Khi thầy cô Ngữ văn đọc không hiểu đề thi đọc hiểu

05/01/2018 08:56
Nguyễn Văn Lự
(GDVN) - Nhiều thầy cô Ngữ văn viết không đúng một văn bản hành chính, không viết đúng ngữ pháp, không dùng từ đúng phong cách hay chưa biết dùng dấu phẩy, dấu chấm.

LTS: Tình trạng loạn ngữ liệu đề đọc hiểu Ngữ văn trong chương trình giáo dục hiện nay đang diễn ra phổ biến, thầy giáo Nguyễn Văn Lự đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam những chia sẻ về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chỉ cần gõ từ khóa “Câu hỏi đọc hiểu” trên Google sẽ cho ra 3.140.000 kết quả. Từ đó, chúng ta thấy đề đọc hiểu phong phú và phức tạp như thế nào.

Nếu không có những tiêu chí định tính và định lượng, câu hỏi đọc hiểu sẽ dẫn thí sinh đến đâu?

Đề đọc hiểu – đọc khó hiểu

Với mặt bằng tri thức ngôn ngữ văn bản của giáo viên Ngữ văn và học sinh hiện nay, đề đọc hiểu không phải thầy cô và học sinh nào cũng hiểu và làm đúng.

Ảnh minh họa đề thi Ngữ văn khai thác đề tài giải trí, nguồn: chụp màn hình phóng sự của VTV.vn.
Ảnh minh họa đề thi Ngữ văn khai thác đề tài giải trí, nguồn: chụp màn hình phóng sự của VTV.vn.

Phần lớn kiến thức cơ bản tiếng Việt được dạy và học ở trung học cơ sở, và trung học phổ thông chỉ thực hành. Nếu không học lại và tự bồi dưỡng, nhiều thầy cô Ngữ văn cũng không thể làm đúng đáp án.

Ví như, gần trăm giám khảo chấm bài thi Ngữ văn vào lớp 10 của tỉnh Vĩnh Phúc năm 2010-2011, tranh luận gay gắt về câu đặc biệt và câu rút gọn trong Hướng dẫn chấm;

Tranh luận chỉ vì phần lớn các giám khảo chưa từng dạy ôn thi vào lớp 10, lại không đọc sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 nhưng đến buổi chấm thứ 2, không ai ý kiến gì nữa.

Ngay nội hàm các thuật ngữ, khái niệm giữa sách giáo khoa trung học cơ sở và trung học phổ thông nhiều khi cũng vênh nhau.

Về tu từ cú pháp, tu từ từ vựng; liên kết câu, liên kết đoạn; phong cách ngôn ngữ; nội dung và hình thức văn bản;

Về đoạn văn; nghĩa của từ, nghĩa của câu; về câu và thành phần câu; về bố cục văn bản, diễn đạt, trình bày văn bản…là những điều khó có tiếng nói chung ngay trong tổ nhóm chuyên môn ở trường.

Những người làm đề và đáp án đề đọc hiểu, dù rất vững về chuyên môn, cũng không thể đủ tri thức về tiếng Việt và ngữ pháp để hiểu hết các đề đọc hiểu hiện nay.

Khi thầy cô Ngữ văn đọc không hiểu đề thi đọc hiểu ảnh 2Một số vấn đề cần lưu ý khi giảng tác phẩm văn học ở bậc trung học cơ sở

Chúng ta không thể ngờ rằng, rất nhiều thầy cô Ngữ văn viết không đúng một văn bản hành chính, không viết đúng ngữ pháp, không dùng từ đúng phong cách hay chưa biết dùng dấu phẩy, dấu chấm phẩy…

Nhiều người rất sợ từ Hán Việt, sợ lấy ví dụ phần tiếng Việt ngoài sách giáo khoa.

Bậc thầy còn lằng nhằng về tri thức ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ thế, quý độc giả thử tính xem, học trò được học và nhớ được chừng bao nhiêu phần trăm?

Liệu các em học sinh có thể làm được những câu hỏi đọc hiểu muôn hình vạn trạng mà thầy cô luôn tìm tòi và sáng tạo không ai giống ai mấy năm nay?

Loạn ngữ liệu đề đọc hiểu

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định chỉ môn Ngữ văn thi theo hình thức Tự luận với thời gian làm bài 120 phút, cấu trúc đề thi đã thay đổi cơ bản. Đề thi gồm hai phần Đọc hiểu và Làm văn với cơ cấu điểm 3/7.

Môn Ngữ văn bắt buộc với mọi thí sinh cho nên câu hỏi đọc hiểu 3 điểm sẽ giúp nhiều thí sinh học tự nhiên tránh được điểm liệt, đảm bảo sẽ tốt nghiệp nếu điểm bình quân đạt yêu cầu.

Câu đọc hiểu trong đề văn hiện nay không giới hạn phần trích ngữ liệu trong hay ngoài chương trình học là vấn đề nan giải khi người làm đề, người duyệt đề không phải ai cũng hiểu rõ vị trí và yêu cầu của câu hỏi đọc hiểu.

