LTS: Năm học mới đã bắt đầu, phụ huynh, học trò thì quay cuồng với sách vở, với các khoản phí...còn các thầy cô thì sao? Nghề dạy học như người đưa đò, nhưng có muôn nẻo đường đò và mỗi người một cách đưa đò qua sông, chỉ có nỗi vất vả là như nhau...
Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nghe cô giáo Phan Tuyết kể về công việc của chủ nhiệm lớp mới thấu hiểu vì sao một số giáo viên lại tìm cách né tránh để không làm chủ nhiệm.
Gặp cô bạn dạy cấp 2 ở trường trung học cơ sở trong thị xã, thấy tôi, bạn hồ hởi khoe: “Năm nay thoát được cảnh làm giáo viên chủ nhiệm. Phải cố gắng lắm mới xin được đấy”.
Cũng là giáo viên nên tôi hiểu rõ tâm trạng của bạn bởi giáo viên chủ nhiệm không chỉ chịu trách nhiệm chung về chất lượng học sinh, còn phải gánh trên vai bao nỗi nhọc nhằn không tên và còn là nơi để bao phiền toái đổ xuống.
Đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm lớp phải tìm hiểu để nắm chắc các đối tượng học sinh trong lớp mình, từ đó mới có điều kiện phân loại và giúp đỡ các em một cách hiệu quả.
Nếu phụ huynh ở các khu đô thị lớn thường rất quan tâm đến việc học tập, sinh hoạt của con, thường xuyên liên hệ, trao đổi với giáo viên để nắm bắt tình hình học tập, sinh hoạt của con mình, thì phụ huynh ở những vùng nông thôn thường phó mặc hoàn toàn con cái cho nhà trường.
Khi giáo viên có việc cần gặp, gọi điện thoại cũng ít khi cầm máy, đến nhà cũng ít khi gặp, mời giấy lên trường cũng chẳng bao giờ tới.
Nhọc nhằn giáo viên chủ nhiệm lớp (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Có phụ huynh nói: “Cháu nó học được gì thì học, cô thầy cũng đừng ép, gia đình tôi cũng mệt mỏi rồi”.
Những học sinh chăm ngoan, học giỏi còn đỡ, học sinh lười học, cá biệt, có em đi học không vào lớp, trốn tiết, chơi với bạn xấu, vô lễ với thầy cô…
Phối hợp cùng gia đình không được, giáo viên chủ nhiệm là người lãnh đủ khi để lớp của mình liên tục bị tụt hạng dẫn đến việc xếp loại giáo viên cuối năm cũng bị khống chế.
Nhưng chưa áp lực, chưa phiền toái bằng việc học sinh đột ngột bỏ học. Giáo viên chủ nhiệm phải đi mòn đường, gọi đến cháy sim nhưng các em vẫn không quay lại học.
Có người bị phụ huynh chửi, xua đuổi khi “con tôi nghỉ học đi làm mắc mớ gì cô mà cứ đến nói hoài. Nó đi học, không có tiền, cô có đóng cho không”?
Vận động các em đi học phần vì thương trò phải dang dở việc học khi còn nhỏ, phần cũng vì thương mình sẽ bị hạ loại thi đua vào cuối năm khi không đảm bảo được sĩ số.
Giáo viên sợ học sinh bỏ học, chuyện có thật ở trường học(GDVN) - Giáo viên ngày nay bị rất nhiều áp lực từ việc dạy học đến việc giáo dục học sinh, thậm chí “sợ” và bất lực khi học sinh bỏ học giữa chừng. |
Chưa kể biết bao cuộc thi, bao phong trào nhà trường phát động. Giáo viên chủ nhiệm lớp phải cùng với học sinh cố gắng để hoàn thành một cách hiệu quả nhất.
Bên cạnh gánh nặng về giáo dục và chất lượng học tập của học sinh, có lẽ khổ nhất là nạn thu các khoản tiền đầu năm từ tiền học phí, tiền xây dựng, văn phòng phẩm đến các loại tiền bảo hiểm.
Ngoài những khoản tiền bắt buộc phải đóng ở trên, giáo viên chủ nhiệm phải trổ tài vận động phụ huynh ủng hộ tiền hội phí.
Nói là tự nguyện nhưng lại đưa ra mức sàn ít nhất từ 100 nghìn, có trường 200 nghìn. Muốn thu đủ, giáo viên phải tìm mọi cách thuyết phục phụ huynh phải móc hầu bao của mình.
Thế là “Cô giáo bước vào lớp, cô mặc bộ áo dài hoa rất đẹp. Cô đặt chiếc cặp lên bàn và mỉm cười hỏi: “Hôm nay lớp ta có ai đóng tiền không?"" như trong đoạn văn một học sinh lớp 3 đã viết.
Vai trò của giáo viên đã chuyển từ người dạy sang người “đòi nợ”. Mỗi ngày nếu không muốn lớp mình bị nhắc nhở, bản thân mình bị coi là “làm công tác chủ nhiệm lớp chưa tốt”…thầy cô chủ nhiệm phải trổ tài thuyết phục phụ huynh đôi khi dùng các biện pháp hù dọa các em để đạt mục đích.
“Trăm dâu đổ đầu tằm” là câu nói rất đúng khi liên hệ với vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp hiện nay.