Đáng tiếc trên thực tế không phải như vậy, bởi vì với cách thức ấn định thời gian tuyển sinh như Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang làm đã gây phản ứng ở các trường tư thục và phụ huynh lựa chọn trường tư thục cho con.
Đã có những trường thẳng thắn lên tiếng, nhưng cũng có những trường dù rất bức xúc vẫn chưa lên tiếng, vì họ e ngại sẽ trở thành “cái gai trong mắt” của Sở.
Trong khi đó vào lúc họ bỏ tiền xây dựng trường, tuyển dụng giáo viên, tìm mọi biện pháp để vừa chăm sóc thể chất tốt cho học sinh vừa đảm bảo được chất lượng đào tạo thì Sở ở đâu, và đóng vai trò gì trên chặng đường thành công hay thất bại của họ? Sở đã có giải pháp gì cho các trường tư khi họ gặp khó khăn?
Thế nên đã có rất nhiều bình luận trong đó có cả ý kiến của Thầy Văn Như Cương rằng lý giải của ông Phạm Văn Đại – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nói “Tuyển sinh ở bậc trung học cơ sở và tiểu học theo kế hoạch của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành theo ngày giờ…” cũng đã thể hiện rất cứng nhắc, chưa thấy được sự mong muốn đổi mới và phát triển giáo dục của cơ quan quản lý, thậm chí còn gây ảnh hưởng đến chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục.
Kế hoạch ấy thực chất là do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xây dựng chi tiết, do đó không thể đẩy trách nhiệm lên Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội.
Việc áp đặt lịch tuyển sinh như vậy gây ra khó khăn cho các trường thì Sở phải chủ động lấy ý kiến rộng rãi, thảo luận và điều chỉnh lại theo đúng tinh thần “kiến tạo” mà Chính phủ đang dày công xây dựng.
Sở Giáo dục Hà Nội nên dũng cảm thay đổi tư duy theo tinh thần "kiến tạo, phục vụ". ảnh: LTV. |
Cần phải nhắc lại rằng Điều 13 Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung năm 2009 đã khuyến khích, kêu gọi đầu tư cho giáo dục, tức là cơ quan quản lý trực tiếp ở địa phương như Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần phải tư duy theo hướng ấy, chứ không thể đặt ra một quy định riêng và cố bao biện ngay cả khi có nhiều ý kiến phản đối.
Ở góc độ luật pháp, Tiến sĩ-Luật sư Phan Thị Hương Thủy – đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nói rằng, trong Luật Giáo dục, trong các Thông tư mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành không quy định cụ thể thời gian tuyển sinh của các trường phổ thông thì có nghĩa là các trường được phép tổ chức tuyển sinh phù hợp với tình hình thực tế, miễn không vi phạm luật.
Còn về phía Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội áp đặt thời gian tuyển sinh là trái luật, vì luật và Thông tư không quy định cụ thể thì Sở phải áp dụng theo hướng mở, chứ không được đặt ra quy định riêng để gây khó khăn thêm cho các trường tư thục.
Phương án mở mà Tiến sĩ Phan Thị Hương Thủy đề cập chính là việc các trường có nhu cầu tuyển sinh trong thời điểm nào, thời gian bao lâu đủ để đảm bảo cho hoạt động ổn định mà không trái luật thì chỉ cần đăng ký để Sở nắm được và kiểm soát những vấn đề cần thiết. Đấy mới là tư duy quản lý theo hướng phục vụ, thúc đẩy nền giáo dục phát triển tốt hơn.
Phải nhanh chóng xóa bỏ tư duy "bề trên"
Cả nước đang bước vào giai đoạn đổi mới căn bản và phát triển toàn diện nền giáo dục. Đó là một mục tiêu đúng đắn, nhưng rất nhiều khó khăn, mà để cải tổ lại nền giáo dục thì cần phải thay đổi được tư duy quản lý giáo dục.
Tư duy ấy chi phối, chỉ đạo toàn bộ các khâu và có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả giáo dục ở từng khu vực, từng địa phương, và xa hơn là chất lượng của cả nền giáo dục.
Bởi vậy nếu cứ mãi ôm khư khư tư duy bao cấp theo kiểu “quản cho chặt, cho gọn, cho dễ”, hay “chọn việc dễ, bỏ việc khó” thì Sở vẫn sẽ làm thay việc của các trường – đó là điều thừa thãi mà các trường không cần.
Trong khi đó việc cần làm là trước khi đưa ra một quy định nào đó, cần phải trả lời được câu hỏi: Vì sao cần làm việc ấy? Nó có thuận lợi cho các trường không? Có thuận lợi cho phụ huynh không? Có gây khó khăn, thiệt hại cho các trường không? Và có vi phạm luật không?
Đó cũng là tinh thần của Chính phủ kiến tạo mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cũng phải chuyển động để thực sự phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.
Để thực thi điều đó, một quá trình dân chủ hoá trong thực thi quyền lực đại diện cần diễn ra nhằm bảo đảm cho người dân, doanh nghiệp được tham gia thực sự vào quá trình lập và ban hành chính sách, pháp luật.
Chỉ trong điều kiện như vậy, bộ máy và nhân lực của cơ quan nhà nước mới thực sự thay đổi về động cơ, tư duy và thái độ để vận hành theo hướng kiến tạo và phục vụ hiệu quả cho nhu cầu quốc kế, dân sinh.
Cần phải nói thẳng ra rằng, khi đóng vai trò kiến tạo và phục vụ, thì các cơ quan nhà nước phải xóa bỏ hoàn toàn suy nghĩ coi mình là “bề trên” mà phải bình đẳng với người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực thi pháp luật, sáng tạo và phát triển.
Còn nếu tư duy quản lý không thay đổi, cơ quan nhà nước vẫn cứ coi mình là “bề trên”, coi người dân và doanh nghiệp là đối tượng bị quản lý, chỉ nhăm nhăm áp đặt và và xử phạt, thay vì đầu tư các hoạt động sáng tạo và gia tăng giá trị... thì đó không phải là tinh thần “kiến tạo”.
Và, theo Tiến sĩ-Luật sư Phan Thị Hương Thủy thì dù Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời đã biết và đang theo dõi sự việc, nhưng có lẽ đã đến lúc Bộ cần thể hiện vai trò của cơ quan quản lý nhà nước rõ ràng hơn đối với vấn đề này.
Nếu như Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không nhận sai và chủ động điều chỉnh những quy định gây ra khó khăn cho các trường tư thục thì Bộ cần vào cuộc, bởi vì Sở chỉ là đơn vị triển khai thực hiện chứ không được phép đặt ra quy định riêng, nhất là quy định mang tính áp đặt trái với tinh thần “kiến tạo” của Chính phủ.