LTS: Với đồng lương giáo viên, nhiều thầy cô giáo đã lựa chọn làm thêm nghề tay trái để có thêm thu nhập nuôi sống gia đình.
Cô giáo Phan Tuyết chia sẻ về thực tế đó và bày tỏ mong ước giáo viên có thể chuyên tâm với nghề nghiệp của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Hãy làm một phép tính đơn giản thế này, hai vợ chồng giáo viên có thâm niên công tác từ 15-20 năm. Tổng thu nhập hàng tháng của cả hai vợ chồng chỉ khoảng 10 - 12 triệu đồng/tháng.
Số tiền này, nuôi một con đang học đại học, một con học cấp 2 hoặc 3 gần như vừa đủ. Với giáo viên mới công tác trong ngành dăm năm thì hai vợ chồng chỉ khoảng 6-7 triệu đồng/tháng (chưa kể hàng chục khoản phải trừ mang tên ủng hộ bắt buộc).
Số tiền này mới đủ cho con uống sữa và trả tiền nhà trẻ. Vậy tiền ăn hàng tháng, tiền lễ nghĩa, cưới xin, tiền thuốc thang khi trái gió trở trời chẳng biết sẽ lấy ở đâu? Chưa kể tiền mua xe, mua đất để cất căn nhà tạm có cái chui vào chui ra…
Không đi làm thêm, tất cả các nhà giáo chúng tôi sẽ sống bằng gì? Và lăn ra làm thêm sẽ chuẩn bị bài dạy vào lúc nào?
Giáo viên phải làm nhiều nghề tay trái khác nhau để nuôi sống gia đình. Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn |
Nhưng không phải ai cũng có thể làm thêm một cách đàng hoàng, quang minh chính đại như cách nghĩ của bao người. Bởi thời gian kín lịch ở trường, bởi cái suy nghĩ thầy cô là “cao sang” nên không thể làm những công việc ấy…đã bó buộc giáo viên.
Thế nên dạy thêm luôn là công việc được nhiều giáo viên lựa chọn nhất dù họ biết là vi phạm quy định của ngành. Những thầy cô không có khả năng dạy thêm (dạy môn bị xem là môn phụ, dạy học sinh vùng khó…) họ sẽ làm gì để sống?
“Đói đầu gối phải bò”
Một số đồng nghiệp của chúng tôi chọn dạy thêm để tăng thu nhập. Có người thẳng thắn nói rằng:
“Mình không có khả năng buôn bán, không biết chèo kéo khách hàng, không có thời gian đi lao động nên dạy mươi đứa học trò để có thêm tiền trang trải. Học sinh học hoàn toàn tự nguyện nên không thấy thẹn với lòng”.
Cũng có người bộc toẹt “con học cần tiền đóng, con bệnh cần thuốc thang trong khi có không ít phụ huynh lại cần mình dạy lẽ nào lại từ chối?”.
Lại có những thầy cô, lo kiếm tiền mưu sinh mà bất chấp dùng thủ đoạn để dồn học sinh đến lớp dạy thêm.
Những thầy cô có khả năng dạy thêm còn đỡ, nhiều thầy cô có muốn dạy cũng chẳng có học sinh.
Thế là họ chọn việc đi ship hàng, làm cá, bán hàng trên mạng, bán bảo hiểm, chăn nuôi thậm chí chạy xe ôm, tài xế, chạy bàn đám cưới, rửa chén bát cho nhà hàng, làm bảo vệ vào buổi tối…
Công việc khá vất vả nhưng bù lại mỗi tháng có thêm được dăm triệu đồng thấy cuộc sống dễ thở hơn nhiều.
Có người may mắn nhờ nghề tay trái phất lên đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của gia đình mình. Thế là ham với những thành quả đạt được, họ sẵn sàng từ bỏ cái nghề mà mình đã yêu thích, đã gắn bó.
Mải làm thêm sao nhãng chuyện bài vở
Một đồng nghiệp của chúng tôi nhận làm bảo vệ cho một nhà hàng. Thế là 6 giờ chiều anh có mặt để trực đêm, 6 giờ sáng mai anh chạy về để chuẩn bị lên lớp.
