Tại Kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV, một vấn đề được đặt ra với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng và không có câu trả lời, đó là tình trạng thiếu trường lớp.
Mặc dù đã có quy hoạch, tình trạng thiếu trường lớp vẫn xảy ra, nếu so với Nghị quyết 05/NQ-HĐND năm 2012 về mạng lưới trường lớp, Hà Nội hiện đang thiếu 314 trường, chưa kể tới chất lượng nhiều trường - lớp học chưa đảm bảo yêu cầu.
Ngoài ra còn một yếu tố khác không được nhắc tới về điều kiện cơ sở vật chất các trường công lập tại Hà Nội, đó là tình trạng quá tải sĩ số các trường nội đô.
Sĩ số quá tải đã và đang tồn tại trong các trường công lập nội đô, thậm chí có nơi lên đến 70 học sinh / lớp. Tình trạng này đã tồn tại trong nhiều năm, và trong những năm tới cũng chưa có gì đảm bảo sẽ được cải thiện.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng, ảnh: VA / Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. |
Phát triển giáo dục ngoài công lập đang trở thành xu thế tất yếu để giải quyết các bất cập về mạng lưới trường lớp, tinh giản biên chế bộ máy, nâng cao chất lượng đời sống giáo viên và chất lượng giáo dục, dường như vẫn bị ngành giáo dục Thủ đô xem nhẹ.
Chỉ tính riêng mùa tuyển sinh lớp 10 năm nay, các trường tư thục đã gánh cho Thủ đô khoảng 29 ngàn học sinh (27,6%);
Khả năng của giáo dục công lập Hà Nội (trường trung học phổ thông công lập, công lập tự chủ, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cộng lại) chỉ đáp ứng được 72,4% sĩ số (trong điều kiện duy trì sĩ số cao ở nhiều trường).
Nếu tính theo quy chuẩn sĩ số của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực tế khả năng đáp ứng của giáo dục công lập Hà Nội còn thấp hơn rất nhiều. Sĩ số đông mà muốn đảm bảo chất lượng thì không còn cách nào khác, ngoài mỗi thầy cô phải trở thành một lò dạy thêm.
Trong bối cảnh giáo dục ngoài công lập tại Hà Nội còn bị hạn chế nhiều mặt (quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tuyển sinh, tài chính), giáo dục ngoài công lập Hà Nội vẫn gánh gần 30% sĩ số tuyển sinh trung học phổ thông năm nay.
Nếu không có các trường tư thục này, gần 29 ngàn học sinh Hà Nội học hết lớp 9 sẽ đi đâu, về đâu và làm gì?
Có lẽ chưa bao giờ thầy Chử Xuân Dũng cùng Ban giám đốc Sở đặt ra câu hỏi này, họ coi đấy là nghĩa vụ mặc nhiên không cần quan tâm chăng? Bởi nếu nghĩ được điều đó, có lẽ quý Sở đã không ứng xử như vậy.
Sở làm sai cứ ép trường phải chịu
Xung quanh những lùm xùm về tuyển sinh lớp 10 tại một vài trường tư thục trên địa bàn Hà Nội, cách ứng xử của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho thấy, dường như các trường tư thục chỉ là "con ghẻ" của quý Sở.
Can thiệp thô bạo của Phó giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội làm méo mó trường tư |
Giám đốc Sở, 2 Trưởng phòng chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đều khẳng định trường Lương Thế Vinh, Tạ Quang Bửu không làm gì sai quy định hiện hành trong vụ việc một số cha mẹ học sinh rút hồ sơ nhưng đòi lại tiền.
Ấy vậy mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn ra văn bản cá biệt chỉ đạo 2 trường này phải trả lại các khoản đóng góp dựa trên sự thỏa thuận hoàn toàn tự nguyện, công khai, minh bạch giữa nhà trường với cha mẹ học sinh, cho một số ít người cơ hội.
Lòng tham và thói lật lọng đã được thổi bùng trên truyền thông chỉ vì chỗ dựa là 2 công văn cá biệt Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo trường Lương Thế Vinh, trường Tạ Quang Bửu.
Đến giờ này không có bất cứ văn bản nào của Sở khẳng định 2 trường trên làm sai, đó cũng là quan điểm nhất quán của Giám đốc Sở, thầy Chử Xuân Dũng.
Nhưng Sở vin vào lý do "nhân văn" với một số vị cha mẹ học sinh lật lọng chính những gì họ đã ký, đã chấp nhận sau khi được tìm hiểu và tư vấn kỹ càng để ép các trường này phải trả.
Truyền thông đã được huy động, một vài luật sư, thậm chí cả giáo sư tiếng tăm, cũng đã được phỏng vấn;
Và không ai dựa trên luật pháp để đánh giá vấn đề, chỉ dựa vào vài thông tin báo đài cung cấp có chủ đích để phán xét, thậm chí có những ngôn ngữ quy chụp rất nặng nề cho nhà trường, về vụ việc mà chính Giám đốc Sở khẳng định họ, việc làm của họ không sai.