Thầy cô không chú ý đến khả năng tiếp nhận văn bản còn rất hạn chế của học sinh trung học phổ thông; chưa đánh giá hết kiến thức về ngữ pháp văn bản chủ yếu được trang bị ở trung học cơ sở của học trò còn rất lơ mơ, chệch choạc.

Khi thầy cô Ngữ văn đọc không hiểu đề thi đọc hiểu ảnh 3Có nên dạy và học theo Văn mẫu hay không?

Ngữ pháp văn bản ở trung học phổ thông chỉ là những tiết thực hành, chỉ làm các bài tập mà không có phần ôn tập.

Vì thế nên học sinh làm theo thầy cô mà thầy cô lại chữa theo sách Học tốt hay sách giáo viên cứng nhắc, không có giải thích rõ ràng.

Khoảng trống tri thức ngữ pháp văn bản ấy làm cho học sinh lúng túng, làm không đúng ngay cả câu hỏi đơn giản.

Xu hướng chọn ngữ liệu mới, độc đáo và thời sự với giới trẻ (ví như Lạc trôi, Chi Pu) đang đưa học sinh vào mớ hỗn loạn được tính thời sự nhưng lại mất mục đích chính là hiểu ngữ pháp văn bản để hiểu nội dung văn bản.

Nhiều người làm đề đọc hiểu biết chắt chiu, lựa những ngữ liệu giàu chất văn chương (bài thơ, bài hát) hay các văn bản của chính khách, của các nhà báo… phù hợp với hiểu biết của học sinh, nhưng có khi lại rất khó hiểu được cả nội dung và hình thức, kết cấu của văn bản đó.

Hai năm qua đã có không ít câu hỏi đọc hiểu văn bản gây sốc, tạo sự tranh luận trái chiều trên các trang mạng xã hội, làm khó cho thí sinh.

Đã bao giờ thầy cô làm đề đắn đo cân nhắc rằng học trò trung học phổ thông chưa thể đủ hiểu biết để hiểu hình thức và nội dung của ngữ liệu này? Đã khi nào thầy cô hình dung hỏi thế này các trò không thể trả lời cho đúng và cho trúng?

Vấn đề ngữ pháp văn bản và nội dung văn bản còn có ranh giới rất mờ, thầy cô tranh luận cả năm còn chưa phân đúng sai;

Ảnh minh họa đề thi "lạc trôi" chụp màn hình phóng sự của VTV.vn.
Ảnh minh họa đề thi "lạc trôi" chụp màn hình phóng sự của VTV.vn.

Có những câu hỏi phải thêm từ chính hay chủ yếu (phương thức biểu đạt chính, phong cách ngôn ngữ chính, biện pháp tu từ chủ yếu…);

Có những ngữ liệu thơ, văn kết hợp nhiều phương thức biểu đạt; có những câu văn rất khó xác định là câu đặc biệt hay rút gọn, câu đơn hay câu ghép…

Với 4 câu hỏi đọc hiểu từ dễ đến khó lại tích hợp viết đoạn văn ngắn (5 đến 10 dòng) nêu nội dung chính hay ý nghĩa của chi tiết, hình ảnh hay biện pháp nghệ thuật để được 3 điểm vừa dễ vừa khó.

Phần ngữ liệu còn nhiệm vụ định hướng cho gợi ý viết đoạn văn 200 chữ (2 điểm) ở phần Làm văn.

Nếu người làm đề không cẩn trọng suy xét thì chẳng những không giúp thí sinh gỡ điểm mà còn làm các em đến mất điểm cả phần tự luận do mất nhiều thời gian làm câu đọc mãi không hiểu.

Hướng dẫn chuyên môn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nêu các yêu cầu câu hỏi lượng kiến thức từ dễ đến khó, theo các mức: nhận biết, thông hiểu và vận dụng thông qua “ma trận” ra đề mà không thể nêu những phạm vi giới hạn của văn bản.

Việc ra đề đọc hiểu thời gian gần đây đang theo chiều hướng không biên giới, và có xu hướng theo phong trào chỉ cần mới, lạ nhưng có thể chưa nhằm đến các mục tiêu chính của đề đọc hiểu.

Không biết dùng từ loạn ngữ liệu đề đọc hiểu Ngữ văn bây giờ đã chính xác chưa?

Ngữ liệu đề đọc hiểu ngoài chương trình (Ảnh: Văn Lự).
Ngữ liệu đề đọc hiểu ngoài chương trình (Ảnh: Văn Lự).

Làm đề đọc hiểu thế nào?

Đó là câu hỏi không dễ chút nào.

Làm đề đọc hiểu, qua thực tế chúng tôi thấy, để có một đề đọc hiểu phù hợp đối tượng và đạt mục tiêu là quá trình rất công phu từ việc lựa chọn ngữ liệu văn bản đến cách đặt câu hỏi và chấm đánh giá bài thi.

Làm đề đọc hiểu chuẩn về nội dung và chuẩn về câu hỏi vừa tác động tích cực về nhận thức, tình cảm, thái độ và kỹ năng vừa kiểm tra được năng lực tri thức đọc hiểu văn bản của thí sinh.

