LTS: Sau hình ảnh người thầy cần mẫn dạy trò về bể học bao la, ít ai biết rằng có những người vì theo đuổi nghiệp đam mê, họ cũng đã từng bị vỡ mộng, vấp ngã vì những vố lừa khi đi “chạy việc”.
Thầy giáo Nguyễn Cao đã gửi đến tòa soạn câu chuyện của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Hi vọng bám quê, hai lần chạy việc bị “mừng hụt”
Hơn 10 năm trước, 17 sinh viên chúng tôi tốt nghiệp lớp Sư phạm từ một trường Đại học miền Trung với rất nhiều khát vọng sau này được về cống hiến cho quê hương.
Hơn 10 năm sau trong 17 người ấy chỉ có đúng một người được giảng dạy tại quê nhà, ba người đi dạy ở các tỉnh phía Nam, còn lại đều làm khác nghề, thậm chí có đứa bây giờ đang đi… phụ hồ.
Tốt nghiệp Đại học, tôi hăm hở về quê mang theo một niềm tin vững vàng bởi một lời hứa của thầy Hiệu trưởng cũ, vì mới ra trường nên trong lòng tôi đang tràn trề lí tưởng sách vở.
Nhưng, cuộc đời không đẹp như trong trang sách mà mình đã học, tôi ra trường đi xin việc và tìm đến thầy Hiệu trưởng như một cứu cánh, tôi chấp nhận đưa thầy một số tiền để xin việc.
Nhưng buồn là thầy không chỉ nhận tiền một người mà cùng lúc nhận tiền của nhiều người.
Sau đó, với nhiều lời hứa hẹn xin việc cho nhiều người nhưng không thể thực hiện được thầy đã thoái thác trách nhiệm. Tôi cảm thấy sụp đổ về nhân cách của người thầy!
Nhiều người xem chạy việc như là một chuyện bình thường (Ảnh nguồn: Thanhnien.vn). |
Sau sự cố đầu tiên, qua lời giới thiệu của một bạn học, tôi biết tới một vị quan chức ở huyện miền núi. Sau nhiều lần đặt vấn đề về việc muốn xin một chân giáo viên ở đây, vị quan chức làm trong ngành giáo dục này cho biết:
“Muốn được kí hợp đồng dài hạn thì em phải chi 45 000 000 đồng (lúc bấy giờ lương cơ bản là 540 000 và giá vàng một triệu đồng/chỉ) để chạy việc”.
Nghề giáo - xưa thì cao quý, nay bạc như vôi(GDVN) - Khi chẳng may gặp chuyện thì giáo viên chẳng có ai để chia sẻ về mặt tư tưởng. Dần dần họ trở nên cô đơn ngay chính trong ngôi trường của mình. |
Sau khi nhận tiền, lần lựa mãi đến hơn ba tháng sau tôi nhận được câu trả lời từ chối xin việc vì có người đã trả cái giá cao hơn.
Sau lần thứ hai thất vọng về chạy việc, dù thiết tha và nặng lòng được làm việc tại quê nhà nhưng tôi cũng đành phải từ giã gia đình ra đi tìm đến một miền đất mới.
Sau khi đã có công việc ổn định tại một tỉnh phía Nam, thỉnh thoảng vào dịp hè tôi trở về thăm quê và không quên gặp gỡ lại những người bạn đã cùng chung giảng đường khi xưa với mình.
Trong số họ - chỉ một người may mắn được kí hợp đồng dài hạn còn lại phần lớn đều làm trái nghề, có vài người may mắn xin làm chân nhân viên văn phòng tại các Ủy ban Nhân dân xã, phường.
Số còn lại không may mắn thì đi làm công nhân tại các khu công nghiệp, người bán bảo hiểm, thậm chí có người đi phụ hồ để trang trải cuộc sống gia đình mình.
