Việc đùn đẩy trách nhiệm công bố danh tính thí sinh trong vụ việc gian lận thi cử như hiện nay khiến nhiều người nghi ngờ về những ẩn tình phía sau.
Không công bố hay chậm công bố danh tính thí sinh gian lận điểm thi vì lý do nhân văn hay còn lý do nào khác là câu hỏi cần được trả lời rõ ràng.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên, Nhi Đồng của Quốc hội, ông Lê Như Tiến (ảnh nguồn quochoi.vn). |
Quan điểm của ông Lê Như Tiến cho rằng, các thí sinh là nạn nhân của người lớn (Người lớn là phụ huynh, gia đình phụ huynh học sinh, người trực tiếp tham gia vào quá trình gian lận thi cử, những người trong hội đồng thi, người làm việc trực tiếp, thi hành công vụ).
Do đó, không nên nêu danh tính các em. Các em là nạn nhân và cuộc đời các em còn rất dài. Nêu danh tính các em là thiếu nhân văn”.
Tuy nhiên, ông Lê Như Tiến nhận mạnh: “Cần nêu danh tính phụ huynh học sinh, những người tham gia vào việc hoặc dùng quyền, hoặc dùng tiền để mua chuộc đội ngũ cán bộ công vụ trong ngành giáo dục.
Còn những người trực tiếp gian lận chắc chắn công bố danh tính”.
Liên quan đến xử lý các thí sinh, vị này cho rằng: “Đối với các thí sinh cần trả lại giá trị điểm thực.
Nếu điểm thực ấy vào được trường đại học, cao đẳng thì vẫn để các em theo học.
Còn điểm thực không đủ để vào thì đưa ra khỏi trường”.
Cuối cùng ông Lê Như Tiến khẳng định: “Quan trọng nhất là xử lý người lớn.
Tôi được biết một số nơi có thí sinh là con lãnh đạo cấp tỉnh, cấp sở, có chức có quyền.
Đồng thời có thí sinh là con đại gia có tiền chạy vào để lo lót thì nên công khai danh tính những người này.
Còn ở một khía cạnh nào đó các em cũng là nạn nhân”.
Được biết, trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018, kết luận điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra - Công an tỉnh Sơn La và kết quả chấm thẩm định cho thấy:
Không công bố thí sinh gian lận ở Hòa Bình, Sơn La…là rất nhân văn |
Có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây.
Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9,00 điểm.
Tại Hòa Bình, đã có 64 thí sinh (trong đó có 63 thí sinh của năm 2018 và một thí sinh năm 2017) đã có sự thay đổi điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm đã công bố.
56 thí sinh với 47 bài thi trắc nghiệm đã được thay đổi điểm. Trong đó, bài thi được nâng đến 9,25 điểm. Có thí sinh được nâng điểm 3 môn lên đến 26,45 điểm.