LTS: Giáo dục đại học đang đối mặt với nhiều thách thức để phát triển và hội nhập. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc “đi chậm” của các nhà trường, trong số vô vàn hạn chế về khách quan lẫn chủ quan thì căn nguyên rõ nhất là điều hành hiệu quả hoạt động.
Để nâng cao chất lượng, giải pháp tái cấu trúc là cần thiết. Tái cấu trúc giáo dục đại học không bắt đầu từ ý chí chủ quan của nhà lãnh đạo và cần chú trọng các chính sách kiến tạo môi trường thuận lợi cho các trường đại học phát triển.
Tái cấu trúc xuất phát từ thực tiễn và đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế.
Để làm rõ sự cần thiết của tái cấu trúc hệ thống giáo dục đại học, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Lê Quân – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, ông cũng được coi là người có kinh nghiệm trong việc thực hiện tái cấu trúc ở Đại học Quốc gia Hà Nội.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn
PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống giáo dục đại học hiện nay, cần phải tái cấu trúc lại hệ thống. Là một nhà quản trị đại học kinh nghiệm, xin ông cho biết nên hiểu tái cấu trúc giáo dục đại học như thế nào?
PGS. TS Lê Quân: Nói một cách nôm na, tái cấu giáo dục đại học là quá trình thay đổi nhằm minh bạch hóa khả năng cung cấp sản phẩm và dịch vụ của các cơ sở giáo dục đại học để người học, người sử dụng và xã hội quyết định lựa chọn. Thông qua tái cấu trúc, các nguồn lực xã hội được giải phóng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ở cấp độ quản lý nhà nước, tái cấu trúc là quá trình rà soát và điều chỉnh các chính sách kiến tạo sự phát triển của các trường; rà soát và điều chỉnh quy hoạch, sắp xếp lại và phát triển các trường đại học phù hợp với nhu cầu thực tiễn và xu hướng hội nhập; tạo dựng môi trường cạnh tranh để nâng cao chất lượng. Thông qua tái cấu trúc, nhà nước tăng cường phân cấp, tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình.
Ở cấp độ các trường đại học, đó là hoạt động tái cấu trúc nội bộ nhằm tạo lập môi trường khuyến khích sự năng động, sáng tạo, đảm bảo tự do học thuật và nâng cao vai trò, vị thế của nhà khoa học và người học. Tái cấu trúc giúp đổi mới quản trị đại học và nâng cao chất lượng của đội ngũ.
Tại sao tái cấu trúc giáo dục đại học trở nên cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, thưa ông?
PGS. TS Lê Quân: Thứ nhất, tái cấu trúc nhằm tăng hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước. Tái cấu trúc gắn với phân tầng, phân nhóm sẽ giúp làm rõ Nhà nước ưu tiên đầu tư vào đâu; các trường nào được tự chủ mạnh để gắn với xã hội hóa. Thời gian tới, cần tăng cường vai trò của các trường đại học ngoài công lập; đặc biệt là đẩy mạnh đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đại học.
|
Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân. |
Thứ hai, tái cấu trúc nhằm đẩy mạnh tự chủ đại học. Hiện nay đang có sự lúng túng trong việc phân cấp và kiểm soát chất lượng. Quản lý nhà nước cần giảm tối đa về hành chính, quản lý đầu vào thông qua cấp phép, tập trung hơn về quản lý chất lượng đầu ra.
Cần làm rõ đâu là trách nhiệm của Bộ, ngành, đâu là của Trường để tránh hiện tượng đẩy hết trách nhiệm lên Bộ. Ví dụ, nên công khai làm rõ gần 200 ngàn sinh viên tốt nghiệp không có việc làm do đâu đào tạo ra để người học và xã hội biết để lựa chọn.
Thứ ba, tái cấu trúc nhằm giải phóng nguồn lực và khả năng sáng tạo tại các trường đại học. Theo tôi quan sát có hai nhóm chính. Một số trường có bề dày truyền thống thì cấu trúc tổ chức hiện tại nặng về hành chính và quản lý chuyên môn.
Cấu trúc tổ chức không phù hợp với chiến lược phát triển của trường. Một số khác mới thành lập gặp khó khăn trong tuyển sinh, các điều kiện đảm bảo chất lượng không đáp ứng yêu cầu, quản trị đại học yếu kém làm suy giảm lòng tin của xã hội.
