguồn Nhân lực cho Bang Massachusetts (Mỹ), và thành viên của Hội Đồng Liên Trường Đại Học Vùng Đông Bắc Bang Massachusetts.

Vấn đề thi 4 hay 6 môn, gồm môn bắt buộc và tự chọn không quan trọng, cách thi mới là vấn đề. Tôi hy vọng cách tổ chức thi trong năm 2014, chỉ là giải pháp tạm thời và để chuẩn bị cho phương án thi lâu dài hiệu quả hơn. Lối thi hiện nay vẫn là thi kiến thức theo kiểu thuộc bài, không đánh giá được gì nhiều ở phần năng lực.

Như vậy, với phương án này từ thi 6 môn trở thành thi 4 môn, và có ý kiến nói rằng dù có 2 môn hay không môn nào cũng là điều hợp lí. Theo ông, rút gọn môn thi có đạt tới tiêu chí là đánh giá toàn diện năng lực học sinh đúng như trong Nghị quyết 29 đề cập hay không?

Tôi nghĩ một mô hình thi cử khác, tiên tiến và khoa học hơn trong việc đánh giá kiến thức và năng lực của học sinh, mà không cần phải mất quá nhiều thời gian và công sức của mọi người tham gia. Đơn cử là một kỳ thi ĐH tương tự như Scholastic Attitude Test (SAT I và II) của Mỹ. 

Thi 3 môn chính: Đọc, Viết và Toán trong thời gian khoảng 4 giờ, bao gồm 180-200 câu trắc nghiệm và một bài viết ngắn. Ngoại trừ bài viết, toàn bộ bài thi còn lại được chấm bằng máy vi tính. Bài thi được cấu trúc từng phần và câu hỏi từ dễ đến khó, khi nhìn số điểm và câu trả lời đúng sai, người đọc có thể biết năng học lực căn bản của học sinh đến đâu. 

Một số trường ĐH có yêu cầu cao hơn, đòi hỏi học sinh phải thi 2-3 môn tự chọn nhưng liên quan đến ngành muốn học, mỗi môn thi một giờ có từ 50 đến 90 câu, theo lối thi trắc nghiệm.  

Như vậy, thời gian thi nhiều lắm là 1 ngày, cách thi và kiểm soát gọn nhẹ, vừa đánh giá được năng học lực căn bản, và năng khiếu. Nếu học sinh không thỏa mản kết quả kỳ thi thì có thể đăng ký thi lại thêm 1 lần nữa.  

Các trường dùng kết quả thi cho việc tuyển sinh theo tiêu chí và yêu cầu của riêng từng trường. 

Với việc xác định từng môn thi cụ thể như vậy ông có lo ngại chuyện học lệch hoặc sẽ có trường hợp môn trọng, môn khinh, kèm theo đó là phân hạng giáo viên?

Nếu xảy ra việc bên trọng, bên khinh trong việc dạy các môn học có lẽ chỉ có ở Việt Nam, vì lối học chỉ tập trung để thi mới đẻ ra tình trạng như vậy. Mục đích của giáo dục là trang bị kiến thức và tạo động cơ cho người học, và người thầy dạy có sự hứng thú và trách nhiệm công việc, sẽ không có thái độ dạy và học như vậy. 

Giáo dục phải được xây dựng trên nhận thức là gia đình đầu tư tiền bạc và chính bản thân học sinh phải bỏ công sức và thời gian nhiều cho việc học. Đây là “chi phí cơ hội” và phải được hoàn trả lại bằng giá trị đích thực của nó. 

Trong môi trường cạnh tranh, luôn đòi hỏi năng suất lao động tốt và hiệu quả ở mọi vị trí, không cho phép người kém khả năng tồn tại lâu dài dù dưới bất cứ hình thức nào. Người thực tế không dễ dàng bỏ công sức, tiền bạc và thời gian cho một giá trị mà họ cho là ảo. 

Theo ông, năng lực học sinh nằm ở đâu khi hàng năm chúng ta chỉ trông vào mấy môn thi tốt nghiệp, có cần phải thi thêm kĩ năng trong quá trình tổ chức các kỳ thi hay không?

Nếu đã xác định rõ mô hình xét tuyển đại học trong tương lai thì vấn đề thi tốt nghiệp THPT, hay kết hợp kỳ thi THPT và đại học, thì điểm thi không còn là yếu tố quyết định trong việc tuyển sinh đại học. 

Các trường có thể đưa ra các tiêu chí tuyển sinh phù hợp, trong đó bao gồm sự thể hiện các kỹ năng và năng khiếu khác, mà không nhất thiết phải qua kỳ thi. Các trường sẽ cố gắng chọn lựa học sinh có khả năng thành công cao nhất, và ngược lại học sinh giỏi sẽ có cơ hội chọn lựa nhiều hơn. 

