LTS: Chứng kiến nhiều đổi thay trong quy chế thi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo từng đưa ra, thầy giáo Hữu Sơn cho rằng để nâng cao chất lượng của kỳ thi quốc gia, các thầy cô cần phải nói không với căn bệnh thành tích.
Thầy kêu gọi mọi người đừng "nói một đằng, làm một nẻo" để đảm bảo một kỳ thi trung thực, đánh giá đúng năng lực thực chất của học sinh.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Là một nhà giáo có hơn hai chục năm làm công tác thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi đại học, cao đẳng, nhiều năm qua, tôi thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những nỗ lực, điều chỉnh, thay đổi về Quy chế thi tốt nghiệp và tuyển sinh để đưa công tác thi, nhất là coi thi đi vào nề nếp, ổn định lâu dài.
Giao quyền tổ chức coi thi và chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho từng trường ở những năm 1987,1988.
Tăng cường công tác thanh tra thi ở tất cả các Hội đồng thi mà lực lượng là các thầy cô giáo, giảng viên của các trường Cao đẳng, đại học, từ năm 2007-2009.
Chấm chéo bài thi các môn tự luận giữa tỉnh này với tỉnh khác, vào các năm 2010, 2011.
Năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí sinh ghi hình trong phòng thi, có thể xem là giải pháp để ngăn ngừa tiêu cực trong phòng thi.
Các thầy cô giáo cần nghiêm túc, thực hiện đúng quy định trong công tác coi thi để đảm bảo một kì thi quốc gia trung thực. (Ảnh minh họa trên báo Thiếu niên Tiền phong). |
Có thêm phần mới này, các Hội đồng coi thi thêm phần khó khăn, vì việc xác định thiết bị quay phim, chụp ảnh không phát được tại chỗ là không hề đơn giản chút nào.
Bởi lẽ, tất cả thầy cô giáo có phải là chuyên gia về các thiết bị điện tử đâu mà biết nó có phát hay không phát, đặc tính, chức năng của nó như thế nào.
Hơn nữa, điểm này dễ tạo căng thẳng, áp lực lớn cho giám thị làm công tác coi thi. Mặt khác, nhiệm vụ của thí sinh là tập trung vào làm bài thi cho tốt, chứ không phải vào phòng thi để “canh” bắt giám thị và thí sinh khác.
Ba năm qua, Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia với mục đích “2 trong 1”, hai loại cụm thi đại học và cụm thi địa phương đã được tổ chức.
Công tác coi thi được củng cố, siết chặt, kỷ cương phòng thi được đảm bảo, không có vụ việc tiêu cực, lộn xộn lớn nào xảy ra.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều giáo viên đi coi thi thì ở nhiều cụm thi địa phương vẫn có biểu hiện tháo khoán, dễ dãi… từ giám thị, lãnh đạo hội đồng coi thi, một số thí sinh vẫn có cơ hội xem tài liệu, copy bài của nhau…
Học sinh thi ở cụm địa phương “hưởng lợi” nhiều hơn so học sinh thi ở cụm đại học.
Vì vậy, sau các kỳ thi trung học phổ thông quốc gia ấy, có luồng ý kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên bỏ cụm thi địa phương, giao hẳn cho cụm thi đại học để việc coi thi đồng bộ, nghiêm túc, công bằng hơn.
Đến năm nay, lần thứ tư tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, cuối cùng chốt lại, mỗi tỉnh chỉ có một cụm thi, do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì.
Mặc dù, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có một số điều chỉnh về công tác phối hợp giữa các Sở giáo dục và các trường đại học, cao đẳng, giữa giám thị các trường trung học phổ thông và giám thị các trường đại học, cao đẳng (tỉ lệ 50:50) nhưng nỗi lo về tiêu cực, tình trạng tháo khoán trong khâu coi thi vẫn hiện hữu.
Lộ đề thi ở Đồng Tháp, công tác sao in đề thi quốc gia cần lưu ý gì? (GDVN) - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh công tác sao in và vận chuyển đề thi phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, không được để xảy ra sai sót, không được xem nhẹ. |
Sính thành tích, chủ nghĩa duy tình trở thành hai căn bệnh mãn tính nhất của ngành giáo dục Việt Nam.
Do đó, chúng tôi thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần củng cố thêm về quy định những vật mang vào phòng thi phải rõ ràng, rành mạch, cụ thể hơn.
Công tác chuẩn bị, tập huấn về công tác thi cần tổ chức học tập, quán triệt hết sức chu đáo, kỹ lưỡng để các trường trung học phổ thông, đại học, cao đẳng, thầy cô giáo không gặp khó khăn, lúng túng; luôn tự tin, vững vàng trong nghiệp vụ của mình.
Lực lượng thanh tra coi thi cũng được lựa chọn, tập huấn nghiêm túc. Trong quá trình coi thi, những sai phạm của giám thị, thí sinh cần được xử lý kịp thời, công khai, đúng qui chế thì mới có sức răn đe.
Vấn đề căn cơ, cốt lõi ở đây là chiến lược, cách thức xây dựng, giáo dục đạo đức cho học sinh, là bài học về lòng trung thực, lòng tự trọng, dám nhận thất bại, biết xấu hổ khi gian dối trong kiểm tra, thi cử.
Đổi mới căn bản về cách dạy-học, về cách kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy được năng lực của người học, không có chỗ cho xem tài liệu, quay cóp nhau, thậm chí tiến đến xét tốt nghiệp trung học phổ thông, không cần tổ chức thi nữa như một số nước đã làm.
Còn các nhà quản lý giáo dục cũng như thầy cô giáo phải rũ bỏ, nói không với căn bệnh thành tích đã thấm trong máu thịt; lời nói đi đôi với việc làm, coi thi thực hiện đúng quy chế; tinh thần trách nhiệm cao, không sợ bất kỳ áp lực nào từ địa phương…
Có như vậy thì mới mong có được những kỳ thi trung học phổ thông quốc gia thật sự đồng bộ, nghiêm túc, công bằng, khách quan.
Có như vậy mới mong chất lượng giáo dục phổ thông được đánh giá thực chất, một cơ sở đáng tin cậy để các trường đại học, cao đẳng xét tuyển sinh, tuyển chọn được những học sinh đủ năng lực, phẩm chất theo học đại học.
Lúc nào cũng “nói một đằng, làm một nẻo”, nặng tư tưởng con em địa phương thì cả trăm năm nữa tình hình, chất lượng giáo dục, thi cử vẫn “giậm chân tại chỗ”.