Nhiều trường sau nâng cấp các ngành nghề đào tạo mới không nhiều; chủ yếu đi vào đào tạo các ngành nghề mà các trường đại học có uy tín đang tổ chức triển khai.
Tình trạng phổ biến là giảng viên nhiều, thu nhập thấp; nhưng lại thiếu giảng viên và chuyên gia để phát triển các chương trình đào tạo mới đáp ứng nhu cầu của xã hội, của địa phương. Thực tế này đòi hỏi các trường phải chấp nhận tái cấu trúc để phát triển.
Tạo động lực và khả năng hội nhập
Bộ GD&ĐT đã chủ trương thực hiện phân tầng trong giáo dục đại học, quan điểm của ông về việc phân tầng với tái cấu trúc là như thế nào, thưa ông?
PGS. TS Lê Quân: Luật Giáo dục đại học đã đưa ra phân tầng và Chính phủ cũng đã ra nghị định về phân tầng. Đây cũng là hiện thực hóa tái cấu trúc, tuy nhiên thực tế triển khai chậm và các trường đại học ít quan tâm. Theo tôi, nếu chỉ tiếp cận hành chính sẽ khó thúc đẩy quá trình phân tầng mà cần các yếu tố tạo động lực.
(GDVN) - Ngày 15/04/2016, vòng hiệp thương cuối cùng đã công bố kết quả, trong đó Phó giám đốc Lê Quân được giới thiệu ứng cử đại biểu quốc hội khóa 14 tại Hà Nội. |
Tôi cho rằng, phân tầng có thể đi theo mấy hướng:
Thứ nhất, phân tầng bắt buộc với các trường muốn được Nhà nước đầu tư. nhóm này thường là các đại học định hướng nghiên cứu, cần được xếp hạng quốc tế cao.
Thứ hai, kiểm định bắt buộc về đảm bảo chất lượng với tất cả các trường. Trường nào không đáp ứng yêu cầu thì đưa vào diện xử lý hành chính.
Thứ ba, nên để các trường phân hóa tự nhiên gắn với minh bạch thông tin đáp ứng nhu cầu xã hội. Trường có thể lựa chọn xếp hạng cả trường hay xếp hạng ngành học.
Chúng ta luôn biết sự khác biệt là yếu tố sống còn để cạnh tranh. Vậy một trường cần được tự chủ và linh hoạt trong xác định chiến lược, hướng đi; được quyền lựa chọn tham gia nhiều tầng và nhiều sân khác nhau.
Nên loại bỏ quan điểm trường lớn, trường nhỏ; thay vào đó là quan điểm trường đạt chuẩn. Trên thực tế, các trường đại học tư mới thành lập hoặc phân hiệu quốc tế thường lựa chọn phương châm “nhỏ nhưng đẹp”. Tức là quy mô đào tạo ít, nhưng tập trung vào các ngành nghề có thế mạnh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm sớm và có thu nhập cao.
Nếu đòi hỏi trường nào cũng đa ngành, đa lĩnh vực, đủ các bậc đào tạo từ cử nhân đến tiến sĩ, thì sẽ rất lãng phí nguồn lực; và do vậy rất khó thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cần có định hướng tái cấu trúc
Vậy theo ông, các nhiệm vụ trọng tâm của tái cấu trúc giáo dục đại học trước mắt là gì?
PGS. TS Lê Quân: Tái cấu trúc không nên duy ý chí và không nên chú trọng giải pháp hành chính. Theo tôi, mấy nhiệm vụ trọng tâm nên làm thời gian tới là:
Thứ nhất, rà soát lại toàn bộ chính sách nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo để kiện toàn hành lang pháp lý; như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo là kiến tạo phát triển. Đặc biệt chú trọng tự chủ đại học, phát huy vai trò xã hội hóa giáo dục và đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, đẩy mạnh kiểm định chất lượng; khuyến khích thành lập các tổ chức kiểm định tư nhân và quốc tế để nhanh chóng có nhiều nguồn thông tin để định hướng xã hội và đòi hỏi các trường phải quan tâm đến thương hiệu, đầu ra và hợp tác với người sử dụng lao động.
|
PGĐ Lê Quân tại buổi làm việc với đối tác quốc tế. |
Thứ ba, nhanh chóng điều chỉnh chính sách đầu tư của Nhà nước. Nhà nước xác định một số ưu tiên trong đầu tư; bên cạnh đó thay vì cấp ngân sách trọn gói cho các trường, cần đặt hàng. Khi đó, áp lực đòi hỏi các trường phải tự tái cấu trúc thay vì cứ chấp nhận hiện thực khó khăn nhưng vẫn sống được nhờ ngân sách.