Thời gian đầu, anh còn siêng mang sách vở ra học, tìm hiểu, nghiên cứu thêm. Nhưng công việc làm mệt mỏi, anh đã bỏ thói quen ấy tự khi nào.
Có những đêm khách nhà hàng vào ra tấp nập nên mất ngủ. Ngày lên lớp nhiều khi phải cố ghìm để chống chọi với cơn buồn ngủ ập đến bất cứ lúc nào.
Chia sẻ về công việc, anh nói “biết là cực lắm nhưng không làm thì lấy tiền đâu mà nuôi con?”. Chẳng cần nói thì ai cũng hiểu, không còn thời gian cho bài giảng, những tiết dạy của anh cũng chỉ đạt ở mức độ đảm bảo yêu cầu đã là may rồi.
Một đồng nghiệp khác cũng say mê với việc bán hàng trên mạng. Bởi thu nhập một tháng gấp đôi tiền lương. Công việc nghe nhàn nhạ nhưng buộc phải thường xuyên lên mạng trả lời tin nhắn.
Nhiều lần vì sợ lỡ mối hàng, chị bạn còn tranh thủ cả giờ dạy để lén lút làm việc ấy.
Về đến nhà, quăng sách vở vào một góc là lên đơn, ship hàng, nhiều khi tới khuya chưa hết việc.
Nếu có ai hỏi “sẽ chuẩn bị bài dạy lúc nào?” thân tình chị sẽ nói “nó có vốn sẵn trong đầu bao năm dạy học. Chỉ là bổn cũ soạn lại mà thôi”.
Một đồng nghiệp khác nữa, sau mỗi ngày dạy, tối đến anh lại theo mấy ghe đi câu đêm. Khoảng 4-5 giờ sáng thuyền câu trở về là anh lại tất tả lo đến trường.
Cả năm chẳng bao giờ thấy anh có thời gian cầm quyển sách. Là giáo viên dạy văn nhưng sách vở không đọc, không cập nhật thử hỏi chất lượng giờ dạy của anh sẽ thế nào?
Đến những thầy cô mưu sinh chính bằng cách dạy thêm cũng chẳng còn đủ sức để đầu tư chuyên môn. Suốt ngày trên trường đã mệt, tối đến lại tiếp tục giảng dạy, kèm cặp học sinh. Khi buổi học kết thúc cũng là lúc thầy cô mệt nhoài chỉ ngã vật xuống giường là ngủ thiếp.
Vì mãi chuyện làm ăn nên sau mấy hồi trống tan trường, thay vì về nhà lo cơm nước và nghiên cứu, đầu tư cho bài giảng hôm sau.
Nhiều thầy cô giáo lại lao vội ra đường, hòa vào dòng người tất tả mưu sinh khắp chốn. Chẳng ai muốn điều đó, ai cũng muốn đầu tư công sức, thời gian cho cái nghề của mình. Thế nhưng nghề lại chẳng nuôi sống nổi mình thì phải biết làm sao?
Ước ao chuyên tâm với nghề
Một số đồng nghiệp của chúng tôi được đi thăm Singapore. Họ nói rằng, giáo viên bên ấy một buổi dạy ở trường, buổi còn lại ngồi ở văn phòng soạn bài, đọc tài liệu.
Những nhà giáo bên ấy, họ dồn thời gian, trí tuệ cho nghề mà không phải lo lắng chuyện cơm áo gạo tiền. Bởi nếu so sánh, lương một giáo viên bên ấy nhận được gấp 30 lần lương một giáo viên ở Việt Nam.
Chúng tôi cũng chẳng dám ước ao lương của mình cao đến như vậy. Nhưng chí ít cũng phải đảm bảo một cuộc sống tối thiểu nuôi bản thân mình và một đứa con.
Dù đất nước còn nghèo nhưng nhà nước vẫn dành hàng ngàn tỉ đồng để chấn hưng giáo dục. Có điều người ta đầu tư cho giáo dục mà lại lãng quên lực lượng nòng cốt quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới chính là giáo viên.
Khi người thầy bớt đi được gánh nặng lo toan đời thường thì bao tâm huyết mới có thể dành cho giáo dục.