Phụ huynh đi xin giấy khen cho con để gia đình bớt xấu hổ

09/01/2016 07:39
Phan Tuyết
(GDVN) - Chỉ khi nào mỗi chúng ta dẹp bỏ được bệnh sĩ, bệnh háo danh thì giáo dục mới hết đi căn bệnh thành tích.

LTS: Có thể nói bệnh thành tích là căn bệnh trầm kha tồn tại từ rất lâu trong xã hội Việt Nam. Nó đã gây ra những tác hại ghê gớm khôn lường, cản trở rất nhiều tới quá trình phát triển của đất nước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Để chạy theo thành tích, nhiều người bất chấp thủ đoạn để thực hiện. Đáng tiếc là hiện nay, xã hội ta có rất nhiều người mắc căn bệnh này. Vậy “bệnh thành tích” bắt nguồn từ đâu?

Trong bài viết này, cô giáo Phan Tuyết đưa một trường hợp cụ thể về bệnh thành tích trong ngành giáo dục. Vì nhiều lý do, tên trường, tên học sinh không được nêu cụ thể. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.


Trong buổi họp phụ huynh cuối học kì I vừa rồi, sau khi nghe cô giáo chủ nhiệm lớp 3B thông báo: “Sau cuộc bình chọn của cả lớp vào tuần trước, các em và giáo viên chủ nhiệm đã nhất trí bầu ra 10 học sinh tiêu biểu nhất lớp sẽ được nhà trường tặng giấy khen đợt này”. 

Khi danh sách vừa được thông qua, một số phụ huynh chụm đầu vào nhau thì thào điều gì đó. Bỗng phía cuối lớp, một cánh tay rụt rè giơ lên.

Vị phụ huynh lưỡng lự giây lát rồi chị cũng lên tiếng: “Khoản tiền nào tôi cũng ủng hộ cho lớp thậm chí ủng hộ ở mức cao nhất nhưng vì sao con tôi học một tờ giấy khen cũng không có?”.  

Nghe xong, lớp học bỗng ồn ào hẳn lên, cô giáo tưởng rằng sẽ nhận được những lời phản đối, thái độ không đồng tình của mọi người với vị phụ huynh vừa phát biểu. 

Phụ huynh đi xin giấy khen cho con để gia đình bớt xấu hổ (Minh họa từ tuoitre.vn)
Phụ huynh đi xin giấy khen cho con để gia đình bớt xấu hổ (Minh họa từ tuoitre.vn)

Thật bất ngờ, nhiều người còn tỏ thái độ đồng tình, có người quay lại giơ ngón tay cái biểu thị sự thích thú. 

Nhiều phụ huynh thắc mắc theo kiểu: “Con tôi học hai năm đều là học sinh giỏi, xuất sắc, vì cớ gì năm nay nó lại không được giấy khen? Mà điểm thi của con môn Toán, Tiếng Việt đều đạt 2 điểm 10?”. 

Nhiều tiếng xì xào nổi lên: “Bọn nhỏ thi đạt điểm giỏi thì phát hết giấy khen cho chúng mừng. Tiếc gì một tờ giấy khen hả trời”.

Mặc cho giáo viên cố gắng giải thích về quy định khen thưởng mới theo Thông tư 30 như việc đánh giá khen thưởng không chỉ dựa vào điểm số của các lần kiểm tra cuối kì như những năm trước đây mà là cả quá trình phấn đấu của học sinh trong kỳ học, năm học đó.

Phụ huynh đi xin giấy khen cho con để gia đình bớt xấu hổ ảnh 2

Cô thầy làm việc quá tải, nỗi lòng của người trong cuộc

(GDVN) - Trong tâm thức người Việt bao đời nay cho rằng nghề giáo là một nghề nhàn nhã nhưng thực tế không chắc đã vậy, nhất là nhìn vào những năm gần đây...

Ngoài việc phải thường xuyên có kết quả học tập tốt, còn phải đạt về các mặt như năng lực, phẩm chất. 

Cụ thể, về năng lực cần mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, biết lắng nghe, biết giúp đỡ bạn bè, chuẩn bị đồ dùng học tập chu đáo, hoàn thành tốt mọi công việc được giao...; về phẩm chất thì cần chăm học, chăm làm, tích cực tham gia mọi hoạt động giáo dục, biết đoàn kết với bạn, yêu gia đình, trường lớp, lễ phép với thầy cô...

Nghe tới đó, nhiều phụ huynh sỗ sàng lên tiếng: “Tôi chẳng hiểu gì Thông tư 30 hay 40, cứ làm như những năm trước có phải dễ hiểu hơn không?

Buổi họp cô giáo càng ra sức giải thích thì phụ huynh lại lên tiếng phàn nàn này, nọ. Đến khi tan họp, khi mọi người đã về hết, giáo viên vẫn thấy một vị phụ huynh ngồi lại như muốn có điều gì cần trao đổi. 

Sau một chút lưỡng lự, vị phụ huynh này đặt vấn đề như một lời cầu xin: “Cô cho bé H. tờ giấy khen được không? Cô không cần đọc tên cháu lên bục mà chỉ cần phát cho cháu miễn sao giấy khen đó có tên cháu và chữ ký của thầy Hiệu trưởng”. 

Khi hỏi lý do, bậc phụ huynh chùng đôi mắt và nói: “Cơ quan bố cháu năm nào cũng có thưởng khi con cán bộ có giấy khen là 1 triệu đồng và 10 cuốn vở.

Kỳ học này cháu thi đủ điểm nhưng lại không được Nhà trường tặng giấy khen. Tiền thưởng và vở thì gia đình tôi không tiếc.

Nhưng bố cháu bảo rằng, con nhà người ta được thưởng, con mình không được thì xấu hổ lắm”

Mặc dù, giáo viên rất thông cảm với nỗi lòng của bậc phụ huynh này, dù giải thích nhiều lần về Thông tư 30 nhưng phụ huynh này không chịu cảm thông. 

Phụ huynh đi xin giấy khen cho con để gia đình bớt xấu hổ ảnh 3

165 ngàn em có điểm từ 0 đến 2, nghĩ về bệnh trầm kha của ngành giáo dục

(GDVN) - Tính theo tỷ lệ học sinh thi Tốt nghiệp THPT năm nay thì nước ta có hơn 17,3% học sinh đạt điểm 2.0 trở xuống.

Đứng dậy ra về mà vị phụ huynh này vẫn ấm ức nói: “Cháu nhà tôi học đâu có kém. Những năm học trước, cháu luôn là học sinh xuất sắc thì tôi đâu phải đi xin xỏ thế này”. 

Nói xong, vị phụ huynh bước nhanh ra khỏi lớp. Cô giáo thấy buồn rầu, đầy suy nghĩ vì đây không phải lần đầu tiên gặp tình huống này. 

Nhưng việc phụ huynh đi xin giấy khen cho con còn có thể giải thích chứ đồng nghiệp mà đi xin giấy khen cho người thân thì không biết nên làm thế nào?

Vì tờ giấy khen để có mấy trăm nghìn tiền thưởng khuyến học, nhiều người vì sĩ diện của gia đình nên bất chấp mọi thứ để đi xin giấy khen cho con, cho cháu. 

Chúng ta cứ nói giáo dục còn nặng bệnh thành tích. Thiết nghĩ thành tích vẫn còn ngự trị trong mỗi con người chúng ta. Chỉ khi nào mỗi chúng ta dẹp bỏ được bệnh sĩ, bệnh háo danh thì giáo dục mới hết đi căn bệnh thành tích.

Phan Tuyết