Chúng tôi  xin đưa ra những yêu cầu cơ bản sau:

- Ngữ liệu văn bản chọn có nội dung mang tính giáo dục gắn với tâm sinh lý và hiểu biết của học sinh.

Các văn bản đọc hiểu vừa phong phú về hình thức, hấp dẫn về nghệ thuật vừa sâu sắc về nội dung tư tưởng là mong ước chung của người ra đề và thí sinh.

- Ngữ liệu cần có tính hợp lý và phong phú về các mặt kiến thức, kỹ năng để đánh giá kỹ năng đọc hiểu của thí sinh.

Ngữ liệu chọn vừa sức với đối tượng thí sinh từng khối lớp, đáp ứng với thời gian làm bài với từng câu hỏi và điểm số.

Không nên chọn văn bản quá khó hoặc quá dễ, quá dài hoặc quá ngắn.

Ngữ liệu và câu hỏi cần có sức hấp dẫn về trình bày; chuẩn mực về hình thức tạo lập cùng các phương tiện như dùng từ, đặt câu, dựng đoạn.

- Ngữ liệu chọn có độ tin cậy về nguồn dẫn; tường minh về người viết, về đối tượng được bàn đến, về câu chữ.

Ngữ liệu của đề không nhất thiết có tính thời sự, nhưng nên chọn những sự việc có ý nghĩa xã hội, ý nghĩa gợi mở về học tập, tu dưỡng, về vấn đề thiết yếu của cuộc sống, của giới trẻ.

Khi thầy cô Ngữ văn đọc không hiểu đề thi đọc hiểu ảnh 6Hai năm tới là cơ hội và thách thức của các thầy cô dạy môn Ngữ Văn


- Phần câu hỏi cần có tính gợi mở và hấp dẫn, tạo ra hứng thú cho thí sinh làm bài; hỏi nội dung phù hợp trình độ, kiến thức và tâm lý lứa tuổi.

Tuyệt đối không hỏi kiến thức học sinh chưa được học hoặc quá mênh mông.

(Ví như lớp 10, chỉ học 2 phong cách ngôn ngữ, không được hỏi “văn bản sử dụng phong cách ngôn ngữ nào).

- Bốn câu hỏi cần xếp đặt từ dễ đến khó, hướng đến trọng tâm của ngữ pháp văn bản và nội dung văn bản. Không dùng câu hỏi có nhiều phương án trả lời, hoặc mơ hồ, hoặc dễ gây ra tranh luận…

- Chọn ngữ liệu đề thi cần chú ý đến tính tích hợp với câu hỏi viết đoạn văn 200 chữ của phần tự luận.

Hiện nay, các văn bản trong sách giáo khoa, sách bài tập, các bài đọc thêm; các văn bản của những người nổi tiếng đã được người ra đề tìm kiếm và chọn lựa, đặc biệt các văn bản trên báo chí, các trang mạng xã hội

Nhất thiết người làm đề và người duyệt đề đọc hiểu phải cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng để có những đề thi mới, hay và hấp dẫn, hiệu quả cho mục đích giáo dục toàn diện của Việt Nam.

Thống nhất ngữ liệu từ đầu

Trong đề minh họa sắp tới (tháng 1/2018), Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chọn ngữ liệu và câu hỏi đọc hiểu phù hợp đối tượng.

Để chấm dứt việc chọn ngữ liệu không giới hạn, rất hoang mang cho thí sinh hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chỉ đạo bằng văn bản, thống nhất mặt bằng kiến thức kiểm tra và ngữ liệu sử dụng làm đề.

Theo cá nhân người viết, ngữ liệu đề đọc hiểu chỉ nên dùng trong sách giáo khoa từ tiểu học đến trung học phổ thông.

Những văn bản được tuyển chọn, được thẩm định đều rất tốt về nội dung và hình thức. Mỗi đề đọc hiểu chọn một ý nghĩa từ một văn bản để học sinh liên hệ viết đoạn văn 200 chữ.

Chỉ cần suy ngẫm gắn với đời sống con người, gắn với thực tế học sinh, chúng ta sẽ tìm ra vấn đề hay và thiết thực cho thí sinh bàn luận.

Hãy gác lại vấn đề thời sự, vấn đề nóng của xã hội và giới trẻ - mà không phải thí sinh nào cũng cập nhật, cũng biết, để chọn vấn đề nhân sinh gần gũi và thiết thực nhất từ trong hàng nghìn văn bản sách giáo khoa để các em bàn luận và nêu ý kiến của chính mình.

Xin đừng bắt các cô cậu học trò hơn chục tuổi hóa thân thành nhà ngôn ngữ học và nhà tư tưởng học khi làm đề đọc hiểu Ngữ văn.

Học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông đọc và hiểu được phần nào giá trị nội dung và hình thức hàng trăm văn bản trong sách giáo khoa 12 năm, biết vận dụng tiếng Việt là một thành công lớn của môn Ngữ văn và thầy cô dạy Ngữ văn.

Nguyễn Văn Lự