Ngăn ngừa và phòng chống bạo lực học đường chỉ mới nằm trên giấy

12/10/2018 08:42
Phương Linh
(GDVN) - Sau một năm triển khai chương trình phòng chống bạo lực học đường, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch triển khai, nhưng lại bê nguyên xi văn bản của Bộ.

Ngày 10/10, tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội thảo triển khai nghị định số 80/2017/NĐ-CP, và quyết định số 5886/QĐ-BGDĐT ở các trường phổ thông nằm trong khu vực phía Nam.

Nghị định 80/2017 quy định về môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường, còn quyết định 5886 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình hành động phòng chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021.

Ông Dương Văn Bá - đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội thảo về bạo lực học đường (ảnh: P.L)
Ông Dương Văn Bá - đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội thảo về bạo lực học đường (ảnh: P.L)

Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Văn Bá – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị, Công tác học sinh, sinh viên cho biết, sau hơn một năm triển khai, hầu hết các Sở Giáo dục và Đào tạo đều đã có kế hoạch triển khai, nhưng lại chỉ dừng ở mức bê nguyên xi công văn của Bộ.

Qua khảo sát thực tế, các cơ sở giáo dục lại chưa nắm chắc số liệu. Ví dụ như trong năm học vừa rồi, báo cáo của ngành giáo dục cả nước đã xảy ra vài trăm vụ bạo lực học đường, mỗi tỉnh, thành phố xảy ra từ 2 – 3 vụ, nhưng số liệu của ngành công an lại lên đến hơn 2.000 vụ, gồm cả 53% số vụ xảy ra trong môi trường học đường.

Từ năm 2011 đến nay, bạo lực lại xuất hiện với nhiều diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng.

Nhiều đại biểu các tỉnh tham gia hội thảo cho rằng, chính sự tương tác của mạng xã hội đã làm gia tăng tính nghiêm trọng của bạo lực học đường.

Lực lượng bảo vệ, giám thị ở các trường lại mỏng, không có cơ chế, chính sách rõ ràng, nên một trường khá lung túng trong công tác tổ chức.

Hội thảo về bạo lực học đường được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 10/10 (Ảnh: P.L)
Hội thảo về bạo lực học đường được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 10/10 (Ảnh: P.L)

Một số đại biểu nói, bạo lực học đường không thể dẹp bỏ “một sớm một chiều”, do đặc điểm lứa tuổi của học sinh, phần chưa có cơ chế pháp lý để xử lý khi xảy ra sự việc.

Theo Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 2 – bà Nguyễn Thị Cúc, thông thường, những trường hợp tham gia bạo lực học đường đều có hoàn cảnh gia đình không trọn vẹn.

“Biện pháp căn cơ nhất để phòng tránh vẫn là giáo dục, nhất là giáo dục về đạo đức. Các học sinh này cần được quan tâm, yêu thương nhiều hơn” – bà Nguyễn Thị Cúc nhấn mạnh.

Thầy cô giáo phải thực sự là tấm gương sáng về đạo đức để cho các em học sinh noi theo. Nhìn vào hình ảnh thầy cô, các em thấy đó là hình ảnh thần tượng của mình, để khi các em có bức xúc, nóng nảy thì nhìn vào đó, các em sẽ biết chùn bước lại.

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 2 chia sẻ: Trong bất cứ giá nào, giáo viên không được sử dụng bạo lực đối với học sinh. Nếu các em có quá lắm thì sử dụng biện pháp giáo dục, phối hợp giáo dục chứ không được sử dụng bạo lực.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đông Tháp đề xuất, có thể sử dụng bài khảo sát, bộ hệ thống bộ câu hỏi trắc nghiệm như là một biện pháp phân loại học sinh có khả năng gây ra bạo lực học đường, để có những biện pháp can thiệp, tác động phù hợp.

Trong thời gian sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các trường học hoàn chỉnh cơ sở vật chất như tường rào, nhà vệ sinh, cổng trường để có được một môi trường học an toàn.

Song song đó, cần tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, đẩy mạnh việc xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử trong học đường. Các Sở Giáo duc và Đào tạo tăng cường chỉ đạo các trường triển khai mạnh mẽ hoạt động phòng chống bạo lực học đường.

Các Hiệu trưởng phải khảo sát, phân chia được học sinh thành hai nhóm: Nhóm có nguy cơ gây ra bạo lực, nhóm bị bạo lực để có giải pháp thực hiện căn cơ hơn.

Phương Linh