LTS: Tiếp nối bài viết "Con là cục cưng của bố mẹ, cô mà đánh con, bố con sẽ đuổi cô ra khỏi trường!", hôm nay cô giáo Phan Tuyết chỉ ra mối lo ngại về sự vô cảm giữa những con người với nhau, sợ bị liên lụy nên khi thấy đồng nghiệp gặp nạn họ muốn tránh càng xa càng tốt.
Bài học này được cô đúc rút ra từ vụ việc của em Đỗ Lân Anh (lớp 8A, trường THCS Định Hòa, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) vừa qua.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Vụ việc gia đình em Đỗ Lân Anh (Thanh Hóa) đòi thầy giáo phải bồi thường 200 triệu đồng sẽ bỏ qua việc thầy đã đánh con trai mình đang gây xôn xao dư luận.
Từ việc bệnh viện tỉnh và bệnh viện huyện cho ra kết quả chẩn đoán “đá nhau” về trường hợp học sinh Đỗ Lân Anh (lớp 8A, trường THCS Định Hòa, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) bị thầy giáo dạy môn Vật lý là Đoàn Văn Học đánh.
Theo kết quả chẩn đoán của Đa khoa huyện Yên Định, Lân Anh bị rạn lồi cầu xương cánh tay và vỡ mõm khủy tay.
Nghề giáo - xưa thì cao quý, nay bạc như vôi (Ảnh: nld.com.vn) |
Tuy nhiên, theo kết quả của khoa chấn thương Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, Lân Anh vẫn co duỗi và hoạt động tốt, không thấy bất kỳ vết thương nào trên cánh tay học sinh này. Bác sỹ đã tháo bột ở cánh tay và hiện trạng của Lân Anh vẫn bình thường.
Do đâu mà bệnh viện huyện và tỉnh cho hai kết quả khác nhau? Nhiều người băn khoăn rằng, không hiểu trình độ bác sỹ ở bệnh viện huyện Yên Định ở mức độ nào mà cánh tay không chấn thương lại trở thành “rạn xương cầu lồi, vỡ mõm khủy tay” không được cử động nên phải bó bột?
Phụ huynh nói một đằng làm một nẻo, giáo viên ngày càng sợ học sinh(GDVN) - Nghề giáo dần trở thành nghề “làm dâu trăm họ” khiến nhiều thầy cô chẳng còn tâm huyết để dạy dỗ bởi phải chịu áp lực quá lớn từ học sinh đến phụ huynh. |
Thậm chí, nhiều người còn nghĩ đến việc có sự thỏa thuận giữa gia đình nạn nhân với bác sỹ để gia đình gây sức ép đòi thầy giáo phải bồi thường 200 triệu đồng.
Lý giải về sự chẩn đoán nhầm này thì bác sỹ Hà Minh Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định bào chữa rằng: “Đã gọi là chẩn đoán, thì có thể chưa chính xác, kể cả tuyến trên hay tuyến dưới cũng chưa hẳn tuyệt đối được 100%”.
Bác sỹ chỉ cần bào chữa rằng “chẩn đoán thì chưa chính xác” là xong nhưng kết quả chẩn đoán ấy đang biến một con người được đánh giá là hiền lành, nhiệt tình lại chuẩn bị mất việc trong tai tiếng.
Bởi nếu không có cái “nhầm” ấy, cánh tay Lân Anh không bị bó bột thì việc giáo viên phạt học sinh vài roi vào mông chắc cũng chẳng đến nỗi thầy Học bị cảnh cáo toàn ngành và bị đình chỉ giảng dạy.
Lỗi lần này cũng phải nói tới truyền thông, chỉ một hình ảnh học sinh bị bó bột tràn lan trên các mặt báo với những tít “sốc” đã khiến dư luận bất bình, chỉ trích thậm chí hắt hủi người giáo viên trong khi ngọn nguồn sự việc chưa được sáng tỏ.
Dư luận phản ánh tới mức, nhà trường – nơi thầy Học công tác nhanh chóng tỏ rõ quan điểm: “Không dung tha với những việc làm vi phạm đạo đức nghề nghiệp của giáo viên”.
Con là cục cưng của bố mẹ, cô mà đánh con, bố con sẽ đuổi cô ra khỏi trường!(GDVN) - Và thế là giáo viên giờ đây “có tiết thì vào lớp, hết giờ bước ra, học sinh muốn làm gì thì làm”... |
Cuộc họp kỷ luật thầy Học đã diễn ra sau đó. Đau xót thay khi có tới 8/10 lá phiếu đồng ý phạt cảnh cáo và đình chỉ công tác giáo viên này.
Phải chăng đây chính là minh chứng cho sự vô cảm đến lạnh lùng giữa người với người, giữa đồng nghiệp với nhau?
Gia đình phụ huynh quay lưng, truyền thông nhìn nhận một phía, dư luận lên án thì còn có thể cảm thông.
Nhưng tại sao nơi thầy từng công tác gần 10 năm, nơi mọi người vẫn đánh giá thầy Học là giáo viên hiền lành, tốt mà chẳng thể lên tiếng trong lúc đồng nghiệp gặp nguy nan?
Có lẽ, họ muốn chứng minh với dư luận rằng: “Chúng tôi không bao che, không chấp nhận những hành động sai trái…” còn người đứng đầu thì sợ liên lụy, trách nhiệm.
Chính vì thế, khi giáo viên chẳng may gặp chuyện thì chẳng có ai để bấu víu, chia sẻ về mặt tư tưởng. Dần dần giáo viên trở nên cô đơn ngay chính trong ngôi trường của mình.