Có vẻ như Bộ GD&ĐT trước khi bắt tay vào làm cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục phải “thử nghiệm” nhiều phương án thi và công nhận thi khác nhau. Quan điểm của ông thì đây là dấu hiệu tiếp thu lắng nghe hay biểu hiện một sự lúng túng?

Tôi nghĩ có cả hai và điều đó cũng dễ hiểu vì bản thân của Bộ GD&ĐT cũng không lường hay chủ động được hết các vấn đề. Cách làm của ta từ trước đến nay thường theo dạng “ném đá dò đường” hay nói cách khác “thí điểm”.  

Các vấn đề giáo dục hiện nay mang tính cấp bách, thiết nghĩ Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu sâu các mô hình đổi mới ở các nước tiên tiến, và mạnh dạn đề xuất đổi mới và lộ trình thực hiện phù hợp. Không nên “thử nghiệm” nhiều, chỉ làm mất thời cơ và làm vấn đề rối thêm. 
Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp 90% hay 95% không là vấn đề, nếu…!

Nếu ông có quyền và thẩm quyền để vạch ra một lộ trình thi và công nhận thi tốt nghiệp, xa hơn là tuyển sinh đại học, cao đẳng, ông sẽ làm như thế nào?

Đề xuất của tôi là thay thế việc học, thi và tuyển sinh hiện nay bằng một mô hình khác. 

Cần có một khung yêu cầu cho bậc THPT, nếu học sinh đạt thì cấp bằng trung học và không phải thi tốt nghiệp. Chúng ta tổ chức lại chương trình học THPT, cả bậc THCS và Tiểu học cũng phải cấu trúc lại cho phù hợp và đồng bộ.

Ở bậc THPT (lớp 10, 11, 12) mỗi học kỳ, học sinh phải học từ 5 – 6 môn, trong 3 năm học phải hoàn tất từ 30 – 36 môn, bao gồm Toán, Lý, Hóa, Văn, các môn cơ bản và môn tự chọn… cách học theo tín chỉ, học xong môn nào xong môn đó. Nếu không đạt thì phải học lại môn đó.

Một học kỳ, thời gian học sinh học trong lớp khoảng 18 giờ/tuần, thời gian tự học, đọc và nghiên cứu, làm bài rất nhiều. Mỗi một môn có thể thi 3 - 5 lần hoặc hơn trong một học kỳ; với các bài kiểm tra trên lớp, bài tập làm ở nhà, bài luận, thi giữa kỳ, thi cuối kỳ.

Chương trình học tuy không quá dồn nén hay nặng nề, nhưng buộc người học sẽ phải học, chuẩn bị khá nhiều và liên tục, cách học như vậy mới tiếp thu hiệu quả. 

Như vậy sẽ khắc phục dần thực trạng hiện nay là suốt thời gian dài học sinh tập trung cho một kỳ thi, xong là quên gần hết. 

Theo mô hình này, thì tỷ lệ học sinh tốt nghiệp 90% hay 95% không phải là vấn đề, miễn là chương trình dạy và học đàng hoàng. Đã gọi là THPT thì hầu hết học sinh đều phải có cơ hội đạt căn bản kiến thức ở mức tối thiểu của một học sinh tốt nghiệp THPT. 

Các trường ĐH và CĐ sẽ sử dụng học bạ THPT cho việc xét tuyển, trong đó bao gồm điểm trung bình hằng năm, trung bình 3 năm THPT, điểm của môn học chính và tự chọn; cùng với điểm thi ĐH và các yêu cầu khác. 

Ông thử hình dung giáo dục của chúng ta đến năm 2020, lúc đó nước ta là nước công nghiệp theo hướng hiện đại? Tương lai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng nên như thế nào?

Hiện nay chúng ta chỉ mới “đụng” đến vấn đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Như đã đề cập trên, tôi nghĩ là chúng ta nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT và tổ chức kỳ thi ĐH gọn nhẹ, khoa học và hiệu quả trong việc đánh giá kiến thức lẫn năng lực.  

Nói về phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, thì từ đây đến năm 2020 chúng ta cần phải nhanh chóng cấu trúc lại chương trình giáo dục và đào tạo theo hướng phát triển kinh tế và xã hội, mà yếu tố thị trường đóng vai trò chủ đạo.   

Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực (PTNNL) là mấu chốt của sự phát triển kinh tế và xã hội, trong đó giáo dục và đào tạo là trung tâm. Tuy nhiên, để xây dựng được kế hoạch kế hoạch PTNNL một cách thiết thực và hiệu quả trong thời gian 5-10 năm, 25 năm tới. Một kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội phải được xây dựng rõ ràng và cụ thể nhất có thể, là kim chỉ nam cho việc xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực hướng tới. 
Trân trọng cảm ơn ông!
Xuân Trung