Theo đề án sắp xếp, đổi mới tổ chức, hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2017 – 2020, Đà Nẵng sẽ giảm ít nhất 2.000 biên chế.
Trong đó, đến cuối năm 2018 sẽ chấm dứt tất cả các hợp đồng tại khu vực hành chính công. Đồng thời, siết chặt các chỉ tiêu tuyển dụng công chức, viên chức.
Điều này khiến nhiều học viên đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (đề án 922) lo lắng, tâm tư khi nhiều người vẫn đang trong giai đoạn hợp đồng, chưa được tuyển dụng vào biên chế.
Lo lắng vì cánh cửa biên chế đang “khép lại”
Theo sở Nội vụ Đà Nẵng, trong số 460 học viên đề án 922 được bố trí công tác thì chỉ có 207 học viên được tuyển dụng công chức, viên chức. Số còn lại đang làm việc dưới dạng hợp đồng.
Nhiều học viên đề án 922 vẫn đang làm việc ở dạng hợp đồng khiến họ tâm tư, lo lắng. Ảnh: TT |
Chị Thùy Dung (học viên đề án 922), hiện đang công tác tại phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận Hải Châu cho biết, việc chấm dứt hợp đồng đối với tất cả nhân viên trong khu vực hành chính công vào cuối năm 2018 đang khiến nhiều học viên băn khoăn, lo lắng.
Bởi chị Dung cũng như nhiều học viên khác vẫn chưa được tuyển dụng vào biên chế.
Có một thực tế là số lượng nhân viên hợp đồng đang làm việc tại khu vực này rất đông khiến các cuộc thi tuyển cạnh tranh rất gay gắt.
Ước nguyện của những “nhân tài” từng dùng tiền nhà nước đi học |
Không chỉ các học viên đề 922 tham dự thi mà còn cả những người thuộc diện thu hút, nhân viên làm việc lâu năm…
Theo chị Dung thì thành phố sẽ chuyển các học viên đang làm việc dưới dạng hợp đồng sang các đơn vị sự nghiệp.
Nhưng ở các quận/huyện, chuyên ngành chị Dung học là chính sách xã hội và xã hội học, nếu chuyển về đơn vị sự nghiệp ở quận thì chỉ có làm việc ở trung tâm văn hóa hoặc Đội quy tắc đô thị.
Nếu chuyển về đó làm việc thì sẽ trái ngành, lãng phí những kiến thức, kỹ năng bao năm chị được đào tạo bằng nguồn ngân sách thành phố.
Cùng chung nỗi tâm tư trên, anh Nguyễn Ngọc Tiến, hiện đang công tác tại Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng (thuộc sở Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ, đã có thông báo đến cuối năm 2018 sẽ cắt toàn bộ hợp đồng lao động.
Trong khi Chi cục không còn chỉ tiêu biên chế mà số lượng học viên đang hợp đồng thì còn nhiều.
Nếu muốn biên chế thì phải dựa trên số cán bộ nghỉ hưu và chỉ tiêu được phân về, có khi phải chờ thêm 15 năm nữa mới có vị trí.
“Để giải quyết vấn đề này, bọn em sẽ phải luân chuyển về các đơn vị sự nghiệp của thành phố. Nhưng nếu luân chuyển về đó thì sẽ trái với chuyên ngành mình được đào tạo, sẽ rất khó khăn”, anh Tiến nói.
“Nhân tài” sẽ được ưu tiên thi tuyển công chức
Theo ông Võ Ngọc Đồng - giám đốc sở Nội vụ Đà Nẵng thì địa phương này hiện có 1.965 biên chế được duyệt, phân bổ cho các sở/ngành, quận/huyện. Hiện số lượng biên chế của Đà Nẵng còn rất ít.
Tới đây có 80 suất biên chế, thành phố sẽ ưu tiên cho học viên đề án thi tuyển.
Bức tranh toàn cảnh về đào tạo, sử dụng, khởi kiện “nhân tài” ở Đà Nẵng |
“Khi chuyển các học viên đề án về đơn vị sự nghiệp, thành phố sẽ đặc cách không qua thi tuyển. Sau 5 năm công tác sẽ tiếp tục được đặc cách vào biên chế công chức”, ông Đồng cho hay.
Cũng theo sở Nội vụ thì trong năm 2018, Sở đã tham mưu giao bổ sung 105 chỉ tiêu biên chế dành riêng cho đối tượng học viên đề án để các đơn vị sự nghiệp thực hiện tuyển dụng.
Riêng đối với các cơ quan hành chính, học viên đề án sẽ được ưu tiên cử dự thi tuyển công chức hàng năm theo quy định của trung ương và thành phố.
“Chỉ tiêu biên chế rất khắt khe. Nhưng qua nổ lực giải quyết của thành phố thì cơ bản vấn đề biên chế để các học viên đề án 922 trở thành công chức, viên chức được giải quyết.
Mặc dù, sẽ có một số bạn sẽ thi tuyển và điều chuyển cho phù hợp nhưng sẽ hòa chung trong bộ máy của thành phố. Chỉ tiêu biên chế có hết rồi, còn nhiệm vụ các bạn là phải thi tốt.
Không có bạn nào có nhiều đóng góp, có khả năng... mà không được tuyển dụng vào công chức, viên chức”, đại diện Ủy ban nhân dân thành phố khẳng định.