Xung quanh thực trạng dư thừa giáo viên và hoạt động đào tạo của các trường sư phạm, cách đặt chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhóm tác giả Việt Cường có bài phân tích gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Tôn trọng thông tin khách quan và đa chiều nhằm làm sáng rõ các giải pháp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, Tòa soạn xin giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này;
Chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến phản hồi từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như phân tích, trao đổi từ các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý về các vấn đề bài viết này đặt ra.
Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của nhóm tác giả.
Có một thực tế là mấy năm gần đây, số lượng sinh viên sư phạm đã tốt nghiệp không được đi dạy học, phải làm các ngành nghề khác đã lên đến mức báo động.
Nhiều em phải làm công nhân Sam Sung, lao động thủ công hoặc ở nhà buôn bán, ruộng vườn giúp đỡ bố mẹ.
Vậy là uổng phí hoàn toàn ba, bốn năm ăn học với bao tốn kém của gia đình, tiền học phí của Nhà nước và cả những tháng năm tuổi trẻ sung sức nhất của đời mình.
Công bố chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp dữ liệu từ đầu năm 2017 về Tình trạng thừa thiếu giáo viên công lập 2017 như sau:
Ảnh chụp màn hình một phần bài báo "Việt Nam đang thừa giáo viên?" đăng trên VietnamNet vào 05:40 GMT+7 ngày 15/08/2017. |
(Vietnamnet ngày 15/8/2017) [1]
Chỉ tiêu đào tạo giáo viên cả nước năm 2012 và 2013 khoảng trên dưới 90.000, 2014 là 84.000, 2015 là 61.000, 2016 là 68.000, 2017 là 54.000. [2]
Như vậy, đến tháng 7 năm 2017, gần 90.000 sinh viên Sư phạm tốt nghiệp và đến tháng 7 năm 2018, hơn 80.000 sinh viên Sư phạm tốt nghiệp sẽ không có việc làm;
Bởi thực tế số giáo viên công lập cả nước đã thừa 26.750 - 12597 = 14.153 người, như công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà Báo VietnamNet đã dẫn.
170.000 sinh viên Sư phạm ra trường trong 2 năm 2017, 2018 thử hỏi có bao nhiều người sẽ được đi dạy học? Câu trả lời là: rất ít.
Nếu thống kê được chính xác số sinh viên Sư phạm đã tốt nghiệp năm 2014, 2015, 2016 chưa có việc làm, cộng với 170.000 sinh viên này thì sẽ ra một con số làm cả xã hội chấn động.
Căn cứ theo chỉ tiêu tuyển sinh, số sinh viên Sư phạm tốt nghiệp năm 2019 khoảng 60.000, năm 2020 khoảng 65000, 2021 khoảng hơn 50.000. Cộng cả 3 năm tới sẽ ra con số là 175.000 (thực tế chỉ tiêu đào tạo là 183.000)
Tổng hợp số sinh viên Sư phạm ra trường không có việc làm và số sinh viên sẽ ra trường trong 3 năm tới không có việc làm lên đến con số 350.000 đến 400.000 người.
Đây chính là điều khiến cho nhân dân quay lưng hoặc thờ ơ với ngành Sư phạm.
Họ biết con em họ có học xong trường Sư phạm, có thể học rất giỏi vẫn không xin được việc làm.
Nếu có xin được cũng phải do quan hệ, do chạy tiền hoặc may mắn nào đấy như nhiều tờ báo đã đưa tin thời gian qua.
Ảnh chụp màn hình phóng sự Giáo viên đột ngột mất việc tại Thanh Hóa: “Không biết kêu ai” của Chuyển động 24h, VTV ngày 27/9/2016. |
Điều đó lý giải vì sao điểm chuẩn vào ngành Sư phạm 2017 lại thấp khủng khiếp;
Bức tranh đầu vào ngành Sư phạm năm 2017 lại xám xịt đến mức báo động khiến cho nhiều chuyên gia giáo dục, nhiều nhà giáo tâm huyết, nhiều nhà nghiên cứu xã hội và cả các nhà quản lý đặc biệt lo ngại.
Vậy mà, ngày 27/4/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo họp báo, thông tin chỉ tiêu tuyển sinh Sư phạm chỉ giảm 38% so với năm 2017, tức là từ 54.000 còn 33.480 chỉ tiêu. [3]
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải việc cắt giảm này rằng:
“Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương nâng cao ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để đảm bảo chất lượng đào tạo”. [4]
Bà Nguyễn Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo còn hùng hồn tuyên bố:
“Sự chuyển đổi này sẽ sát với quy mô sử dụng giáo viên, có khả năng thu hút các sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm và tăng chất lượng đào tạo, thực sự yêu nghề, gắn bó với nghề… bởi nguồn đầu vào có chất lượng cao”. [5]
Không hiểu 2 nhà quản lý này căn cứ vào đâu để đưa ra khẳng định như vậy, khi mà kỳ thi tốt nghiệp phổ thông chưa diễn ra, thực tế tuyển sinh ở các trường Sư phạm năm 2018 chưa có dữ liệu cụ thể nào?
