Tự chủ mà siết chặt thì không còn là tự chủ nữa
Ngày 26/4, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo tuyển sinh trường tư thục: Thực trạng và giải pháp.
Tại hội thảo, lãnh đạo nhiều trường tư thục ở Hà Nội bày tỏ bức xúc trước việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội siết tuyển sinh đầu vào.
Họ cho rằng, việc siết chặt thời gian tuyển sinh đầu vào là đi ngược với chủ trương trao quyền tự chủ cho các trường học, gây khó cho phụ huynh học sinh.
Bà Văn Liên Na – Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học Phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) - ảnh Lại Cường. |
Cụ thể, theo bà Văn Liên Na – Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học Phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, nếu tự chủ mà siết trong khuôn khổ nhất định thì không còn là tự chủ nữa.
Quy định tự chủ tuyển sinh đầu cấp đồng loạt trong 2 – 3 ngày như vậy Sở đã tạo ra cánh cửa hẹp làm khó nhà trường và học sinh.
Trong khi, học sinh vào lớp 10 chỉ có 2 nguyện vọng đầu vào thì học sinh vào đại học lại không giới hạn, thực tế có em đăng ký trên 40 nguyện vọng đã cho thấy bất cập trong quy định tuyển sinh của Hà Nội.
Việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quy định là cùng thi tuyển môn Toán và bài thi đánh giá năng lực cũng là chưa hợp lý.
Bởi, mỗi trường có một tiêu chí tuyển sinh riêng phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường mình.
Bà Phạm Thị Thu Phương - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Ban Mai (Hà Nội) - ảnh Lại Cường. |
Cũng liên quan đến tuyển sinh, bà Phạm Thị Thu Phương - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Ban Mai (Hà Nội) kiến nghị nên nới rộng thời gian tuyển sinh cho các trường tư thục.
“Phụ huynh tìm hiểu nhà trường tư thục để gửi gắm các con vào học cũng như việc tìm hiểu của đôi nam nữ khi xây dựng một gia đình. Ai cũng cần có thời gian đủ dài để tìm hiểu thì hạnh phúc mới bền vững.
Nhà trường và phụ huynh cần phải được tạo điều kiện thời gian để tìm hiểu nhau trước khi đưa ra quyết định gửi con vào học” – bà Phương nhấn mạnh.
Sau khi lắng nghe ý kiến của lãnh đạo các trường tư thục, phát biểu tại hội thảo ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định: “Các nhà trường có tự chủ thì mới sáng tạo được".
Theo Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học: "Từ nhiều năm nay Bộ đã giao cho cả trường công và trường tư được quyền chủ động sắp xếp nội dung dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học.
Tức là Bộ đã chủ trương trao quyền tự chủ cho nhà trường".
Ngoài ra, ông Nguyễn Xuân Thành còn cho rằng, “Thông tư 05/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định thay đổi tuyển sinh vào trung học cơ sở.
Áp dụng hình thức xét tuyển bình thường ở đại đa số các trường trung học cơ sở.
Nhưng đối với các trường tư thục và một số các trường công lập có uy tín, số lượng đăng ký tuyển sinh cao hơn chỉ tiêu thì áp dụng xét tuyển với kiểm tra đánh giá năng lực.
Trong thông tư 05 nêu rõ các sở chỉ hướng dẫn nhà trường thực hiện phương thức xét tuyển và kiểm tra đánh giá năng lực chứ không có quy định nào buộc các trường xây dựng phương án, rồi cấp thẩm quyền phê duyệt”.
Qua phát biểu ý kiến của ông Nguyễn Xuân Thành có thể thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày càng trao quyền tự chủ cho các trường học trong đó có quyền tự chủ về tuyển sinh.
Bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13 (ảnh Lại Cường). |
Bộ nên vào cuộc làm rõ
Trước thực trạng, Bộ mở nhưng Sở lại siết tuyển sinh làm hạn chế quyền tự chủ của các trường tư thục, bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng: "Đảng và Nhà nước chủ trương xã hội hóa giáo dục là hoàn toàn đúng đắn.
Xã hội hóa sẽ giảm tải cho trường công, làm cho nhiều nghìn trẻ em không thất học.
Đối với các trường tư thục rất nhiều trường cử tri đánh giá rất cao vì minh bạch, không có chuyện phong bì, lạm thu…
Việc quy định thời gian tuyển sinh trường công lập và tư thục cùng một thời điểm là gây khó khăn cho trường tư thục.
Nên cần thiết phải giản thời gian tuyển sinh đối với các trường tư thục. Ở nước ngoài, các trường tư thục được tuyển sinh từ rất sớm.
Việc quy định tuyển sinh cùng một ngày như hiện nay là không hợp lý. Thời gian tuyển sinh cần phải giãn ra”.
Bùi Thị An còn cho rằng: "Để giải quyết việc này Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải vào cuộc và có ý kiến cụ thể.
Về mặt quản lý nhà nước, Bộ phải quản lý được những việc Sở làm. Nếu địa phương nào có bất cập thì phải phát hiện kịp thời.
Qua việc này thì cần thiết Bộ Giáo dục và Đào tạo phải sâu sát hơn để sớm phát hiện ra các bất cập”.
Cuối cùng bà Bùi Thị An nhấn mạnh: “Muốn phát triển bền vững giáo dục thì không chỉ có trường công lập mà phải có cả trường tư thục.
Rất muốn các ngành quản lý phải hướng đến hài hòa lợi ích, hài hòa quản lý, đặc biệt hướng đến ưu tiên sự phát triển của học sinh”.