Trong các bạn bè thuở xưa ai cũng nói tôi là một trong số ít những người may mắn trong đám bạn thuở trước vì được làm đúng công việc mà mình đã học, đã yêu thích.
Còn họ, phần lớn chấp nhận trụ lại quê hương vì rất nhiều nguyên do như gia đình, phần vì lỡ lo lót chỗ này, chỗ kia thành ra lần lữa mãi mà dở dang cả sự nghiệp!
Lối xin việc nhỏ hẹp, sinh viên Sư phạm làm trái ngành cũng khó!
Khi báo chí lên tiếng về việc 376 giáo viên tại huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa bị cắt hợp đồng, nhiều người lên tiếng:
“Với số tiền lương như vậy thì không nên cố níu kéo nghề làm gì mà nên tìm việc khác có thu nhập cao hơn; nghề Sư phạm cũng giống như ngành nghề khác cần có sự đào thải, ai không làm được thì thanh lí hợp đồng”.
Tuy nhiên, nếu ai đã từng học và theo đuổi nghề Sư phạm sẽ hiểu đặc trưng riêng của nghề nghiệp mà mình theo đuổi, đã yêu và xác định gắn bó đời mình với nghiệp trồng người thì sẽ rất nặng lòng với nghề.
Trong số những giáo viên bị cắt hợp đồng ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa không hẳn là do họ yếu về chuyên môn mà do đã đặt niềm tin và đầu tư không đúng chỗ - bởi họ không có sự lựa chọn, bởi cuộc đời đầy rẫy những cạm bẫy mà những sinh viên Sư phạm mới ra trường khó vùng vẫy để thoát khỏi “lòng tham” của một số người.
Hơn nữa, từ nhiều năm nay một số địa phương không thông báo tuyển dụng giáo viên mà thường âm thầm tiến hành, khi có chỉ tiêu thì chỉ trong nội bộ biết và phải tốn chi phí rất nhiều để lo lót.
Thân phận giáo viên hợp đồng là thân phận cơ cực đến
Giáo sư Hồ Ngọc Đại: "Việt Nam tụt hậu 1-2 thế kỷ" |
vô cùng, ai trong hoàn cảnh này mới thấu hiểu nỗi khổ mà mình phải chịu đựng.
Dư luận nhiều khi đặt câu hỏi là tại sao một bộ phận giáo viên phải chạy chọt, những thầy cô như thế thì làm sao giữ vững được thiên lương khi đứng lớp?
Không ai muốn phải chạy chọt làm gì, bởi phần lớn người theo ngành Sư phạm là những người có hoàn cảnh khó khăn, nhưng, thời thế xã hội bây giờ như vậy, nếu không lo lót thì rất khó có cơ hội được đứng lớp.
Khi đâm lao thì phải theo lao, ai cũng hi vọng phần được vớt vát phần mất, rồi tìm cách trả nợ dần còn hơn bị thất nghiệp hoặc làm không đúng ngành học.
Năm 2017 giảm chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm |
Trong số hàng trăm, hàng nghìn sinh viên ra trường nhiều năm nay, tỉ lệ sinh viên Sư phạm thất nghiệp khá cao. Và, có lẽ những sinh viên Sư phạm xin việc làm trái nghề còn khó hơn các chuyên ngành đào tạo ở một số lĩnh vực khác.
Bởi trong quá trình đào tạo ngành Sư phạm, giáo viên chỉ chuyên dạy về các môn như: tâm lí lứa tuổi, về phương pháp giảng dạy, thực tập nên khó áp dụng sang các lĩnh vực khác.
Sinh viên Sư phạm đang thất nghiệp ngày càng nhiều và trở thành một trở ngại nhằm nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam.
Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu giảm 10% chỉ tiêu tuyển sinh ở các trường Đại học Sư phạm nhưng với tình hình hiện tại, các trường học bây giờ đã đủ và thừa thì cơ hội việc làm cho sinh viên sư phạm mới ra trường là rất hiếm hoi!