Chiều 27/6, sau khi kết thúc kỳ thi quốc gia 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo tại Hà Nội, thông tin về những vấn đề đáng chú ý trong kỳ thi.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng cùng các thành viên ban chỉ đạo thi quốc gia tham dự họp báo.
Tại buổi họp báo, Tiến sĩ Sái Công Hồng - Phó cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng giải đáp các vấn đề liên quan đề thi. Đây là năm thứ hai bộ thực hiện xây dựng đề thi chỉ một môn tự luận, còn lại là trắc nghiệm, mỗi phòng thi có 24 mã đề.
Giáo viên đánh giá đề thi môn Lịch sử bám sát kiến thức sách giáo khoa |
Đề thi môn Ngữ văn cũng có các câu hỏi được chia ra làm 4 cấp độ, từ nhận biết đến vận dụng cao. Năm nay, bộ ra đề Văn mở và sẽ có đáp án mở. Nếu kịp, đáp án sẽ được công bố trong hôm nay (27/6).
Theo ông Hồng, một số ý kiến cho rằng Bộ lại thay đổi trong ra đề thi là không chính xác, vẫn có 60% cơ bản, 40% nâng cao. Phần nâng cao vẫn nằm trong chương trình học.
Đề tự luận như môn Văn cũng có cấp độ các câu hỏi từ dễ đến khó theo 4 cấp độ.
Đề trắc nghiệm như năm trước. Nhóm câu hỏi dễ nằm ở trên, khó ở dưới, giúp thí sinh lần lượt làm từ dễ đến khó. Năm 2018, đề thi được tăng cường độ phân hóa, có những câu rất dễ đến câu khó.
Để tăng độ phân loại thí sinh, đề thi phải có một số câu hỏi được tăng độ khó lên. Không phải đề thi khó, chỉ là một số câu khó.
Cũng theo ông Hồng, so sánh với năm 2017, độ khó tăng lên là hiển nhiên vì nội dung kiến thức được mở rộng cả phần kiến thức lớp 11. Tuy nhiên, học sinh đã được thông báo sớm, ngay khi các em đang học lớp 11.
So với 2017, Bộ công bố 3 đề thi minh họa thử nghiệm và tham khảo, học sinh được tập luyện nhiều hơn. Đây cũng là năm thứ hai sử dụng ngân hàng đề thi. Nước sử dụng ngân hàng chuẩn hóa nhiều nhất là Mỹ (có kỳ thi chuẩn hóa SAT, ACT).
Việc cân bằng độ khó giữa các đề thi được học tập từ các tổ chức ra đề chuẩn hóa nổi tiếng như College Board, Cambridge, Everett Lindquist.
"Chúng tôi cố gắng tiếp tục cập nhật, tập huấn để nâng cao", ông Hồng nói.
Ông Mai Văn Trinh khẳng định, lọt chứ không phải lộ đề thi quốc gia, không ảnh hưởng kết quả thi (Ảnh: Thanh Hùng) |
Còn về thông tin phản ánh việc đề môn Vật lý, Lịch sử lọt ra ngoài, ông Mai Văn Trinh cho rằng, nếu ra ngoài trước khi làm bài là lộ đề.
Thực tế, đề được đưa lên mạng khi giờ làm bài thi môn đó đã kết thúc, nên không phải lộ đề, nên không ảnh hưởng kết quả kỳ thi.
Quy chế quy định thí sinh được đưa vào phòng thi thiết bị có chức năng ghi âm, ghi hình, chỉ thu, không phát. Có thể các thí sinh tự do mang theo thiết bị, kết thúc môn thi mới truyền đề ra ngoài.
Với các thắc mắc, đề thi năm 2017 được nhìn nhận là dễ, đến năm 2018 lại gây khó cho thí sinh, vậy mục tiêu "kép" vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học liệu có đạt được?
Trước câu hỏi này, ông Mai Văn Trinh khẳng định kỳ thi hai mục đích vẫn còn phù hợp. Sau khi có sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 và chương trình sách giáo khoa mới, Bộ sẽ có phương án thi phù hợp.