Sở yêu cầu trường Lương Thế Vinh, trường Tạ Quang Bửu vi phạm thỏa thuận giữa họ với cha mẹ học sinh để bao biện cho cái sai của mình, tình huống này cho thấy cần phải xem lại trình độ quản lý của những người đứng đầu ngành giáo dục Thủ đô.
Sở làm sai nhưng cứ ép nhà trường phải chịu, thì giáo dục Thủ đô sẽ đi đâu về đâu?
Các trường tư thục còn lại hiện nay dường như đều "nín thở" theo dõi vụ việc, bởi họ hiểu ai là người nắm "sinh mệnh chính trị" của mình, ai là người có "quyền sinh quyền sát".
Ảnh chụp màn hình kết quả tìm kiếm công văn 2784/SGDĐT-QLT trên website Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Kết quả là con số 0, nhưng nhiều tờ báo đã có trong tay công văn này khi người nhận, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh còn chưa biết mặt ngang mũi dọc nó ra sao. |
Sở đòi hỏi các trường này phải "nhân văn" với một số vị cha mẹ học sinh lật lọng, thì ai sẽ "nhân văn" với các trường bị mất cơ hội tuyển sinh được những người thực sự muốn đến với trường, hiểu nhà trường và cam kết lâu dài?
Mùa tuyển sinh năm nay qua đi, có trường mất tới 191 học sinh vì sự kích thích rút - nộp hồ sơ từ văn bản của Sở, vì chiêu trò o bế thông tin phổ điểm và giới hạn thời gian nộp hồ sơ nhập học quá ngắn của quý Sở thì ai sẽ "nhân văn" với họ?
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có bù đắp được những mất mát này với các trường tư hay không?
Chưa kể, không ít học sinh và cha mẹ muốn đến với các trường này sau khi tìm hiểu kỹ càng, đã bị cướp mất cơ hội từ những người cơ hội, ai "nhân văn" với họ?
Ở một đất nước thượng tôn pháp luật, ở Thủ đô ngàn năm văn hiến mà những người đứng đầu ngành giáo dục lại có tư duy và ứng xử như vậy, thì thật kỳ lạ.
Thầy Chử Xuân Dũng là một nhà giáo, từng là Hiệu trưởng ngôi trường mang tên nhà giáo dục tiêu biểu của Việt Nam - thầy Chu Văn An, hơn ai hết thầy Dũng hẳn phải biết tới một trong những lời dạy của người xưa: Kiến nghĩa bất vi, vô dũng dã.
Sở Giáo dục Hà Nội nên xem lại quyền hạn, hủy công văn cổ xúy thói lật lọng |
Thấy các trường không làm sai nhưng bị hành, thầy ngó lơ không cứu, coi như không phải việc của mình, bỏ mặc các trường này tự vùng vẫy trong tâm bão dư luận.
Thấy thuộc cấp làm trái các quy định, thậm chí phạm vào văn hóa ứng xử tối thiểu của người Tràng An, thầy cũng không có động thái nào chấn chỉnh anh em.
Thật đáng buồn. Công văn sai trái không được hủy / thu hồi, sức ép nhà trường "chịu tội" thay Sở vẫn không suy giảm.
Phải chăng sĩ diện (hão) của quý Sở quan trọng hơn danh dự, uy tín, quyền lợi hợp pháp của các trường tư thục, những đơn vị đang gánh thay một phần trách nhiệm của chính thầy, trong việc đảm bảo chỗ học cho con em Thủ đô?
Tại sao Hà Nội “om” điểm chuẩn, hạ điểm chuẩn lớp 10 trường công năm nay?
Trên cương vị Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng, thiết nghĩ thầy Phạm Quốc Toản phải chịu trách nhiệm chính trước Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về những lùm xùm thi cử vừa qua.
Chúng tôi không hiểu ông Phạm Quốc Toản nghĩ gì khi đọc được phát biểu của ông trên Báo VietnamNet:
"Phổ điểm để tham khảo và có thể đưa ra mức điểm chuẩn thì chúng tôi chưa thấy có một cơ sở khoa học nào nói lên điều đó. Bởi phổ điểm là chung trên toàn thành phố và với trên 95 nghìn thí sinh dự thi.
Tất nhiên cũng có thể đó là một kênh mà chúng ta có thể tham khảo được. Từ trước đến nay, Hà Nội cũng chưa bao giờ phân tích phổ điểm đó hay công bố.
Ngay từ kế hoạch ban đầu cũng chưa có nội dung này. Nên nếu nó là một kênh để phụ huynh tham khảo được thì Sở sẽ nghiên cứu, tiếp thu.
Và trong kế hoạch tuyển sinh những năm tới, chúng tôi sẽ triển khai tiếp thêm nội dung công bố phổ điểm thi của thí sinh."
Chúng tôi thiết nghĩ, cha mẹ học sinh có con thi vào lớp 10 năm nay tại Hà Nội họ không quan tâm xem Sở "nghiên cứu, tiếp thu" thế nào.