Thứ tư, cũng cần nhanh chóng ban hành được hành lang pháp lý để đáp ứng nhu cầu sáp nhập, giải thể...
Đích cuối của tái cấu trúc hệ thống giáo dục đại học là gì, thưa ông?
PGS. TS Lê Quân: Hiểu một cách đơn giản, tái cấu trúc hệ thống giáo dục đại học có đích đến là đặt cơ quan quản lý Nhà nước, các trường đại học, người học và doanh nghiệp vào đúng vị trí trong hệ thống.
Cơ quan quản lý Nhà nước đứng ở vị trí kiến tạo phát triển thông qua chính sách, kiểm định chất lượng và cung cấp thông tin minh bạch cho cả các trường đại học và người học về năng lực của các trường đại học dự báo nhu cầu việc làm trong xã hội.
Các trường đại học và người học đứng ở vị trí có thể đánh giá, phản biện và ra quyết định lựa chọn theo quy luật của thị trường. Điểm mấu chốt là quyền được lựa chọn. Các trường đại học được chọn chương trình đào tạo và dịch vụ theo cơ chế tự đảm bảo các điều kiện chất lượng và minh bạch hóa trách nhiệm giải trình.
(GDVN) - Ngày 9/4, Quốc hội đã phê chuẩn ông Phùng Xuân Nhạ giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo tờ trình của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Doanh nghiệp cũng có một vị trí quan trọng. Các doanh nghiệp có thể tham gia vào quá trình tái cấu trúc giáo dục đại học ít nhất từ hai góc độ: như các nhà đầu tư – mạnh thường quân và như “người đặt hàng”.
Với tư cách “nhà đầu tư” thực tế đã có những doanh nghiệp, tập đoàn có trường đại học, như PVN, FPT, VNPT. Hay như Tập đoạn VinGroup cũng sắp mở trường Y. Các tập đoàn có thể mua lại các trường yếu kém để đầu tư. Nhưng không phải tập đoàn, và trường nào cũng thành công.
Việc đầu tư cho giáo dục trước hết phải xuất phát tư cái tâm là phi lợi nhuận. Muốn các trường thực sự phát triển thì nhà đầu tư không được can thiệp vào tự chủ học thuật của Nhà trường.
Với tư cách “người đặt hàng”, doanh nghiệp là người sử dụng lao động và các ứng dụng KHCN, tức là sử dụng sản phẩm đầu ra của hệ thống giáo dục đại học. Do đó, kết quả tái cấu trúc đại học có ảnh hưởng lớn đến hoạt động và hiệu quả của doanh nghiệp.
Khi các chủ thể của hệ thống được đặt vào đúng vị trí, hệ thống sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Vậy theo ông, các trường đại học nào cần cấp thiết tái cấu trúc?
PGS. TS Lê Quân: Đó là các trường đang gặp khó khăn về hoạt động và chưa đạt chuẩn chất lượng. Nhà nước cần rà soát, đánh giá để nhận diện các trường đại học chưa đạt chuẩn.
Đó là đối tượng đầu tiên cần thiết tái cấu trúc. Giải pháp có thể tính đến là liên thông, liên kết với các trường đại học lớn, có uy tín.
Các trường nên mạnh dạn xây dựng đề án tái cấu trúc và tăng cường năng lực của trường. Vì tái cấu trúc là một quá trình thay đổi liên tục. Để quản trị sự thay đổi thì lãnh đạo nhà trường cần làm rõ mục tiêu và mô hình triển khai.
Xin cám ơn ông!
Người học vừa người thụ hưởng, vừa là sản phẩm của trường đại học. Người học được lựa chọn “nơi học và chương trình học” trên cơ sở thông tin minh bạch. Khi đó, lựa chọn của người học là yếu tố ảnh hưởng đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu giáo dục đại học. Thí dụ, nếu người học thấy trường không được kiểm định chất lượng, hoặc sinh viên ra trường không có việc làm, người học chắc sẽ không đăng ký học không? Nếu người học không lựa chọn, trường đại học phải đóng cửa, hoặc sáp nhập vào trường khác. Như vậy, người học đã thể hiện quyền lực của mình, một dạng quyền lực mềm, nhưng rất hiệu quả - PGS.TS Lê Quân |
Xuân Trung