Đâu chỉ vì giảm 38% mà khiến cho “nguồn đầu vào có chất lượng cao” và “nâng cao ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào” được ?!
Ảnh chụp màn hình bài viết Tuyển sinh sư phạm: Đặt yêu cầu cao nhưng liệu có người 'leo'? |
Nhân dân rất thông minh! Hàng nghìn sinh viên Sư phạm không được dạy học kia là tấm gương khiến cho rất ít học sinh giỏi thiết tha vào học các trường Sư phạm;
Còn những học sinh khá và trung bình thì cũng chủ yếu chọn những trường khác có khả năng xin việc cao hơn; hoặc đi các trường đào tạo nghề; hoặc đi làm công nhân; còn hơn vào Sư phạm mấy năm tốn kém đủ đường để rồi… phải tìm nghề khác kiếm sống.
Chính lúc kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay vừa mới bắt đầu, chúng tôi mạnh dạn dự báo rằng bức tranh đầu vào của ngành Sư phạm năm nay còn thảm hại hơn nữa!
Tất cả đều bắt đầu từ một nguyên nhân duy nhất: Trình độ quản lý nguồn nhân lực yếu kém và sự trì trệ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tại sao lại để cho số sinh viên Sư phạm không thể theo nghề Sư phạm nhiều đến thế?
Tại sao chỉ tiêu tuyển sinh Sư phạm năm 2018 không giảm 70, 80% mà lại là 38%? Con số 38% này, Bộ Giáo dục và Đào tạo dựa trên những tiêu chí, những cơ sở khoa học nào?
Hàng vạn cuộc đời đang bị "hủy diệt" bởi sự lãng phí nguồn nhân lực giáo dục |
Tại sao năm 2018 vẫn duyệt chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho các trường Cao đẳng Sư phạm và các trường Đại học địa phương?
Tại sao việc đào tạo giáo viên lại không giao hẳn cho các trường Đại học Sư phạm Trung ương?
Hay là cơ chế xin cho chỉ tiêu đào tạo vẫn đang ngự trị trong các cơ quan quản lý ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, dẫn đến việc bất chấp hậu quả.
Giáo viên đã thừa, đang thừa và sẽ thừa với số lượng ngày càng lớn nhưng việc đào tạo giáo viên vẫn tiếp tục ở tất cả các trường, các địa phương.
Chất lượng đào tạo của các trường Cao đẳng Sư phạm và các trường Đại học địa phương làm sao so sánh được với các trường Đại học Sư phạm truyền thống.
Đến năm 2018, mới có vài trường Đại học Sư phạm được Kiểm định, Đánh giá ngoài. Vậy, những trường chưa được Kiểm định, Đánh giá ngoài thì sao? Chất lượng đào tạo có đảm bảo đáp ứng mục tiêu đổi mới giáo dục không ?
Trong phiên họp thứ 22, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/03/2018, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình đã nói:
“Để giải quyết các bất cập về lãng phí ngân sách, thời gian, nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo Sư phạm thì cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo Sư phạm, nhân lực ngành giáo dục làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.” [6]
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện việc này như thế nào?
Phải chăng Quốc hội yêu cầu - cứ việc yêu cầu; dư luận bức xúc - cứ việc bức xúc; hiện trạng giáo dục ngổn ngang xuống cấp - cứ việc xuống cấp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cứ việc ta - ta làm, bất chấp hậu quả?
Nhìn lại từ ngày Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhậm chức đến nay, hơn 2 năm đã trôi qua, Bộ máy quản lý giáo dục từ Bộ trở xuống vẫn y nguyên, chẳng thấy nhúc nhích, đổi thay gì.
Như thế thì làm sao “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà” như Nghị quyết 29 của Đảng được ? !
Tất cả những câu hỏi này, chúng tôi để ngỏ, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời.
Nếu năm nay, bức tranh đầu vào ngành Sư phạm lại tiếp tục “Thấp tận đáy”, trách nhiệm thuộc về ai ???
*Chú thích:
[1] Việt Nam đang thừa giáo viên? - Báo Điện tử VietnamNet ngày 15/8/2017:
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/viet-nam-dang-thua-hay-thieu-giao-vien-392381.html
[2] Hàng vạn cuộc đời bị huỷ diệt bởi sự lãng phí nguồn nhân lực giáo dục - Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 28/9/2017:
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hang-van-cuoc-doi-dang-bi-huy-diet-boi-su-lang-phi-nguon-nhan-luc-giao-duc-post179911.gd
[3] [4] [5] Nóng kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Chỉ tiêu Sư phạm giảm mạnh 38% - Báo Giao thông ngày 27/4/2018:
http://www.baogiaothong.vn/nong-ky-thi-thpt-quoc-gia-2018-chi-tieu-su-pham-giam-manh-38-d253859.html
[6] Những cái nhìn sai trái, lệch lạc về nền giáo dục Việt Nam - Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 20/8/2018:
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nhung-cai-nhin-sai-trai-lech-lac-ve-nen-giao-duc-Viet-Nam-post184574.gd