LTS: Giáo viên bộ môn đứng lớp giảng dạy là một việc rất đỗi bình thường, nhưng tiết học sẽ như thế nào khi hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường đứng lớp để giáo viên trong trường được dự giờ, học hỏi?
Thử hỏi, có bao nhiêu trường, Ban giám hiệu làm được điều này? Hôm nay, trong bài viết này, cô giáo Phan Tuyết thẳng thắn nhìn nhận điều này.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết.
Sau bài viết “Chưa bao giờ thấy ban giám hiệu nào dám thao giảng một tiết học cụ thể” của tác giả Đỗ Quyên đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được nhiều sự đồng tình của đông đảo bạn đọc.
Có lẽ, do tình trạng ấy không chỉ diễn ra ở một trường, một địa phương mà xảy ra nhiều nơi trên cả nước khi giáo viên đã lên chức Ban giám hiệu thì họ sẽ không bao giờ giảng dạy một tiết thao giảng nào cho giáo viên trong trường dự giờ để học hỏi.
Ban giám hiệu nghiễm nhiên trở thành người chỉ đạo chuyên môn của cả một trường. Lúc này mọi lời nói, mọi phán xét của họ trở thành “thánh chỉ” giáo viên chỉ biết thực hiện và tuân theo.
Khi Ban giám hiệu nói được làm được thì giáo viên sẽ hết kêu ca (Ảnh minh họa từ hanoistar.edu.vn) |
May mắn cho những trường học nào Ban giám hiệu là giáo viên dạy giỏi, giáo viên có kinh nghiệm nhiều trong giảng dạy thì việc chỉ đạo chuyên môn của Ban giám hiệu đó cũng chặt chẽ, sát thực hơn.
Nhưng ở nhiều nơi, không ít trường, giáo viên làm giám hiệu lại từng là người đi thi giáo viên dạy giỏi không đỗ, hoặc thi đến vài lần mới đỗ hạng vớt vát.
Những người này, khi lên chức họ lại vô cùng khắt khe với giáo viên và luôn bảo thủ những “tối kiến” của mình.
Do không bao giờ phải thao giảng trước giáo viên nên nhiều Ban giám hiệu không cần nỗ lực nhiều, nếu lên lớp dạy cho đủ số tiết theo quy định cũng chỉ là dạy qua loa, chiếu lệ. Bởi ai dám kiểm tra giáo án? Ai dám vào dự giờ Ban giám hiệu?
Thực tế thì phần lớn Ban giám hiệu nhiều trường học không dám dạy mẫu cho giáo viên dự bởi chính họ cũng sợ tiết dạy của mình sẽ không thành công và lúc đó thì sẽ khó ăn nói với giáo viên.
Một phó hiệu trưởng lên tiếng về "không đứng lớp, vẫn nhận tiền mà không xấu hổ"(GDVN) - Nhiều giáo viên cho rằng, Ban giám hiệu dạy ít là sướng…chứ có mấy giáo viên hiểu được tính vất vả, phức tạp của công việc quản lý? |
Người ngoài ngành sẽ khó hiểu điều này nhưng người trong nghề lại hiểu rất rõ vì sao giữa lý thuyết và thực hành (tiết dạy) thường có một khoảng cách khá xa.
Người lên một tiết dạy dự giờ dù là giáo viên dạy giỏi, giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm vẫn vấp phải một số lỗi mà người ngồi dự sẽ rất dễ nhìn thấy như thời gian không đảm bảo hay phân bố thời gian chưa hợp lý giữa các phần.
Giáo viên sử dụng phương pháp hoặc hình thức dạy học chưa hiệu quả, chưa bao quát lớp, chưa quan tâm đến mọi đối tượng học sinh…
Nghề giáo khác với những ngành nghề khác đặc biệt là nghề y. Bác sĩ giỏi lý thuyết cũng thường giỏi thực hành. Một Giáo sư Tiến sĩ y học vừa là một giảng viên giỏi vừa là một bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao.
Nhưng trong giáo dục, lý thuyết và thực hành đang ở cách nhau một trời một vực, một người thầy giỏi lý thuyết nhưng có thể là một “thợ giảng” tồi.
Trong giai đoạn hiện nay, giáo dục đang được đổi mới từng ngày. Việc áp dụng những mô hình dạy học mới, việc áp dụng Thông tư 30 về việc đánh giá nhận xét học sinh trong tiết học…luôn làm các thầy cô đau đầu vì rất khó vận dụng vào tiết dạy một cách hiệu quả.
Giá như Ban giám hiệu các trường - những người đang trực tiếp chỉ đạo chuyên môn vừa phổ biến lý thuyết, vừa minh họa bằng các tiết dạy thực tế ở các khối lớp trong trường của mình để giáo viên dự giờ, học hỏi.
Nếu những tiết dạy của họ thành công như những lý thuyết họ yêu cầu thì giáo viên không chỉ “tâm phục khẩu phục” mà còn phải cố gắng học tập để làm theo.
Khi đó sẽ chẳng có lý do gì để các thầy cô giáo phải than vãn, kêu ca như hiện nay.