Họ chỉ biết thực tế cùng số lượng thí sinh tăng vọt tương đương nhau, nhưng ở thành phố Hồ Chí Minh mọi việc diễn ra êm đẹp, rất trật tự, hiệu quả;
Bởi lẽ Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương này tổ chức rất khoa học, bài bản, trong đó có công bố và phân tích phổ điểm để cung cấp thêm cho phụ huynh ngay sau khi công bố điểm thi.
Ảnh minh họa, chụp màn hình phóng sự của VTV. |
Cha mẹ học sinh ở thành phố Hồ Chí Minh còn có tận 22 ngày để nộp hồ sơ nhập học cho con, chứ không phải "nội trong 3 ngày" với bối cảnh thiếu thông tin và Sở lại bất ngờ hạ điểm chuẩn trường công như Hà Nội.
Đợi ông Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng Phạm Quốc Toản "nghiên cứu, tiếp thu", thì mọi thứ đã rối như canh hẹ, "rút kinh nghiệm" cho tuyển sinh năm sau thì việc học hành của con cái họ đã an bài.
Đọc lại bài "Những cách thức tuyển sinh phản giáo dục" đăng trên Báo Nhân Dân ngày 29/6 vừa qua, chúng tôi chợt nhận thấy có gì đó không ổn từ cách công bố điểm chuẩn lớp 10 tại Hà Nội năm nay.
Một phụ huynh ở Hà Đông (ngày 29/6) cho biết, con ông thi nguyện vọng 1 vào trường Lê Quý Đôn và được 50 điểm.
Nhưng ông "nghe đồn" trường sẽ lấy 50,5 điểm và nhiều khả năng con ông sẽ trượt, vì vậy ông đành tìm cơ hội thứ 2 cho con mình ở trường Đào Duy Từ.
Vậy là khi chưa công bố điểm chuẩn chính thức, vẫn có những "rò rỉ" về điểm chuẩn trường công đến tai phụ huynh. Tại sao người ta lại "rò rỉ", lại có những "tin đồn" về điểm chuẩn trường công?
Một nhà quản lý cơ sở giáo dục phổ thông có nhiều năm tham gia công tác tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội chia sẻ với người viết, giải thích của Sở rằng công bố điểm chuẩn cần nhiều thời gian là không thuyết phục.
Bởi Sở nắm mọi thông tin dữ liệu về thí sinh, điểm thi, điểm học, điểm ưu tiên cho đến nguyện vọng và chỉ tiêu các trường công, tất cả đều ở trên máy tính.
Ngay sau khi có điểm thi, hoàn toàn có thể tính ra điểm chuẩn của các trường công chứ không phải 10, 15 ngày. Và điểm chuẩn này dựa trên các dữ liệu rất chính xác về chỉ tiêu, nguyện vọng 1 nên rất ít khả năng thay đổi, đặc biệt là những năm số lượng thí sinh tăng vọt như năm nay.
Sở Giáo dục Hà Nội mượn tay truyền thông để triệt hạ uy tín trường tư thục? |
Nhưng người ta không công bố ngay, để còn chờ "tìm đường phúc khảo".
Đó là lý do tại sao có những "rò rỉ" về điểm chuẩn trường công này trường công khác, để em nào có điểm suýt soát điểm chuẩn "rò rỉ" thì "phúc khảo".
Công bố điểm chuẩn trường công đợt 1 cao, sau đó hạ điểm chuẩn trường công cũng để trường nào muốn có thêm học sinh cũng phải "tìm cách".
Một số vị cha mẹ học sinh không "biết chỗ" hay "không đủ điều kiện" phúc khảo trường công thì đành lựa chọn trường tư thục.
Họ thức khuya dạy sớm chen chân kiếm một chỗ học cho con trong tình thế ấy vô hình trung đã khiến các trường tư gánh thêm rủi ro và làm mất cơ hội của những người khác cam kết lâu dài.
Cú hạ điểm chuẩn trường công của Hà Nội đã khiến họ thay đổi, một cuộc đua rút - nộp hồ sơ đã xảy ra.
Nhưng khổ một nỗi, Hà Nội chỉ cho rút - nộp trong 3 ngày, bức xúc cũng từ đây nảy sinh, và các trường tư phải đương đầu chịu trận, trong khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội gây ra cơn sốt thì đứng nhìn, rồi chỉ đạo "nhân văn".
Chúng tôi không có điều kiện kiểm tra những đánh giá của vị hiệu trưởng này, nhưng cũng xin được nêu ra đây để rộng đường dư luận, trong khi chờ đợi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có giải thích chính thức tại sao hạ điểm chuẩn trường công khi thí sinh năm nay tăng vọt.
Có điều thực tế cho thấy, quyết định hạ điểm chuẩn trường công lập đã tạo thêm hiệu ứng một bộ phận cha mẹ học sinh rút hồ sơ nhập học từ trường tư sang trường công gây bối rối hiện nay.