LTS: Với mong muốn trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng ban hành quy tắc ứng xử văn hóa học đường càng sớm càng tốt, tác giả Nhật Khoa đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Năm học 2017 - 2108 vừa qua, xã hội đã rất đau xót trước hàng loạt vụ việc đáng buồn xảy ra trong trường học như: phụ huynh bắt cô giáo quỳ, học sinh đâm thầy giáo bị thương, cô giáo 3 tháng lên lớp không giảng bài, giáo viên phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau, cô giáo bắt học sinh ngậm dép, rồi các vụ đau lòng khác như bảo mẫu hành hạ trẻ em, thầy cô giáo đánh học sinh nhập viện, thầy giáo gạ tình đổi điểm, hay như vụ các học sinh đánh nhau, quay clip phát tán trên mạng…
Theo thống kê một năm học đã xảy ra khoảng 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau trong và ngoài nhà trường, đây đúng là con số đau lòng về việc nỗ lực ngăn chặn bạo lực học đường.
Nhiều chuyên gia, các nhà nghiên cứu cho rằng các vụ việc bạo lực học đường, ứng xử trong trường học chưa cho thấy dấu hiệu dừng lại nếu chúng ta chưa có những giải pháp căn cơ, hiệu quả và lâu dài.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã họp với nhóm nghiên cứu xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học vào đầu tháng 4/2018.
Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học nhằm tạo nên một môi trường lành mạnh, an toàn trong môi trường giáo dục (Ảnh minh họa: thoidai.com.vn). |
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh yêu cầu bộ quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học phổ thông phải được ban hành trước năm học mới 2018 - 2019 để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm học, kèm theo đó là các chế tài đủ mạnh.
"Đây sẽ là giải pháp quan trọng nhằm xây dựng văn hóa ứng xử trường học hiệu quả trong thời gian tới", Bộ trưởng Nhạ nói.
Quy tắc ứng xử văn hóa học đường rất cần thiết
Để giảm thiểu các vụ bạo lực học đường, bên cạnh các giải pháp đồng bộ khác như tạo môi trường làm việc thân thiện cởi mở, tăng cường chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và học sinh, tạo động lực học tập cho học sinh… thì việc ban hành quy tắc ứng xử văn hóa trong học đường là một trong những giải pháp cơ bản để giáo viên và học sinh thực hiện.
Theo Bộ trưởng, chương trình các môn học về đạo đức, giáo dục công dân trong nhà trường còn mỏng về thời lượng, nhẹ về chất lượng, đơn giản về phương pháp.
Vị thế của môn học chưa được coi trọng đúng mức, các địa phương hầu như chưa coi trọng đội ngũ giáo viên dạy những môn học này.
Ngay cả tại các trường sư phạm, khoa ngành học đạo đức, nhóm ngành giáo dục công dân cũng bị xem nhẹ hơn những khoa, ngành khác.
Theo đó, một số quy định trong đó vẫn còn chung chung, thiếu điều kiện thực hiện, thiếu chế tài, thiếu kiểm tra giám sát, dẫn tới quá trình thực hiện trong thực tế có lúc, có nơi chưa hiệu quả.
Vì sao văn hóa ứng xử trong trường học ở Việt Nam thiếu chuẩn mực? |
Bộ trưởng yêu cầu, trước mắt ưu tiên và cần tập trung ngay vào việc xây dựng quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học phổ thông, cần thay đổi tư duy khi đưa ra các quy định, đảm bảo các yêu cầu:
Khả thi, dễ thực hiện, dễ nhớ; quy định rõ những điều cần làm, không được làm; quy định chế tài cụ thể, trách nhiệm của mỗi cấp: trường, sở, địa phương; trách nhiệm của học sinh, giáo viên, phụ huynh…
"Không quy định chung chung" kiểu như học sinh phải ngoan ngoãn, lễ phép mà nên quy định cụ thể để hướng dẫn dễ thực hiện, ví dụ như học sinh gặp thầy cô giáo phải dừng lại, khoanh tay chào hay giáo viên gặp học sinh phải niềm nở, vui vẻ… có như vậy thì mọi người mới dễ hiểu, dễ thực hiện và giám sát, đánh giá được”, Bộ trưởng lưu ý.
Do đó, ban hành quy tắc ứng xử văn hóa học đường làm cơ sở pháp lý để giáo viên và học sinh thực hiện theo là việc làm rất cần thiết hiện nay.
Phải có chế tài đủ mạnh, có đủ sức răn đe
Thực tế hiện nay, việc dạy “người” tại các cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, môn giáo dục công dân giảng dạy về đạo đức chưa được chú trọng về nội dung, hình thức và số tiết học quy định.
