Gian lận điểm thi ở Hòa Bình, Sơn La đang thu hút sự chú ý của dư luận. Cơ quan chức năng đã làm rõ được tại Hòa Bình có đến có 64 thí sinh (trong đó có 63 thí sinh của năm 2018 và một thí sinh năm 2017) đã có sự thay đổi điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm đã công bố.
56 thí sinh với 47 bài thi trắc nghiệm đã được thay đổi điểm. Trong đó, bài thi được nâng đến 9,25 điểm. Có thí sinh được nâng điểm 3 môn lên đến 26,45 điểm.
Sơn La có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 02 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây.
Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9,00 điểm.
Xung quanh việc gian lận thi cử, nhiều ý kiến cho rằng cần công khai danh sách thí sinh được nâng điểm lên để minh bạch thông tin và có tính chất răn đe.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến bảo về quyền lợi của thí sinh vì các em còn trẻ, nhiều khi không liên quan đến việc sửa điểm mà do chính cha mẹ của các em làm.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (ảnh quochoi.vn). |
Trước những tranh luận trên, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội của đoàn Đồng Nai, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc Hội.
Theo ông Dương Trung Quốc thì nên công khai danh sách thí sinh và ông cũng cho rằng, phải xem nguyên nhân, động cơ của người sửa điểm do đâu, để thấy trách nhiệm của từng thí sinh liên quan.
Theo phân tích của ông Dương Trung Quốc: “Đứng về lý thuyết mà nói, có thể người ta tự ý sửa điểm của thí sinh chứ không phải được nhờ, hay thuê.
Do đó, cần làm rõ trách nhiệm, động cơ của người sửa điểm, trách nhiệm của gia đình và thí sinh liên quan”.
Không công khai thí sinh gian lận là bao che cho tham nhũng, tiêu cực |
Ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Trong trường hợp động cơ sửa điểm có nguyên nhân do gia đình và bản thân thí sinh thì như vậy là trái pháp luật.
Trường hợp này phải công khai, minh bạch”.
Một lần nữa vị này cho rằng: “Trước khi công khai thì phải làm rõ động cơ của người sửa điểm. Mặc dù, về mặt lô - gích ai cũng biết không có nhờ vả thì không làm.
Phải làm rõ vấn đề này để rõ trách nhiệm của mỗi người liên quan. Tránh trường hợp cho rằng, không nhờ, không thuê mà người ta vẫn làm. Người ta làm mà tôi lại mang tiếng.
Mặc dù, về lô - gích đời thường không nhờ thì không ai làm nhưng không làm rõ thì họ có quyền nói để bảo vệ lợi ích, danh dự của họ”.
Cuối cùng vị này nhấn mạnh: “Cần phải làm rõ động cơ người sửa điểm của từng đối tượng cụ thể. Có vấn đề thuê tiền bạc không hay có vấn đề quan hệ không?
Phải làm cho rõ việc thì công bố kia mới có cơ sở xác đáng”.
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng:
“Việc không công khai danh sách thí sinh trong vụ gian lận điểm thi là vi phạm Luật Báo chí và Luật Phòng chống tham nhũng. Thậm chí là vi hiến”.
Vụ gian lận điểm thi Hòa Bình, một thí sinh không đủ điểm đậu tốt nghiệp |
Giải thích thêm, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng:“Bây giờ, vấn đề giáo dục, y tế và những vấn đề về mặt an sinh là các vấn đề xã hội tăng cường tính công khai minh bạch.
Điều này đã được quy định trong Luật phòng chống tham nhũng.
Quy định trong Hiến pháp và các luật khác để bảo đảm quyền quản lý của nhà nước, quyền công dân, thì vấn đề như thế cần phải được công khai”.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: “Đây là một vụ việc hoàn toàn là tham nhũng. Có vấn đề chạy điểm, vi phạm quy chế thi.
Do đó, phải công khai chứ không được độc quyền vi phạm. Các cơ quan pháp luật không được độc quyền vi phạm.
Còn nếu không công khai thì coi là hành vi bao che cho vi phạm. Hành vi như vậy có thể coi là một dạng vi phạm”.