Ngày 10/7, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng đã phát động chương trình “ngày yêu thương” nhằm phát huy truyền thống tương thân tương ái, giáo dục lòng nhân ái, tinh thần chia sẻ, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng cho học sinh.
Đây được xem như một chương trình “kế hoạch nhỏ đặc biệt” của ngành giáo dục Đà Nẵng.
Trao đi và nhận lại những yêu thương
Từ sáng sớm, gần 500 đội viên (học sinh các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn Đà Nẵng), đoàn viên đã có mặt tại trường trung học phổ thông Nguyễn Hiền (quận Hải Châu) để tham gia chương trình.
Các bạn nhỏ "miền ngược" vui vẻ đón nhận những món quà là chú gấu bông, là tập vở còn mới... từ những người bạn miền xuôi. Ảnh: TT |
Mười bạn nhỏ, đại diện cho các bạn học sinh miền xuôi đã tặng những món quà đầy ý nghĩa cho các bạn “miền ngược”.
Đó là những chú gấu bông xinh xắn được giặt giũ sạch sẽ, là những quyển vở trắng tinh còn nguyên mùi giấy mới…
Những nụ cười rạng rỡ, sự tò mò háo hức của những bạn học sinh người Cơ-tu khi mở hộp quà khiến các bạn nhỏ “miền xuôi” cũng vui lây.
Vì sao "kế hoạch nhỏ" ở Đà Nẵng bỏ thu gom vỏ lon bia, giấy vụn?(GDVN) - Phong trào thu gom, đóng góp giấy loại hoặc vỏ lon bia đã qua sử dụng không còn phù hợp, gây phiền hà cho học sinh và phụ huynh, tạo dư luận không tốt. |
Nguyễn Trường Giang (học sinh trường trung học cơ sở Tây Sơn – Đà Nẵng) chia sẻ, khi được thầy cô thông báo về chương trình, em đã gom toàn bộ đồ chơi, sách vở cũ của mình để tặng các bạn.
“Những món đồ chơi, những quyển truyện tuy đã cũ nhưng là tấm lòng của chúng em gửi đến các bạn. Mong các bạn ấy vui với những đồ chơi và dụng cụ học tập mới” Giang tâm sự.
Cũng trong ngày hội ngộ hai miền ngược – xuôi, các bạn học sinh người dân tộc Cơ-tu đến từ miền núi Đông Trường Sơn đã “trao lại” những món quà thật đặc biệt để chia sẻ với các bạn nhỏ thành phố.
Đó là những chiếc bánh lá được gói cẩn thận, những chú cào cào, chú chim… được các bạn tết bằng lá dừa trông rất ngộ nghĩnh.
Cầm chú cào cào trên tay, Giang cũng như nhiều bạn nhỏ khác rất bất ngờ vì độ khéo tay của các bạn “miền ngược”. Ai cũng vui mừng, khoe với nhau từng món quà ấm áp tình yêu thương.
Quyên góp từ những tấm lòng
Cô Lê Thị Bích Thuận – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết, các trường học đã tổ chức phát động đội ngũ giáo viên, học sinh toàn ngành hỗ trợ thực phẩm, chăn mền, đồ chơi, dụng cụ học tập, áo ấm… để giúp đỡ học sinh ở các trường còn khó khăn.
Và học sinh các trường miền núi với tinh thần: quan tâm – trách nhiệm – sẻ chia.
Trao cho nhau những món quà đầy tình yêu thương và sự sẻ chia. Ảnh: TT |
“Việc vận động quyên góp thực hiện trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Đối với các trường học, không vận động học sinh gia đình chính sách, gia đình diện giải tỏa di dời, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tuyệt đối, không vận động quyên góp bằng tiền mặt” cô Thuận cho hay.
Thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương – Trưởng phòng chính trị tư tưởng (Sở giáo dục Đà Nẵng) cho biết, chương trình “ngày yêu thương” đã được các đơn vị, trường học hưởng ứng tích cực, thu hút nhiều học sinh tham gia hỗ trợ.
Danh hiệu “Dũng sĩ nhỏ”, “Chiến sĩ nhỏ” giá bao nhiêu?(GDVN) - Mục đích của phong trào “Kế hoạch nhỏ” là rèn học sinh ý thức tiết kiệm từ nhỏ, góp phần giáo dục ý thức lao động...nhưng việc thực hiện có đạt hiệu quả. |
Qua gần một tháng tổ chức vận động, quyên góp, các đơn vị trường học đã gửi về Sở một khối lượng lớn các vật phẩm hỗ trợ.
Trong đó, có 650 thùng mì tôm, 20.000 cuốn vở học sinh, 25.000 cuốn sách giáo khoa cũ, 700 cuốn truyện tranh, 4.000 cây bút, 1.526 bộ dụng cụ học tập, 180 chiếc mền…
Ngoài ra, còn có 200 thùng áo quần, áo ấm. “Số áo quần này Sở đã chọn lọc, phân loại thành 15 thùng chuyển đến các điểm trường. Sở sẽ tiếp tục chọn lọc, phân loại để chuyển đến các em học sinh miền núi trước khi mùa đông đến” thầy Vương nói.
Những chuyến hàng “đặc biệt” này sẽ được vận chuyển đến học sinh các trường, các điểm trường khó khăn trên địa bàn huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), học sinh đồng bào dân tộc thiểu số các huyện Tây Giang, Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) và học sinh các trường tiểu học Nam Lào.
“Một kết quả lớn hơn mà ngành giáo dục hướng đến đó là: chương trình ‘ngày yêu thương’ là một hoạt động giáo dục thiết thực để giáo dục học sinh tinh thần tương thân, tương ái, biết quan tâm, sẻ chia.
Sống có trách nhiệm với bạn bè và những người xung quanh, giàu lòng nhân ái, sống đẹp, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội” cô Thuận chia sẻ.