Hiện nay, số tiết thực học môn Giáo dục công dân ở phổ thông chỉ 1 tiết/ tuần cho thấy môn học trên còn bị xem nhẹ, hay nhiều giáo viên, gia đình học sinh… xem nó là môn “phụ”.
Theo ý của tôi để môn Giáo dục công dân được quan tâm hơn phải tăng cường số tiết học trên lớp và môn Giáo dục công dân phải là môn thi tuyển sinh vào kỳ tuyển sinh lớp 10 hay là môn bắt buộc vào các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học…
Hiện nay, có một số trường phổ thông đã xây dựng được các quy tắc ứng xử trong nhà trường nhưng về cơ bản còn chung chung, đa số học sinh chưa quan tâm, giáo viên chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện… dẫn đến có ban hành nhưng khi thực hiện không mang một hiệu quả, thậm chí mang tính chất đối phó, không có giải pháp triển khai.
Và quan trọng là có ban hành nhưng không có chế tài xử lý các trường hợp vi phạm.
Do đó, khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm về việc xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong học đường theo hướng cụ thể không quy định chung chung nữa.
Mọi hy vọng về việc ban hành quy tắc ứng xử cụ thể, rõ ràng như học sinh gặp giáo viên phải chào, kính trọng, đối xử với bạn bè như thế nào?
Giáo viên ứng xử với cấp trên, đồng nghiệp, học sinh và với cha mẹ học sinh, người đại diện cha mẹ học sinh (sau đây xin được gọi là người thân học sinh) hay việc người thân học sinh ứng xử vơi giáo viên, học sinh trong nhà trường…
Và quan trọng nhất và biện pháp triển khai như thế nào? Đánh giá hiệu quả ra sao? Cũng như chế tài bằng biện pháp nào để tất cả mọi thành viên đều phải thực hiện theo một cách tốt nhất.
Phải có xử phạt cụ thể, đánh giá hiệu quả mà bộ quy tắc mang lại bằng những thực tiễn như việc hạn chế bạo lực học đường cụ thể.
Đến nay sao chưa thấy Bộ Giáo dục ban hành quy tắc ứng xử?
Trong tháng 4/2018 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nêu sẽ ban hành quy tắc ứng xử học đường ngay từ đầu năm học 2018 – 2019 tức là đầu tháng 8 để các trường triển khai thực hiện để góp phần giảm thiểu bạo lực học đường, tạo môi trường sư phạm trong sạch, lành mạnh, làm sao học sinh yêu thích được đến trường với khẩu hiệu “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”.
Tôi và nhiều giáo viên cứ chờ đợi, đến nay là cuối tháng 9/2018 nhưng tôi vẫn chưa thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy tắc ứng xử học đường trên.
Theo tôi như trên là quá chậm và hình như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo “quên” lời hứa của mình về việc ban hành từ đầu năm 2018 – 2019.
Có những lý do khác khiến nhiều giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo |
Thông qua bài viết, tôi mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng ban hành quy tắc ứng xử văn hóa học đường trong thời gian tới, càng sớm càng tốt.
Nó sẽ là cơ sở để giáo viên và học sinh thực hiện, tránh những vụ bạo lực học đường trong năm học qua, tiến tới môi trường sư phạm trong sạch, văn minh, đầy tình thương, nhân văn, tiên tiến.
Đó cũng là một trong những cách để cải thiện môi trường sư phạm, hạn chế bạo lực học đường trong thời gian tới, đó cũng là cách thể hiện sự quan tâm của người đứng đầu ngành giáo dục.
Song song với việc ban hành quy tắc ứng xử văn hóa học đường, cũng mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu và trình lãnh đạo Đảng, chính quyền quan tâm hơn nữa đến chế độ, thu nhập của giáo viên, môi trường sư phạm cũng như cách tạo động lực học tập cho các em.
Giáo viên đang rất chờ đợi không biết đến khi nào thu nhập của giáo viên mới được xếp ngang với công an, quân đội như tinh thần nghị quyết Trung ương?
Và quan trọng nhất là không phải hô hào khẩu hiệu mà phải quan tâm đời sống, tâm tư tình cảm giáo viên, bảo vệ giáo viên, không thể có việc giáo viên trong đó có giáo viên nữ phải trực trường vào ban đêm bảo vệ tài sản nhà trường trong khi đó không ai bảo vệ giáo viên, đó là việc làm trái Luật của tỉnh Tiền Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cho ý kiến về vấn đề này.