Phát biểu tại phiên thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của dự thảo Luật Giáo dục Đại học, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân – Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đồng tình với rất nhiều nội dung trong sửa đổi lần này, tạo tiền đề tốt để có một nền giáo dục hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu của đất nước và nhân dân.
Có một nội dung theo đại biểu thấy cần viết rõ hơn bởi nội dung đó sẽ liên quan trong quá trình vận hành mà theo kinh nghiệm của đại biểu thấy rất rõ.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Quochoi.vn |
Thứ nhất, Điều 7 có xác định cơ sở giáo dục đại học công lập do nhà nước đầu tư, đảm bảo điều kiện hoạt động.
Đại biểu thấy nên viết rõ cơ sở giáo dục đại học công lập do nhà nước là chủ sở hữu đầu tư, đảm bảo hiệu quả lao động.
“Chữ "chủ sở hữu" rất quan trọng vì chủ sở hữu là người đề xuất và được chấp nhận lập đại học, là người đầu tư cho đại học phát triển nhưng phải là người có quyền quyết định nhân sự.
Bởi chủ sở hữu mà không quyết định nhân sự thì nhân sự đó sẽ vận hành đại học theo hướng khác nên theo tôi nên có khái niệm "chủ sở hữu".
Đại học tư thục cũng vậy, là do cá nhân, tổ chức trong hoặc ngoài nước là chủ sở hữu đầu tư và đảm bảo điều kiện, vấn đề sở hữu đại học hay vấn đề sở hữu của doanh nghiệp nhà nước tuy khác nhau nhưng có nhiều nét khá giống nhau.
Chúng ta đã mất nhiều thời gian xác định ai là chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Đại biểu nêu, trong thực tế đã phân công có loại doanh nghiệp rất lớn thì Chính phủ chính là chủ sở hữu như các tập đoàn trong thời gian trước, có loại là các bộ là chủ sở hữu, sau đó là ủy ban nhân dân cấp tỉnh là chủ sở hữu.
Chúng ta thấy rằng, quản lý nhà nước kiêm chủ sở hữu không phù hợp, phải có tổ chức riêng, cơ quan đại diện vốn nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nhà nước đầu tư, thực chất đó là chủ sở hữu.
Trong văn bản có đề cập đến yếu tố chủ sở hữu nhưng không có định nghĩa nên đề nghị lưu tâm vấn đề đó.
Chủ sở hữu là người có 4 quyền, bao gồm quyền thành lập, quyền đầu tư, quyền quyết định nhân sự và quyền xử lý, chế tài đơn vị này khi vi phạm pháp luật.
“Nếu không làm rõ điều này thì đại học như không có chủ, rất nguy hiểm, không thể có đại học vô chủ, đại học phải có chủ và người chủ phải làm đúng quyền của mình”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị có điều chỉnh điều này.
Tiếp đó, vị đại biểu đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nói tiếp, điều thứ hai xin thảo luận cũng liên quan đến người chủ đó, chính là Hội đồng trường đại học công lập.
Dự thảo nêu rất rõ hội đồng trường đại học công lập là tổ chức đại diện cho quyền chủ sở hữu nhà nước, rất chính xác, nhưng bây giờ chủ sở hữu nhà nước là ai, trong này chưa xác định.
“Phải xác định ai là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước để quản lý, giám sát các trường, trong này chưa định nghĩa. Chúng tôi đề nghị có bổ sung.
Từ đó, liên quan đến thành viên Hội đồng trường, liên quan đến đại diện cho chủ sở hữu, nên chủ sở hữu phải có một số quyền liên quan đến hội đồng trường.
Ví dụ, hội đồng trường họp sẽ bầu ra Chủ tịch Hội đồng trường, các thành viên nhưng tất cả những người này về nguyên tắc phải đảm bảo yêu cầu của chủ sở hữu”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân phát biểu.
Theo đại biểu, dự thảo viết quy trình hơi ngược. Đó là sau khi Hội đồng trường trình xong rồi mới gửi cho bộ hoặc Ủy ban nhân dân để duyệt. Theo đại biểu nghĩ phải ngược lại.
Trường đề xuất một danh sách dài, mỗi vị trí có thể 2, 3 người nhưng mà người được phân công chủ sở hữu phải đồng ý nguyên tắc đã. Hội đồng trường phải bầu trong những người mà chủ sở hữu thấy đảm bảo quyền đại diện cho mình.
Hội đồng trường tuy là người có thể ngoài nhà nước nhưng phải đại diện chủ sở hữu trong nhà nước.
Quy trình và danh sách dự kiến Hội đồng trường phải được chủ sở hữu duyệt trước. Còn sau đó hội đồng trường sẽ bầu, bầu xong chủ sở hữu ra quyết định công nhận thủ tục.
Đại biểu đề nghị xác định những thẩm quyền của chủ sở hữu.
Thứ ba là trực tiếp Chủ tịch Hội đồng trường.
“Chúng ta quy định chủ tịch hội đồng trường do hội đồng trường bầu trong số thành viên theo nguyên tắc đa số. Tôi nghĩ vấn đề này cũng hơi ngược.
Chủ tịch Hội đồng trường có thể dự kiến 2, 3 người nhưng 2, 3 người này phải được chủ sở hữu đồng ý.
Hội đồng trường bầu trong số đó thôi chứ không phải Hội đồng trường bầu xong đưa chủ sở hữu công nhận, chủ sở hữu bảo: tôi thấy người này không xứng đáng.
Vừa rồi trường hợp này cũng xảy ra rất đáng tiếc, như trường hợp 1 giáo sư người Việt sống ở nước ngoài, ông ấy làm hiệu phó xong trường bầu hiệu trưởng.
Bầu xong sang cơ quản quản lý bị bác bỏ. Đấy chính là quy trình ngược”, đại biểu dẫn chứng.
Theo đó, lẽ ra danh sách ứng cử viên đó phải được chủ sở hữu đồng ý, còn trường có bầu hay không là chuyện của trường.
Cuối cùng, liên quan đến Điều 32, chúng ta có ghi là tự chủ. Cơ sở giáo dục thực hiện quyền tự chủ, chịu trách nhiệm giải trình theo quy định pháp luật.
Theo đại biểu, điều này rất đúng nhưng chưa đủ.
Trách nhiệm giải trình trước ai, đó là trước chủ sở hữu, trước người học, trước xã hội và các cơ quan, tổ chức liên quan. Lúc đó mới có cơ chế xem xét từ trong ra ngoài.
Điều 69, có đầu đề là cơ quản quản lý nhà nước về giáo dục đại học, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cũng thấy đúng nhưng chưa đủ.
“Nên xác định là chủ sở hữu đối với đại học công lập và cơ quan quản lý nhà nước. Tinh thần là khái niệm chủ sở hữu phải được xác định ở đây là ai?
Không nên dùng chữ "cơ quan nhà nước có thẩm quyền".
Chúng tôi đề nghị thay chữ "cơ quan nhà nước có thẩm quyền" bằng danh xưng cụ thể trong hệ thống chúng ta đó là ai để làm cho dễ”, đại biểu góp ý.